Hà Nội tăng học phí trường công lập, “nóng” mô hình giáo dục tại nhà
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin giáo dục thu hút sự quan tâm của bạn đọc là việc các trường công lập đóng trên địa bàn Hà Nội sẽ áp dụng mức tăng học phí mới từ năm học 2017-2018; mô hình homeschool được đem ra “mổ xẻ” sau khi câu chuyện một gia đình ở TPHCM cho hai con trai học tại nhà được báo chí đăng tải…
Hà Nội: Tăng học phí trường công lập
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường công lập đóng trên địa bàn Hà Nội sẽ áp dụng mức tăng học phí mới từ năm học 2017-2018. Mức tăng tùy thuộc vào từng khu vực.
Ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị này đang trình lên UBND và HĐND TP. Hà Nội thông qua kế hoạch tăng học phí các cấp học trong năm học tới ở các cơ sở giáo dục công lập.
Theo đó, mức học phí cho học sinh nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội quy định ở 3 khu vực như sau:
Khu vực Thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh);
Khu vực nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh);
Khu vực miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh).
Đại diện Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội cũng khẳng định, việc điều chỉnh tăng học phí sẽ không ảnh hưởng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách, vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương.
Bên cạnh trình Uỷ ban nhân dân và Hội đồng Nhân dân thành phố, Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội cũng lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo người dân về mức tăng học phí này.
Kiến nghị năm học 2018 triển khai đại trà chương trình GDPT mới ở lớp 1
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể cho biết, trong năm học 2018 - 2019, cho triển khai đại trà CT mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Tổng chủ biên CT GDPT Nguyễn Minh Thuyết cho biết, sau hơn nửa tháng được đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến nhân dân, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là CT tổng thể) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học trong và ngoài ngành giáo dục, giảng viên đại học, giáo viên và học sinh phổ thông (HS), anh chị em đang học tập và làm việc ở nước ngoài.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo CT tổng thể và cho rằng dự thảo CT tổng thể đã quán triệt quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Chính phủ, kế thừa, phát huy ưu điểm của các CT giáo dục phổ thông (GDPT) đã có, đồng thời tiếp cận xu hướng quốc tế về xây dựng CT GDPT phát triển năng lực người học, thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT tổng thể
Bên cạnh những đánh giá tích cực về dự thảo, Ban Phát triển chương trình cũng thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cho chương trình, cụ thể là về một số vấn đề sau: căn cứ xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của HS; một số phẩm chất, năng lực cụ thể; số lượng môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD); tên các môn học và HĐGD; thời lượng học tập; tiến độ triển khai CT.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Ban Phát triển CT tổng thể mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phê bình để hoàn thiện CT GDPT mới.
GS Ngô Bảo Châu chủ trì buổi tọa đàm “Cùng con định hướng tương lai”
Tối ngày 3/5 tại Hà Nội, buổi tọa đàm “Cùng con định hướng tương lai” được chủ trì bởi GS Ngô Bảo Châu - người sáng lập “Vườn ươm Tài năng” cùng các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực đã thu hút sự quan tâm đông đảo của phụ huynh, học sinh Thủ đô.
Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về cách thức hướng nghiệp, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh “Tôi không tin hướng nghiệp bằng sách vở mà tin hướng nghiệp dựa vào sự kết nối con người”.
Theo đó, những khía cạnh cần thiết để có định hướng nghề nghiệp tốt trước tiên phải xuất phát từ việc lắng nghe sở thích, nguyện vọng của các con. Thứ hai là phải giúp các cháu gặp gỡ, trò chuyện với những người trong ngành có lòng yêu nghề, tài năng, có ước muốn chia sẻ và truyền lại lòng yêu nghề cho các cháu.
Cuối cùng và quan trọng nhất là tạo môi trường tăng cơ hội cọ xát, thử nghiệm/trải nghiệm nghề nghiệp mơ ước để các cháu có hình dung đúng hơn như thế nào là nghề kiến trúc, như nào nào là nghề nhà giáo, như thế nào là nghề bác sĩ…
Qua trải nghiệm, cháu có thể nhận thấy đó là nghề không phù hợp với mình nhưng cũng có thể cảm thấy tuyệt vời, được cuốn hút bởi cá tính, lòng yêu nghề và muốn theo đuổi thực sự. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, đó chính là cách hướng nghiệp tốt - hướng nghiệp từ sự kết nối giữa con người với nhau.
