Hà Nội: Phụ huynh lo quay cuồng đưa đón con 4 "cuốc" mỗi ngày

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Nhiều trường tiểu học ở nội thành Hà Nội sẽ chia ca sáng/chiều, một số trường chỉ học trực tiếp một buổi nhưng gia đình có hai con, phụ huynh phải quay cuồng đưa con đi và đón về 4 "cuốc" mỗi ngày.

Quay cuồng đưa đi đón về

Được tin học sinh tiểu học được trở lại trường học trực tiếp, chị Hương Giang (quận Thanh Xuân) vừa mừng vừa lo. Mừng vì sau 10 tháng học trực tuyến, hai con của chị sắp sửa được đi học trở lại. Cùng với đó, chị Hương Giang lại lo ngay ngáy vì theo thông báo của nhà trường, khối 3-4-5 sẽ học buổi chiều; khối 1-2 sẽ học buổi sáng.

Cơ quan chồng chị làm cách nhà 9km, một mình chị phải "cân" cả hai con: sáng hai cuốc đưa đi đón về cô con gái lớn; chiều lại hai cuốc đưa đi đón về cậu con trai đang học lớp 2. Quay đi quay lại, chị chỉ mỗi việc đưa đón hai con, không còn thời gian làm việc gì.

Anh Nguyễn Quang Huy (quận Đống Đa) có hai con, một lớp 7 một lớp 5. Tuần tới, nếu cả hai con đến trường cùng lúc và không có bán trú, vợ chồng anh sẽ phải luân phiên mỗi người một ngày đưa đón con.

Hà Nội: Phụ huynh lo quay cuồng đưa đón con 4 cuốc mỗi ngày - 1

Học sinh tiểu học ở Mê Linh, Hà Nội ngày đầu trở lại trường học trực tiếp (Ảnh: N. Hà).

"Phương án này cũng không ổn vì khoảng vài ngày thì có thể xin cơ quan nhưng hai vợ chồng tôi không thể duy trì lâu dài. Buổi trưa tôi chỉ nghỉ được một tiếng đồng hồ, ngoảnh đi ngoảnh lại, đã đến giờ làm thì sao đưa đón con", anh Huy lo lắng nói.

Cùng cảnh ngộ hai con cùng trường nhưng oái oăm học hai buổi khác nhau, chị Nguyễn Hà đang như ngồi trên đống lửa vì cho các con học một buổi và không bán trú. Nhà có hai con cùng trường mà học hai buổi thì quả thật rất khổ. Riêng việc đưa đón hai con vào hai buổi sáng/chiều đã hết hơi, chị không còn thời gian làm gì khác.

Một phụ huynh ở quận Cầu Giấy cho biết, ngày 16/2, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh cho lớp con gái anh. Sau khi trưng cầu ý kiến bằng hình thức bình chọn trực tuyến cho thấy, 28/38 phụ huynh trong lớp chưa đồng ý cho các con trở lại trường vì nhiều lý do.

Phụ huynh này cho hay, quả thật anh rất thông cảm với những suy nghĩ và lo lắng của các bậc phụ huynh đằng sau sự e dè, ngập ngừng khi phải quyết định đưa con trở lại trường học trực tiếp hay không.

Ngoài việc lo lắng đón đưa vì trẻ không được bán trú tại trường, có cả lý do phụ huynh đưa ra là số ca nhiễm đang tăng và học sinh tiểu học chưa được tiêm.

Cô Nguyễn Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Đình 1 cho hay, chính vì hiểu nỗi vất vả và lo lắng của phụ huynh học sinh, nên nhà trường chỉ cho học sinh học một buổi để gia đình có hai con đỡ quay cuồng đưa đón bốn buổi/ngày.

Huy động người quen, thuê xe ôm trọn gói

Trước tình cảnh dù cùng trường nhưng hai con được xếp lịch học hai buổi khác nhau, chị Hương Giang cho hay, có lẽ gia đình phải tìm thuê xe ôm trọn gói cả đưa lẫn đón con đi học.

