Hai người Việt sáng chế khẩu trang gây tiếng vang thế giới năm 2020
(Dân trí) - Năm qua, nắm bắt được nhu cầu "khổng lồ" về khẩu trang trong mùa đại dịch-Covid-19, hai người Việt đã sáng chế những sản phẩm khẩu trang đột phá, gây tiếng vang trên thế giới về tài trí người Việt.
Người Việt sáng chế khẩu trang chống lại 99% virus Covid-19 xuất khẩu thế giới
Vào dịp cuối năm Canh Tý, một tờ báo công nghệ Nano tại Anh đưa tin về chiếc khẩu trang Wakamono - một phát minh mới đến từ người Việt. Đây là khẩu trang y tế diệt virus corona lên đến 99% bằng công nghệ Nano Biotech và đã được CE của châu Âu công nhận, cho phép ghi trên nhãn hộp, đăng ký bảo hộ tại Mỹ.
Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, hơn 10 triệu chiếc khẩu trang Wakamono - khẩu trang y tế diệt virus Corona lên đến 99% đầu tiên trên thế giới và đã được CE của châu Âu công nhận và cho phép ghi trên nhãn hộp đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Bồ Đào Nha, Ý, Úc, New Zealand, Mỹ.
Đặc biệt, đây là một sản phẩm công nghệ mới, chưa từng có trên thế giới, 100% do người Việt Nam phát minh ra và làm chủ công nghệ từ sản xuất nguyên liệu đến ra thành phẩm, và sản xuất ngay tại Việt Nam và đã được đăng ký bảo hộ tại Mỹ.
Theo AZOnano, tờ báo công nghệ hàng đầu tại Anh, Wakamono đã thành công trong việc sản xuất khẩu trang y tế diệt virus Corona lên đến 99% đầu tiên trên thế giới. Khẩu trang này đã cho thấy hiệu quả tiêu diệt 99% virus.
Khẩu trang Wakamono đã được kiểm nghiệm và chứng minh hiệu quả tiêu diệt các loại virus bao gồm virus màng bọc như virus cúm (influenza virus) H1N1 và virus không màng bọc như virus bại liệt như Polio loại I (Poliovirus-I), đặc biệt là tiêu diệt chủng virus corona lên đến 99% ngay khi tiếp xúc. Đây được xem như là bằng chứng về khả năng tiêu diệt tất cả các biến thể của Human Coronavirus.
Hiệu quả tiêu diệt virus của khẩu trang đã được kiểm tra và chứng nhận bởi các phòng thí nghiệm độc lập có uy tín và đáng tin cậy theo tiêu chuẩn ISO 18184: 2019. Ngoài ra, khẩu trang Wakamono đạt tiêu chuẩn cao nhất theo FDA Hoa Kỳ ASTM F2100 cấp 3 và CE EN 14683 Loại IIR của châu Âu. Việc sử dụng khẩu trang diệt virus corona 99% của Wakamono có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm vì nó sẽ giảm lây truyền virut một cách hiệu quả.
Ông Lại Nam Hải - nhà sáng lập, điều hành và phát minh tại Wakamono - cho biết, việc phát minh chính trong chiếc khẩu trang Wakamono là tích hợp hợp chất Bionano từ thiên nhiên được đặt tên là Gecide có khả năng diệt các loại virut và vi khuẩn trên 99% ngay khi tiếp xúc được ứng dụng từ công nghệ Nano Biotech - An toàn sinh học.
"Tại Việt Nam, hiện nay chúng tôi đang bán sản phẩm với giá rẻ hơn 40% giá thị trường thế giới với chất lượng tương đương, điều quan tâm lớn nhất là sản phẩm này phải được phục vụ cho người dân mình sau khi chúng tôi loại bỏ hết các khoản chi phí về công nghệ, thuế và vận chuyển tại Việt Nam. Đó là một lời cám ơn và biết ơn vì mình được sinh sống tại đất Việt mới có thể làm được việc này", ông Lại Nam Hải cho hay.
Kỹ sư Việt tại Mỹ sáng chế khẩu trang sinh học tự phân hủy hiệu quả như N95
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - một trong những kỹ sư trẻ xuất sắc nhất thế giới đã sáng chế thành công loại khẩu trang đột phá, hiệu quả gần như khẩu trang N95 nhưng có thể tự phân hủy và dùng nhiều lần.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp toàn cầu tạo nên nhu cầu "khổng lồ" về khẩu trang. Và dĩ nhiên, kèm với đó là những đống rác thải không phân hủy vì khẩu trang y tế dùng một lần đa phần làm từ polymer tổng hợp.
