Hà Nội lý giải vì sao “siết” người ngoại tỉnh thi công chức

Các nhà chức trách giải thích rằng, quy định “siết” người ngoại tỉnh thi công chức Hà Nội, một phần nhằm hạn chế người nhập cư vào Thủ đô vốn đang quá tải.

Hà Nội vừa đưa quy định thi tuyển công chức đối với người “không có hộ khẩu Hà Nội” gây chú ý dư luận. Người ngoại tỉnh muốn thi công chức phải có ít nhất một trong các điều kiện như: Tiến sĩ tuổi đời dưới 35; thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài...

 

Giải thích về quy định “siết” người ngoại tỉnh thi công chức, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, đây là điều kiện xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.

 

Ông nhắc lại thời điểm năm 2012, khi bàn Luật Thủ đô, trong đó vấn đề siết nhập cư vào Hà Nội gây tranh cãi.

 

Bởi Hiến pháp quy định, công dân có quyền tự do cư trú, đi lại. Nếu Hà Nội đưa ra điều kiện siết chặt nhập cư sẽ trái với quy định Hiến pháp. Nhưng nếu không siết nhập cư, Hà Nội vốn đã quá tải, hạ tầng không đáp ứng được sẽ ngày càng thêm trầm trọng.

 

Cuối cùng, Quốc hội đồng ý quy định đăng ký thường trú vào Hà Nội phải có điều kiện.

 

Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ trước Cục Thuế Hà Nội chiều 15/8/2014
Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ trước Cục Thuế Hà Nội chiều 15/8/2014

 

Cũng như vậy, Hà Nội quy định điều kiện và tiêu chuẩn dự thi tuyển công chức, nếu người dự thi không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, muốn thi tuyển phải có điều kiện nhất định. Ví dụ như có bằng tiến sỹ tuổi đời dưới 35; Có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30...

 

“Quy định về điều kiện như trên có ý nghĩa hạn chế người nhập cư đang quá tải nhưng vẫn thu hút được người giỏi, có trình độ, năng lực cao về làm việc”, ông Long cho hay.

 

Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nếu không có điều kiện như vậy, rất nhiều thí sinh trên khắp cả nước đổ về thi công chức. Lúc đó, Hà Nội sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề khác kéo theo như nhà ở, giao thông... vốn đã quá tải.

 

Theo ông, trường hợp bằng cách nào đó như mua bán bằng giả, chạy tiền... thí sinh có được bằng tiến sỹ trước tuổi 35 để đủ điều kiện dự thi thì đã có các cơ quan pháp luật kiểm tra, xử lý. Nếu bị phát hiện ra, thí sinh đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, không loại trừ trong thực tế có chuyện “chạy” hộ khẩu để đủ điều kiện dự thi. Tuy nhiên, trong luật Thủ đô đã quy định điều kiện đăng ký thường trú, nếu ai đó đủ điều kiện như luật quy định, họ hoàn toàn có thể có hộ khẩu Hà Nội. Nếu ai đó làm sai sẽ bị xử lý theo pháp luật.

 

Ông Tạ Quang Ngải - Trưởng phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng (Sở Nội vụ Hà Nội) cho hay, trong Luật Cán bộ, viên chức không đặt ra vấn đề hộ khẩu. Tuy nhiên, với điều kiện Thủ đô, dân số quá đông, nên cần phải có điều kiện riêng.

 

Năm 2013, đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Hà Nội về quy định hộ khẩu trong điều kiện dự thi công chức. Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội cũng phải công nhận, sức ép về dân số của Hà Nội đang quá lớn. Việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân Hà Nội cũng rất khó khăn.

 

Thống kê từ các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức các năm trước cho thấy, số lượng thí sinh dự thi ngày càng đông, tỷ lệ cạnh tranh nhiều. Trung bình, tỷ lệ cạnh tranh là 8 – 10 thí sinh thi nhưng chỉ lấy 1.

 

“Nhiều thạc sỹ, tiến sỹ giỏi vẫn thi trượt bởi hàng chục người cùng thi nhưng chỉ có 1 chỉ tiêu tuyển dụng, nên chỉ có 1 người trúng tuyển”, ông Ngải cho hay.

 

Từ thực tế trên, Hà Nội chỉ chọn người ngoại tỉnh vào thi công chức với điều kiện như tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30, hoặc có bằng tến sĩ tuổi đời dưới 35...  nhằm chọn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công của Thành phố.

 

Tại cuộc giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội ngày 13/1, Sở Nội Vụ Hà Nội cho hay, kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức năm 2014 là kỳ thi có số lượng thí sinh dự thi đông. Kỳ thi này có tỷ lệ cạnh tranh nhiều nhất từ trước đến nay, có hơn 3.900 hồ sơ tuyển dụng, nhưng chỉ có 458 chỉ tiêu tuyển dụng.

 

Bình quân tỷ lệ cạnh tranh là 8,57 người lấy 1; có nhiều chỉ tiêu tỷ lệ cạnh tranh 70 lấy 1.

 

Theo D.Tùng

Dân Việt