Hà Nội: Vẫn phải bốc thăm vào mầm non

(Dân trí) - “Đối với mầm non, hiện chúng ta mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi nên việc trẻ dưới 5 tuổi vào được các trường mầm non công lập nhưng phải qua các phương thức xét tuyển của nhà trường như bốc thăm là đương nhiên”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố Hà Nội chia sẻ về việc một số trẻ mầm non mặc dù đúng tuyến nhưng vẫn “trượt” suất vào trường công lập.

Tuyển 30 chỉ tiêu, hồ sơ nộp hơn 100

Sáng nay 13/7, tại một trường mầm non ở quận Hoàng Mai - Hà Nội, hàng trăm phụ huynh tập trung làm thủ tục bốc thăm cho trẻ sinh năm 2014 vào trường. Mọi hồ sơ, thủ tục đều đã được nhà trường thông báo công khai từ trước để phụ huynh được nắm rõ.

Theo hiệu trưởng nhà trường, với số lượng tuyển sinh trẻ sinh năm 2014 chỉ 30 cháu nhưng các khu đô thị bên cạnh vừa bàn giao hàng chục block nhà, số hồ sơ nộp vào trường trong năm nay tăng lên hơn 100 bộ vì nhiều người có nhu cầu nên Ban giám hiệu lại phải tiến hành bốc thăm.

“Những năm đầu tiên, có tình trạng quá tải và thắc mắc cho rằng người này đến trước, người kia đến sau, nhiều năm nay nhà trường đã tiến hành bốc thăm là hiệu quả nhất”, một cán bộ của nhà trường chia sẻ.

Một trong những trường mầm non có độ "hot" cao ở quận Thanh Xuân là Trường mầm non Khương Đình. Là trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nhiều năm nay hầu như năm nào trường này vẫn phải tiến hành phương pháp tuyển sinh bốc thăm. Nguyên nhân do chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nhưng số trẻ muốn xin vào không ngừng tăng lên.

Trò chuyện với PV Dân trí về nỗi khổ của “trường hot” và áp lực tuyển sinh đầu năm, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Khương Đình cho hay mình là một trong những hiệu trưởng đầu tiên nghĩ ra phương án bốc thăm. Nhờ vậy, việc tuyển sinh nhẹ nhàng hơn nhiều, phụ huynh cũng yên tâm, không sợ người đến trước, đến sau.

"Năm nay, việc tuyển sinh may mắn nhẹ nhàng hơn mọi năm vì chỉ tiêu tuyển sinh 50 cháu nhưng chỉ có 65 hồ sơ nộp vào. Mặc dù vậy, nhà trường vẫn tiến hành bốc thăm cho phụ huynh không thắc mắc”, cô Dung chia sẻ.

Tại quận Cầu Giấy, theo số liệu từ phòng GD&ĐT quận, tổng số trẻ lớp mầm non 4 tuổi tại địa bàn là 4.495 trẻ nhưng chỉ tiêu tuyển mới của 14 trường mầm non công lập chỉ có 190 trẻ. Trong đó có tới 9/14 trường không có chỉ tiêu tuyển sinh mới đối với mầm non 4 tuổi. Vì vậy, trước mắt ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, còn lại tuyển sinh theo khả năng của từng trường.


Mặc dù Hà Nội đã xây thêm nhiều trường nhưng do việc di dân về một số khu đô thị nên rất khó khăn cho ngành giáo dục (Ảnh minh họa)

Mặc dù Hà Nội đã xây thêm nhiều trường nhưng do việc di dân về một số khu đô thị nên rất khó khăn cho ngành giáo dục (Ảnh minh họa)

Xây thêm trường vẫn áp lực

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí tại hội nghị tuyển sinh đầu cấp mới đây về việc, Sở GD&ĐT năm nào cũng cho rằng, không thể thiếu chỗ học cho trẻ đúng tuyến. Tuy nhiên, nhiều trẻ mầm non công lập vẫn “trượt” trên chính tuyến của mình vì phải bốc thăm do trường quá đông. Liệu Sở GD&ĐT có phương thức gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, riêng lớp 1, lớp 6 của Hà Nội, tất cả các em đúng tuyến đều được vào trường công lập vì đã phổ cập, không có chuyện học sinh hai khối này không được vào trường công lập - trừ gia đình phụ huynh học sinh có nhu cầu vào trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, đối với mầm non, hiện chúng ta mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi nên việc trẻ dưới 5 tuổi vào được các trường mầm non đấy, phải qua các phương thức xét tuyển của nhà trường như bốc thăm là đương nhiên.


Một số trường mầm non do lượng hồ sơ nộp vào quá đông nên phải tiến hành bốc thăm để đảm bảo công bằng (ảnh minh họa)

Một số trường mầm non do lượng hồ sơ nộp vào quá đông nên phải tiến hành bốc thăm để đảm bảo công bằng (ảnh minh họa)

Trước băn khoăn về việc, liệu có tình trạng các em vẫn được vào nhưng sĩ số các lớp đội lên cao, khoảng 60-80 cháu/lớp, ông Đại khẳng định, không thể có chuyện đó vì thành phố và Sở GD&ĐT đã tính toán số liệu, cũng như trường lớp hiện cũng đã được xây thêm rất nhiều. Đối với mầm non, do mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi nên dứt khoát những trẻ mầm non 5 tuổi phải có trường học.

“Vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các trường mầm non trên địa bàn thành phố ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Nếu trường nào có tình trgạng 80 cháu/lớp thì phải báo cáo ngay với quận huyện để giải quyết chứ không thể để tình trạng như thế xảy ra được”, ông Đại khẳng định.

Về việc một số khu chung cư mới đưa vào sử dụng nhưng thiếu trường học, gây áp lực cho ngành, Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị này đã đề xuất và tham mưu với TP khi xây dựng các khu chung cư phải có các trường học như mầm non, lớp 1, lớp 6. Lãnh đạo UBND TP cũng rất quan tâm đến việc này và khi phê duyệt các dự án thì đều có tính đến các trường học sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, một số quận mới như Từ Liêm, số dân di cư đến rất đông, tập trung trong một thời gian ngắn nên rất khó cho ngành giáo dục.

Hà Nội xây thêm 26 trường học

Năm nay, Chủ tịch UBND thành phố đã có yêu cầu sở có kế hoạch xây dựng thêm 26 trường mới, chủ yếu là ngoại thành.

Sở năm nào cũng đề xuất và yêu cầu các phòng giáo dục báo cáo với các quận huyện để các quận huyện có kế hoạch báo cáo với thành phố nhằm xây dựng thêm trường học. Và năm nào, thành phố cũng đầu tư kinh phí rất lớn để xây dựng thêm trường học cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên, do mức độ di dân của thành phố quá cao nên mức độ đáp ứng của thành phố còn khó khăn. Vì vậy, thành phố cũng đang có chủ trương xã hội hóa để mở rộng thêm các trường và nhiều học sinh được đến học.

(Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT)

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)