Cuối năm qua, PGS.TS Nguyễn Đức Thành (sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng) đang nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Connecticut (Mỹ) - người từng được Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ tôn vinh là "Người mở đường" cho các nhà nghiên cứu trẻ đã sáng chế thành công loại khẩu trang sinh học tự phân hủy để giải quyết bài toán môi trường.
Đáng chú ý, khẩu trang có hiệu quả lọc bụi gần như tương đương loại khẩu trang cao cấp KN95 hay N95 nhưng lại có nhiều tính năng đột phá hơn.
Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Đức Thành cho hay, ngay từ những ngày đầu của dịch, nước Mỹ đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng như bao nước khác khi người dân tranh thủ mua và tích trữ các thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, dẫn đến tình trạng cạn kiệt như khẩu trang cho các nhân viên y tế.
Những khẩu trang y tế đa phần làm từ polymer tổng hợp tương tự như những bao nylon, sẽ mãi mãi không bao giờ phân hủy. Theo thời gian và sự cần thiết của khẩu trang, vấn đề này sẽ tạo ra hàng tỷ tấn chất thải không phân hủy và gây ra một hiểm họa to lớn cho môi trường.
Với ý tưởng tạo nên một khẩu trang có khả năng lọc tốt hơn các khẩu trang y tế thông thường với tính hiệu quả gần như khẩu trang N95, nhưng có khả năng tái sử dụng sau khi được khử trùng lại bằng những biện pháp đơn giản thông thường (như sử dụng nồi hấp: autoclave, hay dùng biện pháp rung siêu âm: ultrasound), và đặc biệt là nó có thể tự phân hủy sau khoảng vài năm sử dụng, nhóm nghiên cứu của anh ở Đại học Connecticut (Mỹ) đã cùng nhau bàn bạc.
Cả nhóm đã nảy ra ý tưởng sử dụng một tấm màn polymer tự tiêu, một vật liệu mà nhóm đã phát minh ra trong khoảng 2-3 năm trở lại đây (tấm màn nanofiber này đã được nhóm trình bày trên tạp chí khoa học lớn), để làm ra một loại khẩu trang có khả năng tự tiêu hủy nhưng lại có thể tái sử dụng trong một khoảng thời gian dài và có thể lọc virus, vi khuẩn và bụi bẩn gần như tương tự với khẩu trang N95.
Một khẩu trang như vậy sẽ giải quyết được nhu cầu khan hiếm về khẩu trang, về chất lượng và đồng thời giải quyết được một vấn nạn lớn cho môi trường.
Nhóm đã làm ra mẫu sản phẩm (prototype) cho khẩu trang này trong phòng thí nghiệm, nhưng để sản xuất đại trà với quy mô lớn, nhóm nghiên cứu đang làm việc với các công ty chuyên về khẩu trang và sản xuất để có thể thương mại hóa sản phẩm với giá thành rẻ và đưa sản phẩm rộng rãi đến tay người sử dụng. Hy vọng sẽ trong vòng 1-2 năm nữa.
Tính chất đột phá trong sản phẩm này là việc nhóm đã sử dụng một lớp màn tạo nên bởi các sợi vô cùng nhỏ ở kích thước nano (1 nanometer = 1/1000000000 m) của một loại polymer được sử dụng rộng rãi trong y học để làm chỉ tự tiêu. Đặc biệt là tấm màng nano này có khả năng tạo nên điện tích vô cùng nhỏ dưới các áp lực, đây được gọi là tính "áp điện" (piezoelectric effect) của vật liệu.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành (sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng) đang nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Connecticut (Mỹ). Anh tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2007. Năm 2008, anh nhận được học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) của Mỹ tại Đại học Princeton.
Năm 2013, Đức Thành tiếp tục nhận học bổng sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Anh là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá trong đó có top những nhà phát minh dưới 35 tuổi do viện nghiên cứu MIT (Mỹ) bầu chọn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2019).
PGS.TS Nguyễn Đức Thành được Viện nghiên cứu sức khỏe Hoa Kỳ (NIH) chọn cho Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ tiên phong trong Công nghệ Y sinh (2017), được bầu chọn là một trong những "Kỹ sư chế tạo xuất sắc năm 2018" do Hiệp hội sản xuất Hoa Kỳ bầu chọn. Điều đặc biệt, anh cũng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2019.