Hai tài năng trẻ Việt ở Học viện Malmo danh tiếng
(Dân trí) - Nguyễn Ly Hương và Lưu Đức Anh là hai du học sinh xuất sắc tại Học viện Âm nhạc Malmo – Thụy Điển. Trẻ trung và giàu hoài bão, hai 9X không chỉ gặp nhau ở khát vọng khẳng định tài năng trẻ Việt trên các sân khấu nghệ thuật thế giới mà còn chung những nhịp đập hướng về quê nhà.
Ly Hương (sinh năm 1990) còn Đức Anh (sinh năm 1993). Đức Anh theo đuổi piano, Ly Hương chọn cây sáo flute.
Mỗi người một đam mê nhạc cụ nhưng họ có khá nhiều điểm chung. Quyết tâm vươn mình ra thế giới, Ly Hương và Đức Anh giành nhiều học bổng quốc tế, cùng đỗ vào Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển) – một trong những ngôi trường âm nhạc hàng đầu thế giới.
Nhắc đến Ly Hương và Đức Anh, nhiều người nhớ ngay đến hai bạn trẻ có những thành tích “khủng”.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học chuyên ngành Flute, Ly Hương đỗ Thủ khoa đầu vào chương trình Cao học và đồng thời được nhận học bổng toàn phần của Học viện Âm nhạc Malmö, trực thuộc Đại học Lund, Thuỵ Điển. Tại đây, 9X học tập dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Anders Ljungar-Chapelon, nghệ sĩ, nhà sư phạm sáo Flute nổi tiếng của Thuỵ Điển và thế giới.
Cô gái xinh đẹp từng giúp Việt Nam lập kỳ tích khi đoạt giải Nhất cuộc thi quốc tế cho các nghệ sĩ Flute lần thứ nhất tại Nam Ninh - Trung Quốc năm 2013.
Năm 2014, cô là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được mời biểu diễn Solist cùng dàn nhạc giao hưởng vũ kịch Hoàng gia London – Covent Garden. Ở Thụy Điển, Hương đã có nhiều chương trình biểu diễn độc tấu và hoà tấu thành công; nhóm hoà tấu của cô cũng đã biểu diễn tại Festival hoà tấu Utspel ở Malmo.
Còn Lưu Đức Anh, sau khi tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp chính quy tại tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì tiếp tục theo học tại Nhạc viện hoàng gia Liège, Bỉ. Cậu đã tốt nghiệp loại xuất sắc hệ Đại học năm 2013 và Cao học năm 2015.
Tại Học viện âm nhạc Malmö, Đức Anh luyện tập dưới sự giảng dạy của giáo sư, nghệ sĩ Piano nổi tiếng Hans Palsson. Năm 2016, nhân dịp kỉ niệm 130 năm ngày mất của nhạc sĩ Franz Liszt, 9X đã biểu diễn rất nhiều chương trình chuyên đề Franz Liszt và giành được nhiều thành công ở Châu Âu cũng như Việt Nam.
Tháng 6 năm 2017, chàng trai Việt lọt vào top 9 pianist trẻ được mời tham dự Grand Prix Marinaro và biểu diễn tại festival âm nhạc “Piano à Collioure” miền nam nước Pháp, nơi cậu được trao tặng giải thưởng Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử festival cho nghệ sĩ trẻ ấn tượng nhất.
Năm 2018, anh có vinh dự được xuất hiện với tư cách Solist với dàn nhạc giao hưởng Helsingborg, Thuỵ Điển. Chàng nghệ sĩ trẻ xuất hiện trên rất nhiều sân khấu tại các nước Việt Nam, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Ý, Úc, Nhật,...
Từng lưu diễn ở rất nhiều sân khấu nghệ thuật danh tiếng trên thế giới nhưng cả Ly Hương và Đức Anh vẫn luôn hướng trái tim về quê hương.
“Có lẽ, điểm chung lớn nhất giữa mình và Đức Anh là ước mơ đưa nhạc cổ điển đến với đại chúng”, Ly Hương chia sẻ.
Từng được lời mời học từ những học viện âm nhạc hàng đầu ở Bắc Kinh và Thượng Hải nhưng Hương đều từ chối. Tốt nghiệp thạc sĩ tại nhạc viện Hoàng gia Liege – Bỉ, Đức Anh giành học bổng bậc kế tiếp. Khi Đức Anh chuyển tới Thụy Điển theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Học viện Âm nhạc Malmo cũng là lúc Ly Hương chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ tại ngôi trường này. Hai người trẻ Việt tài năng gặp nhau tại học viện âm nhạc danh tiếng.
