Hai phong trào làm rạng danh khuyến học

(Dân trí) - Hội Khuyến học Ninh Bình trong năm qua đã khởi sắc và có bước phát triển thành công mạnh mẽ, đưa phong trào thi đua khuyến học tiến lên một bước phát triển mới mà cao điểm của phong trào là “Mùa xuân khuyến học” và “Tháng 8 khuyến học”.

Nhân dip này, báo Khuyến học & Dân trí đã trao đổi với ông Hoàng Xuân Khuyên - Chủ tịch Hội Khuyến học Ninh Bình về 2 phong trào này.

 

Được biết, 2 phong trào “ Mùa Xuân khuyến học” và “Tháng 8 khuyến học” của Hội Khuyến học tỉnh phát động đã thu hút được sự quan tâm lớn của nhân dân trong tỉnh. Ông có thể cho biết 2 phong trào đó ra đời và đạt được kết quả  như thế nào?

 

Năm 2005, Hội Khuyến học Ninh Bình đề ra phương hướng hoạt động là: Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của nhân dân trong tỉnh, củng cố và phát triển tổ chức Hội, lấy việc xây dựng GĐHH, dòng họ, thôn làng, khối phố, cơ quan khuyến học làm nòng cốt, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng TTHTCĐ... đảm bảo vững chắc cơ hội học tập cho mọi người.

 

Để thực hiện phương hướng trên  Hội Khuyến học Ninh Bình đã sáng lập ra 2 phong trào “Mùa Xuân khuyến học” và “Tháng 8 khuyến học” để tạo khí thế cho hoạt động khuyến học trong năm.

 

Hai phong trào này đã tạo bước đột phá trong năm 2005. Do đó, chỉ tính riêng tháng 8 khuyến học, các cấp Hội trong tỉnh đã phát triển thêm 215 chi hội dòng họ, thôn xóm khuyến học. Theo thống kê chưa đầy đủ thì năm 2005, cả tỉnh phát triển thêm 156 ban khuyến học dòng họ, 112 chi hội khuyến học thôn xóm, kết nạp được 11.066 hội viên, đưa tổng số hội viên toàn tỉnh lên 113.774 người.

 

Hai phong trào này có khác nhau không, thưa ông?

 

Có khác nhau. Phong trào “Mùa xuân Khuyến học” là khởi đầu trong năm, tỉnh Hội phát động Xây dựng gia đình hiếu học xuống tận cơ sở để Chi hội vận động các gia đình đăng ký và các đơn vị sẽ tổ chức tuyên dương và tổ chức đại hội gia đình hiếu học, khu phố khuyến học, dòng họ khuyến học. Cùng phong trào này thì nhiều địa phương trong tỉnh đã có hình thức liên hoan, gặp mặt gia đình hiếu học rất phong phú, thiết thực nên đã động viên các gia đình quyết tâm khắc phục khó khăn, nuôi con ăn học, xã hội quan tâm hơn đến phong trào GĐHH. Các cấp Hội cũng mở rộng nhiều hình thức hỗ trợ giáo dục.

 

Còn phong trào “Tháng 8 khuyến học” thì các cấp Hội Khuyến học đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tích cực góp phần quan trọng chuẩn bị tốt cho năm học mới. Nhiều cơ sở Hội đã vận động hội viên, nhân dân góp công, góp của, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, điều tra phổ cập giáo dục, điều tra hoàn cảnh khó khăn của học sinh nghèo để hỗ trợ kịp thời, vận động xã hội thực hiện tốt ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Qua 2 phong trào này, nhiều cấp Hội Khuyến học đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, các lực lượng xã hội quyên góp hàng tỉ đồng để hỗ trợ HS SV. VD: chỉ trong tháng 8 khuyến học các cấp hội đã vận động được nhân dân ủng hộ hơn 1 tỉ đồng. Trong năm 2005, các cấp Hội đã vận động được hơn 5 tỉ đồng và Hội đã dành 80% số tiền đó khen thưởng cho 1.001 giáo viên và 33.139 HS, SV và 5.911 học sinh được trợ cấp học bổng.

 

Theo ông, để làm tốt công tác Khuyến học thì Hội Khuyến học cần phải làm gì?

 

Hội Khuyến học phải thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Mọi chủ trương của Hội phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương để hoạt động Hội đi được vào dân. Phải thường xuyên phối hợp với các Hội, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là ngành GD&ĐT để làm cho khuyến học khuyến tài hoà nhập và hội tụ được sức mạnh của toàn xã hội. Phải luôn luôn phát huy nhiệt tình tâm huyết của cán bộ, hội viên, đó là một động lực vô cùng quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động của Hội.

 

Trong năm 2006 này, tỉnh Hội Ninh Bình tập trung vào những việc gì thưa ông?

 

Chúng tôi tiếp tục phát triển tổ chức Hội, đặc biệt là chi Hội cơ sở trên địa bàn dân cư, thôn bản, khu phố và xí nghiệp, đảm bảo 100% nhà trường có chi Hội Khuyến học. Phấn đấu 100% cán bộ công nhân viên là hội viên Hội Khuyến học; Phối hợp với các lực lượng xã hội để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, chống các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Đẩy mạnh phong trào xây dựng GĐHH, đảm bảo ít nhất cuối năm phải có 70% gia đình đăng ký xây dựng GĐHH. Bên cạnh đó củng cố và nâng cao chất lượng các TTHTCĐ; Vận động xây dựng Quỹ Khuyến học - khuyến tài; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

 

Tuy hoạt động của Hội còn nhiều hạn chế và khó khăn, nhưng những gì đã làm được của Hội Khuyến học trong những năm qua đặc biệt năm 2005, có 2 phong trào khuyến học lớn là điều đáng tự hào và chứng tỏ sức hấp dẫn và sức sống mãnh liệt của một tổ chức Hội mang tính xã hội rộng lớn.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hạnh

(thực hiện)