"Cái khó là lâu nay gia đình không có mối quen nào nên hai vợ chồng đang phải nhờ vả qua các kênh, mong bạn bè giới thiệu người quen biết", phụ huynh này cho biết.

Anh Quang Huy may mắn hơn vì bố mẹ ở Hà Nội: "Mặc dù bố tôi ngoài 70 và ở cách chúng tôi gần chục km nhưng có lẽ đành phải nhờ cụ đưa đón cháu giúp".

Trong một lần chia sẻ với PV Dân trí, Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc mở cửa trường học phải làm theo lộ trình và từng bước.

Sau thời gian thí điểm, nếu tình hình ổn định sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Hà Nội: Phụ huynh lo quay cuồng đưa đón con 4 cuốc mỗi ngày - 2

Nhiều người đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội có hướng dẫn cụ thể về công tác bán trú, học 2 buổi/ngày (Ảnh: T.L).

Cô Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang cũng đồng tình với điều này. Cô cho hay, việc mở cửa trường học là cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn là yêu cầu hàng đầu. Nhà trường cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình khi theo dõi sức khỏe các con. Vì vậy, cô cho rằng cần thiết phải tiến hành từng bước, không thể "ào ào" khi cho trẻ tiểu học trở lại trường trực tiếp.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Long Biên cho hay, quận này đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội có hướng dẫn cụ thể về công tác bán trú, học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng chương trình GDPT 2018 và thuận lợi cho cha mẹ học sinh.

Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng chia sẻ, trước đây học sinh ăn bán trú sẽ thuận tiện cho phụ huynh.

Tuy nhiên, trong quy định mở cửa trường học hiện nay chỉ được phép dạy học 1 buổi/ngày; không tổ chức ăn bán trú...

Dù phụ huynh mong mỏi nhưng nhà trường vẫn phải thực hiện theo chỉ đạo. Hi vọng, học sinh đi học một thời gian, tình hình ổn định, nhà trường sẽ được tổ chức ăn bán trú.

Dù biết phụ huynh rất lo lắng và vất vả khi trẻ trở lại trường học trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay nhưng quả thật, việc học trực tuyến quá lâu đã để lại những hậu quả nặng nề đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, tạo ra những lỗ hổng không thể khắc phục được như làm cho các con học sinh tiểu học thiếu hụt các kỹ năng làm toán và đọc viết cơ bản, mất cơ hội phát triển thể chất, vận động và rèn các kỹ năng sống, bị tổn thương sức khỏe tâm thần.

Cha mẹ cần cân nhắc một cách khách quan giữa hậu quả của việc tiếp tục ở nhà đã và đang không kiểm soát được và nguy cơ có thể kiểm soát khi đến trường.

Rất nhiều cha mẹ phàn nàn rằng học ở nhà con có học được đâu, rồi nghiện game, cô đơn không có gì chơi, thay tính đổi nết, phá quấy khiến cha mẹ tức điên.

Nhiều cha mẹ cũng chia sẻ rằng, đồng nghiệp mình bị Covid-19 xong, về lây cho cả nhà. Như vậy thì trẻ ở nhà khi bố mẹ đi làm, con cái cũng không bớt nguy cơ bị Covid-19.

Đặc biệt, nhà trường không có những hình thức xử lý thái quá làm tăng thêm sự lo lắng, phiền phức hay áp lực tài chính cho các gia đình khi sẵn sàng đưa con quay trở lại trường như việc đóng cửa toàn bộ trường hay bắt xét nghiệm định kỳ.

Các cơ sở giáo dục cũng cần hướng dẫn giáo viên cách truyền thông và lấy ý kiến phụ huynh về việc sẵn sàng đưa con trở lại trường đúng cách. Nếu không chúng ta sẽ chỉ nhận được sự không sẵn sàng của phụ huynh.

(PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐHGD- ĐHQG Hà Nội)