Hai du học sinh Việt kể cho nhau nghe những ước mơ, hoài bão và cả hai tìm thấy nhiều điểm chung, đồng điệu trong con đường sự nghiệp. Ly Hương với cây sáo flute, còn Đức Anh với cây đàn piano đều mong “trẻ hóa” âm nhạc cổ điển Việt Nam.
Mặc dù tập trung học tập ở nước ngoài nhưng hai nghệ sĩ trẻ vẫn cố giữ kết nối với đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam.
Ly Hương cho hay, trước khi đi du học cô cũng đã có rất nhiều lần xuất hiện trên sân khấu Việt Nam với tư cách “solist” cùng các dàn nhạc trong nước và nước ngoài. Đức Anh thì chủ yếu vẫn hoạt động biểu diễn ở Châu Âu nhưng hàng năm cũng vẫn về biểu diễn ở Việt Nam một số lần.
Khi được hỏi về ước mơ đưa âm nhạc cổ điển đến gần với đại chúng Việt, Ly Hương chia sẻ: “Âm nhạc cổ điển là một trong những đỉnh cao nhất của nghệ thuật, là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển thẩm mỹ, văn hóa và dân trí của mỗi quốc gia.
Sẽ thật đáng tiếc nếu như đất nước mình không được tiếp cận với thể loại nghệ thuật bác học này. Bọn mình cảm thấy may mắn khi được ra nước ngoài để tiếp thu kinh nghiệm và sẽ cố gắng hết sức để truyền lại cho người dân Việt Nam”.
Là nghệ sĩ piano trẻ xuất sắc đã lưu diễn rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng mỗi lần trở về quê hương, Đức Anh đều bồi hồi cảm xúc.
Lưu Đức Anh cười tâm sự: “Biểu diễn ở nước ngoài tâm lý thường thoải mái hơn bởi không khí âm nhạc cổ điển đã ăn sâu vào đời sống của người dân mỗi nước. Khán giả rất trân trọng mỗi khi có một nghệ sĩ tới chơi và biểu diễn cho họ nghe, nên mình có thể diễn rất tự nhiên và tâm trạng thoải mái.
Ở Việt Nam thì tâm lý có phần căng thẳng hơn vì đây dù sao vẫn là thể loại nhạc ít được tiếp cận, ít được biểu diễn, mọi người thường chờ đợi với kì vọng rất cao và thậm chí khắt khe”. Vậy nên, mỗi buổi biểu diễn ở quê nhà, chàng nghệ sĩ trẻ chuẩn bị chu đáo, thậm chí kỹ càng hơn rất nhiều so với ở nước ngoài.
Dấn thân vào âm nhạc cổ điển – vốn là những con đường dài và đầy chông gai, cả hai du học sinh đã miệt mài khổ luyện để thành công.
Ly Hương thú thật, nhiều khi cô nản lòng bởi vì con đường đi rất bấp bênh, không ổn định. Tuy nhiên, cô cũng cảm thấy may mắn hơn nhiều người khác khi được tiếp cận với bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, nhiều người có đam mê nhưng không có điều kiện theo đuổi.
Bỏ qua nhiều cơ hội phát triển ở châu Âu, Ly Hương vừa trở về Việt Nam không lâu. Hiện tại, cô đang là giảng viên sáo Flute của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, vừa tập trung vào giảng dạy vừa kết hợp với biểu diễn.
Đức Anh đang có chuỗi hòa nhạc chuyên đề hàng năm của riêng mình cùng nhiều buổi biểu diễn và sự kiện khác thuộc công ty âm nhạc Maestoso do cậu đồng sáng lập.
Cùng mơ ước thúc đẩy nền âm nhạc cổ điển Việt Nam, Ly Hương và Đức Anh ấp ủ những dự định chung. “Hai bọn mình dự định sẽ cùng nhau kết hợp song tấu không chỉ trong những buổi biểu diễn mà còn trong những hoạt động giao lưu, sinh hoạt âm nhạc khác ở quê nhà nhằm đưa âm nhạc cổ điển tới công chúng Việt một cách rộng rãi nhất, nhất là các bạn trẻ”, Đức Anh chia sẻ.
Ở Việt Nam âm nhạc cổ điển được giới chuyên môn đánh giá là chưa thật sự gần với công chúng. Hai nghệ sĩ trẻ nỗ lực hành động với mong mỏi một ngày nào đó nước mình có thể sánh ngang với các nước bạn và thậm chí cũng có rất nhiều tài năng âm nhạc cổ điển.
Lệ Thu