Tại buổi tọa đàm, qua những câu chuyện riêng, các chuyên gia khẳng định tầm quan trọng của phụ huynh trong việc định hướng con em chọn nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân.
TPHCM: Công bố số liệu hồ sơ đăng ký thi lớp 10 công lập năm 2017
Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố số liệu tổng hợp ban đầu về số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập của từng trường để phụ huynh và học sinh tham khảo. Trong vòng 1 tuần từ ngày 5/5 đến ngày 11/5, học sinh có quyền điều chỉnh lại nguyện vọng mình đã đăng ký.
Dựa vào số liệu tổng hợp ban đầu về số học sinh đăng ký 3 nguyện vọng (NV), học sinh có quyền thay đổi nguyện vọng đăng ký. Theo đó, các em sẽ làm lại đơn mới, hủy đơn cũ và nộp tại trường đang học lớp 9.
Số liệu thống kê cho thấy, trường có nhiều hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 (NV1) là: THPT Gia Định (Bình Thạnh) với 1.740 hồ sơ; kế đến là trường THPT Trần Phú với 1.715 hồ sơ, trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) và trường THPT Hùng Vương có cùng số lượng là 1.656 hồ sơ.
Ở NV2, nhiều nhất là trường Marie Curie 1.856 hồ sơ đăng ký; trường THPT Phạm Văn Sáng với 1.804 hồ sơ đăng ký; tiếp theo là trường THPT Nguyễn Trung Trực với 1.670 hồ sơ.
Ở NV3, trường THPT Đa Phước có nhiều hồ sơ đăng ký nhất với 2.995 hồ sơ đăng ký; trường THPT Nguyễn Văn Cừ với 2.941 hồ sơ, trường THPT Nguyễn Trung Trực: 2.704 hồ sơ.
Trong khi đó ở hệ chuyên, trường THPT Lê Hồng Phong dẫn đầu số hồ sơ NV1 với 2.728 hồ sơ; trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: 782 hồ sơ NV1; trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: 711 hồ sơ NV1.
"Nóng" mô hình giáo dục tại nhà
Gần đây, khi câu chuyện một gia đình ở TPHCM cho hai con trai học tại nhà được báo chí đăng tải, mô hình homeschool lại có dịp được đem ra “mổ xẻ”.
Đứng trên góc độ nhà giáo dục, một số chuyên gia lên tiếng về “mặt trái” của mô hình giáo dục tại nhà (homeschool) cũng là vì trách nhiệm với cộng đồng, các chuyên gia đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo để tránh tình trạng các gia đình khác bắt chước, làm theo.
Nhưng chính gia đình anh Đặng Quốc Anh ở quận Tân Bình, TPHCM (có hai con trai Đặng Thái Anh, SN 2003 và Đặng Nhật Anh, SN 1998 đang học tại nhà) cũng nói rất rõ ràng, cởi mở về việc lựa chọn mô hình homeschool.
Trước hết, đó là do hoàn cảnh cá nhân: “Năm lớp 10, Nhật Anh bị sốt xuất huyết nặng, việc phục hồi sức khỏe tốn thời gian dài, trong khi chương trình học nặng nề, thời khóa biểu căng thẳng cả tuần khiến bé không theo nổi. Trước tình hình này, gia đình tính đến phương pháp học khác phù hợp, đồng thời tự Nhật Anh cũng xin bố mẹ cho được nghỉ học. Quyết định được tất cả mọi người ủng hộ”.
Một thời gian sau, khi Nhật Anh nhanh chóng bắt nhịp được mô hình homeschool và tiến bộ rõ rệt, cậu em Thái Anh cũng đòi cho nghỉ học theo. Theo anh Quốc Anh, Thái Anh phát triển quá nhanh so với các bạn cùng trang lứa nên gần như bị cô lập. Do đó, gia đình quyết định cho Thái Anh nghỉ học ở trường để học ở nhà với anh trai.
Cùng với quyết định cho con học tại nhà, gia đình anh Quốc Anh phải chuẩn bị nhiều điều kiện khác (về tài chính, thời gian, nhân lực, tìm hiểu phương pháp giáo dục phù hợp…). Ông bố này thừa nhận homeschool là phương pháp tốn nhiều công sức, nguồn lực.
PV
(Tổng hợp)