Hai dạng lí thuyết thường xuất hiện trong đề thi môn Vật lí
(Dân trí) - Trong tuần cuối cùng trước kỳ thi, học sinh không nên làm nhiều bài tập khó mà nên tập trung hệ thống lại lí thuyết để chắc chắn tối đa điểm số lí thuyết. So với việc học để làm thêm một bài tập vận dụng cao trong thời gian này thì việc giải quyết một câu hỏi lý thuyết sẽ khả thi hơn.
Giúp học sinh tổng ôn lí thuyết hiệu quả, thầy giáo, ThS. Nguyễn Ngọc Hải (Giảng viên Đại học Công Đoàn) tổng kết 2 dạng lí thuyết thường gặp trong đề thi Vật lí, qua đó, lưu ý một vài lỗi sai mà học sinh thường gặp khi giải quyết 2 dạng lí thuyết này.
Dạng 1: Nhận dạng công thức và các trạng thái biến đổi khác nhau của công thức.
Dạng câu hỏi này chiếm từ 1-2 điểm trong đề thi. Đây là dạng câu hỏi không khó đối với các em học sinh đã làm nhiều bài tập, chỉ cần nhớ, hiểu công thức và biến đổi cẩn thận trong quá trình làm bài là sẽ làm được loại câu hỏi này.
Tuy nhiên, học sinh thường sai vì không hiểu bản chất công thức, tư duy theo lối mòn thiếu cẩn thận trong đọc và phân tích đề bài dẫn đến chọn phải đáp án “nhiễu” mà đề thi đưa ra.
Ví dụ 1 (Câu 20 đề thi tham khảo):
Câu hỏi này thuộc mức độ thông hiểu, đề bài đánh vào tư duy lối mòn thường thấy ở học sinh. Thông thường học sinh chỉ nhớ quan hệ pha giữa u và q mà quên rằng bản tụ có hai cực âm và dương. Do đó tỉ lệ học sinh làm sai rất lớn một phần do chủ quan đọc không kĩ yêu cầu của đề bài.
Ví dụ 2 (Câu 1 đề tham khảo):
Câu hỏi này thuộc cấp độ nhận biết, nhưng tỉ lệ học sinh làm sai tương đối cao. Do thói quen của học sinh lấy ngay công thức tổng quát của cảm kháng mà không xem kĩ dữ kiện của tần số góc trong phương trình mà đề bài cho là 2ω.
Do đó, khi làm dạng lí thuyết này, học sinh khi đọc đề cần đặc biệt chú ý những khác biệt trong dữ kiện đề bài so với những câu hỏi quen thuộc hay gặp để tránh mất điểm ở những bẫy nhỏ này.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải
Dạng 2: Khái niệm, tính chất và giải thích các hiện tượng Vật lí
Theo như thống kê, số lượng câu hỏi lí thuyết dạng này giảm dần trong các chuyên đề sau: Sóng ánh sáng - Vật lí hạt nhân, Sóng điện từ, Lượng tử - Dao động điều hoa - Điện - Sóng cơ học.
Khi làm bài đặc biệt là trong khi thi học sinh cần xác định rõ yêu cầu đề là tìm phát biểu đúng hay phát biểu sai và nhớ khoanh tròn vào yêu cầu để ghi nhớ và tránh nhầm lẫn yêu cầu của đề. Một điều quan trọng khác nữa là học sinh cần đọc tất cả 4 phương án và ghi vào bên cạnh phương án nào là đúng, phương án nào là sai, sau đó mới lựa chọn đáp án.
Loại câu hỏi thường khiến nhiều học sinh thấy khó khăn, dễ nhầm khi lựa chọn phương án trả lời. Khi ôn tập loại câu hỏi này, các em cần chú ý đọc kĩ tất cả các phương án của đề và tìm ra phương án sai. Sau đó, cố gắng sửa các phương án ấy thành phương án đúng để tường tận và lường trước được “nhiễu” đề bài có thể ra. Từ đó sẽ nắm chắc hiện tượng, khái niệm liên quan đến câu hỏi đó.
Ví dụ 3 (Câu 7 đề tham khảo):
Câu hỏi này thuộc cấp độ nhận biết. Để lấy điểm ở câu hỏi này, học sinh cần nắm vững khái niệm dao động duy trì là gì và phân biệt được sự khác nhau giữa 3 loại dao động: tắt dần, duy trì, cưỡng bức để loại trừ những đáp án nhiễu.
Ví dụ 4 (Câu 19 đề tham khảo):
Câu hỏi này yêu cầu học sinh ngoài việc nắm vững thứ tự tăng dần của bước sóng của các bức xạ trong vùng ánh sáng thấy được, cần áp dụng được kiến thức lí thuyết này vào hiện tượng giao thoa ánh sáng qua khe Y-âng để từ đó lựa chọn được phương án chính xác.
Trên đây là 2 dạng lí thuyết có trong đề thi môn Vật lí. Trong tuần cuối cùng này, tổng ôn thật kĩ lý thuyết trong đề thi là cách tốt nhất giúp học sinh cải thiện điểm số.
Nhật Hồng