Bình Định:

Hai học sinh lớp 9 chế tạo máy cày làm cỏ, bón phân

(Dân trí) - Máy cày làm cỏ, bón phân với cấu tạo khá đơn giản, dễ sử dụng, thân thiện với môi trường của hai học sinh lớp 9 ở Bình Định giúp nông dân bớt vất vả, năng suất tăng gấp 5 lần so với lao động thủ công.

Hai học sinh lớp 9 chế tạo máy cày làm cỏ, bón phân - 1

Hai học sinh lớp 9 ở Bình Định chế tạo máy cày làm cỏ, bón phân.

Đó là sáng tạo của hai học sinh Phạm Thị Hoài Phương và Lê Tuấn Kiệt, lớp 9A1, Trường THCS Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Hơn 1 năm ấp ủ

Phải mất hơn 1 năm ấp ủ ý tưởng rồi triển khai thực nghiệm, nhiều lần thay đổi thiết kế, máy cày điện làm cỏ, bón phân trên nền đất tơi xốp của hai em Hoài Phương, Tuấn Kiệt mới hoàn thành, với sự trợ giúp của thầy giáo Lê Tuấn Phụng, giáo viên Vật lý, Trường THCS Mỹ Hiệp.

Chia sẻ về “đứa con tinh thần” này, Hoài Phương cho biết, là con nhà nông nên từ nhỏ em đã biết được phần nào công việc cày xới đất, vun gốc cho cây trồng hoa màu ngô, đậu từ cha mẹ.

Trong khi đó, đặc thù của việc cày xới đất, vun gốc cho cây trồng không thể sử dụng trâu bò, cũng không thể đưa máy cày cồng kềnh để cày.

Hai học sinh lớp 9 chế tạo máy cày làm cỏ, bón phân - 2

Sau hơn 1 năm ấp ủ và sáng tạo, máy cày làm cỏ, bón phân hoàn thành, cùng sự trợ giúp của thầy Lê Tuấn Phụng.

Người nông dân thường phải dùng cuốc để vun xới thủ công, hoặc cũng chế tạo ra dụng cụ cày xới đất thủ công dùng sức người để đẩy mất nhiều thời gian và công sức.

Do đó, em đã nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc máy cày nhỏ chạy bằng điện có thể len lỏi vào các luống cây trồng để cày, giúp nông dân bớt vất vả, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.

“Em đem ý tưởng này trình bày với thầy giáo Lê Tuấn Phụng và được thầy ủng hộ, giúp đỡ phát triển thành sản phẩm dự thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2019-2020”, Hoài Phương chia sẻ. 

Thầy giáo Lê Tuấn Phụng, người trực tiếp hướng dẫn Hoài Phương thực hiện đề tài này cho biết, máy cày động cơ điện có cấu tạo đơn giản, dễ tháo lắp, kích thước gọn dễ sử dụng, dễ di chuyển vào các luống cây nhỏ hẹp. Máy được lắp ráp gồm khung sườn có gắn hai bánh xe, bình ắc quy điện và hai lưỡi cày...

Nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản chủ yếu ở bộ phận kéo (sử dụng động cơ xe đạp điện) lắp trên một khung sắt và bộ lưỡi cày xới. Khi hoạt động, lực kéo của động cơ loại 48V-500W sẽ kéo lưỡi cày có độ nông sâu tùy thuộc vào sự điều chỉnh của người sử dụng. Máy này có thể làm cỏ, bón phân, năng suất đạt gấp 5 lần so với một người làm thủ công.

“Điểm khó nhất trong quá trình chế tạo máy là việc thiết kế lắp đặt vị trí bộ phận nguồn điện cung cấp cho động cơ. Bộ nguồn điện 48V với 4 bình ắc quy mắc nối tiếp có trọng lượng hơn 16kg phải đặt ở vị trí phù hợp trên khung xe để dễ điều khiển, độ sâu của lưỡi cày ăn vào đất vừa phải, đảm bảo khi hoạt động xe không bị nghiêng, lật”, thầy Phụng chia sẻ.

Theo thầy Lê Tuấn Phụng, sau nhiều lần thử nghiệm vị trí đặt nguồn điện, cuối cùng sáng kiến của em Lê Tuấn Kiệt đặt nguồn điện ở trọng tâm khung xe theo phương thẳng đứng, và chiếc máy cày đất làm cỏ, bón phân đã hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả cao.

Tận dụng bình ắc quy xe điện cũ

Thầy Nguyễn Quý Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hiệp đánh giá, máy cày làm cỏ, bón phân có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ lái, an toàn khi sử dụng. Máy cày cũng dễ dàng di chuyển trên đường nên đưa máy ra vào đồng ruộng cũng rất dễ dàng.

Hai học sinh lớp 9 chế tạo máy cày làm cỏ, bón phân - 3
Máy cày làm cỏ, bón phân dễ sử dụng, năng suất lao động lại cao...

Đặc biệt, các em đã biết tận dụng động cơ và bộ bình ắc quy của xe đạp điện cũ nên giá thành sản xuất máy thấp, sử dụng năng lượng sạch, không gây tiếng ồn lại cho năng suất cao gấp 5 lần so với lao động thủ công.

Theo thầy Khanh, Trường THCS Mỹ Hiệp luôn tạo điều kiện cho học sinh có ý tưởng sáng tạo, phân công giáo viên hướng dẫn. Cùng với đó, nhà trường cũng có khen thưởng, động viên kịp thời những giáo viên, học sinh có thành tích trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật.

“Nhà trường đang tạo điều kiện tốt nhất để nhóm em Hoài Phương, Tuấn Kiệt tiếp tục cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện chiếc máy để có thể sản xuất đại trà, ứng dụng thực tế rộng rãi đến với nông dân, giúp họ nâng cao năng suất lao động”, thầy Khanh nhấn mạnh.

Ông Ngô Vĩnh Thái, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Mỹ cho biết, ngành Giáo dục huyện luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để nhà trường và thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn để có được những sản phẩm ứng dụng, giúp ích cho địa phương.

Sản phẩm máy cày động cơ điện để làm cỏ, bón phân trên nền đất tơi xốp đã được Hội đồng giám khảo của huyện Phù Mỹ chấm giải Nhất và được chọn để dự thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2019-2020 tỉnh Bình Định.

Hoài Phương và Tuấn Kiệt cho biết, các em sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến máy cày động cơ điện làm cỏ, bón phân trên nền đất tơi xốp với công suất máy kéo lớn hơn, bằng việc lắp đặt động cơ xe máy điện và các lưỡi cày có công năng khác nhau, giúp người dân giải phóng sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm