Hai số phận - một ước mơ
Chúng tôi thật sự xúc động xen lẫn khâm phục khi gặp hai trong số những gương mặt học trò tỉnh Sóc Trăng đã vượt lên số phận để được học, để được đi cùng ước mơ rất đẹp: trở thành thầy, cô giáo trên quê mình.
Học cho cả “suất” học của em gái
Trần Thị Tú Hằng (ngậm ngùi tâm sự trong căn nhà trọ lụp xụp và ẩm thấp, nằm sâu trong một con hẻm phường 4, thị xã Sóc Trăng, bên bàn học vốn là những mảnh ván chắp vá; được biết từ lớp 1 tới nay Tú Hằng luôn là HS giỏi, HS tiên tiến):
“Nhà nghèo, các anh chị phải nghỉ học ngang hết. May nhờ mình học khá nên mẹ không nỡ cho nghỉ. Mình cũng không muốn để mẹ phải lo nhiều. Từ hồi cấp III đến giờ những áo dài mình mặc đều là những chiếc áo cũ của các bạn cho...
Không đất, không nhà, nhiều lúc mình cũng định nghỉ học đi làm để phụ giúp gia đình. Mới nghỉ được một ngày, thấy các bạn đến trường thì mình chịu không được nên đi học lại. Đứa em gái kế khóc, bảo chị lỡ học giỏi thì ráng học tiếp, em nhường suất học lại... Mình cũng chỉ biết khóc, tự hứa là sẽ cố gắng học tốt để xứng đáng với sự hi sinh của em...”.
Lẽ nào mình không thể đi cùng ước mơ?
Lâm Ngọc Hoa Lan (HS lớp 12A2 Trường THPT An Ninh, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, rân rấn nước mắt nói về ước mơ học trò của mình):
“Từ khi mới sinh ra mình đã bị tật bẩm sinh đôi chân, đi lại không được, chỉ bước vài ba bước thì ngã quị, té bầm mình bầm mẩy. Nhưng mỗi khi thấy các bạn ở xóm đi học thì mình thèm lắm, nằng nặc đòi theo; muốn được như bạn bè: tự bước đến trường.
Nhưng không đi được bằng chân thì mình sẽ cố đi cùng ước mơ của mình bằng việc học. Bởi mình nghĩ mình còn may mắn biết bao nhiêu so với các bạn bị nhiễm chất độc da cam.
Đau khổ hơn mình nhiều thế mà các bạn ấy vẫn vui vẻ sống, tự vượt lên số phận mình để sống tốt và có ích. Vậy thì lẽ nào mình lại không thể đi cùng ước mơ làm cô giáo phải không?”.
Theo Tấn Thái
Tuổi Trẻ