"Gục ngã" với lịch ôn thi vào lớp 10

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau buổi ôn thi tại nhà giáo viên và kéo dài đến tối, con gái chị Mai mệt mỏi rã rời rồi ngất xỉu. Vợ chồng chị gọi vội bác sĩ quen ở cùng chung cư đến truyền dịch cho con.

Chị Nguyễn Ngọc Mai, ngụ thành phố Thủ Đức, TPHCM không khỏi lo lắng về tình trạng sức khỏe, tâm lý của con gái đang học lớp 9. Cháu đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 Trường THPT Gia Định cùng 2 nguyện vọng khác.

Như hầu hết các bạn bè cùng trang lứa, hiện con chị đang trong giai đoạn "chạy nước rút"  ôn thi tại trường theo kế hoạch, với lịch học được rút gọn. 

Gục ngã với lịch ôn thi vào lớp 10 - 1

Thi vào lớp 10 được xem là kỳ thi căng thẳng nhất với học trò, phụ huynh tại TPHCM

Do việc luyện ôn tại các trung tâm "tránh dịch Covid" nên đã được kết thúc từ cuối tháng 4, hiện con chị đã chuyển sang ôn luyện tại nhà giáo viên 2 môn chính là Toán và Anh văn.

Và để thực hiện đúng quy định phòng tránh dịch Covid -19, cô giáo chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi buổi học chỉ  kèm 4 em, nên học sinh phải học cả ca tối.

Người mẹ cho biết, tuy lịch học giảm nhưng tâm trạng lo lắng lại tăng lên. Không đến mức phải học không có thời gian ăn ngủ, nhưng do cháu ăn không ngon, đêm khó ngủ. Mới đây cháu ngất xỉu, phải "cầu cứu" bác sĩ, truyền dịch và thuốc bổ cho con ổn định sức khỏe.

"Biết con đang căng thẳng tôi nói con nghỉ ngơi nhưng cháu không chịu và cho biết là khi học không tập trung được, khó tiếp thu, nhưng nếu không học sẽ càng lo lắng hơn" - nghe con nói, người mẹ thở dài. 

Trong tình cảnh tương tự con chị Mai, gần 2 tháng nay, em T.L, học sinh trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TPHCM, dốc sức cho môn tiếng Anh vì nỗi lo: Năm nay, môn ngoại ngữ sẽ tính hệ số như  môn Văn và Toán.

T.L thừa nhận mình yếu ngoại ngữ, lâu nay lại tập trung vào luyện thi Toán, Văn. Việc ôn thi như thông lệ đã rất áp lực, Sở đột ngột điều chỉnh cách tính hệ số làm L. phải gấp gáp thay đổi chiến lược ôn tập, kéo theo tâm trạng bất an.

Nghe nhiều lời động viên nhưng bản thân L. và bạn bè cùng lớp không khỏi lo lắng, sợ không đỗ được vào ngôi trường mình mong muốn, lo không đỗ vào công lập, phải theo học trường  ngoài  tư thục, ngoài công lập... sẽ rất tốn kém.

Kỳ thi "dễ thở" nhưng nhiều áp lực  

Năm nay, TPHCM có gần 99.600 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, có 83.324 thí sinh đăng ký tham dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập với chỉ tiêu gần 68.000 thí sinh.

Kỳ thi năm nay được xem là "dễ thở" khi có chưa đến 16.000 thí sinh rớt tuyển. Mọi năm con số này luôn dao động ở mức 20.000 - 30.000 thí sinh bị loại khỏi lớp 10 công lập. 

Vậy nhưng kỳ thi vẫn đầy áp lực bởi nhiều yếu tố. Đúng vào giai đoạn ôn thi nước rút, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục phải ngưng hoạt động từ ngày 10/5 vừa qua. 

Gục ngã với lịch ôn thi vào lớp 10 - 2

Phụ huynh TPHCM chờ con tham gia kỳ thi lớp 10 trong các năm trước

Riêng khối 9, khối 12 các trường vẫn được chủ động xây dựng kế hoạch ôn thi nhưng việc đảm bảo giãn cách chia ca, chia lớp nên không phải trường nào cũng duy trì được kế hoạch ôn thi ban đầu. Nhiều trường THCS phải kết hợp ôn thi trực tiếp lẫn online hiệu quả ít nhiều bị ảnh hưởng. 

Chưa kể, học sinh cũng bị đứt đoạn việc ôn thi bên ngoài ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, tại nhà giáo viên.

Cô Nguyễn Khánh Dương, nguyên giáo viên Trường THCS Trường Chinh, Tân Bình, TPHCM, chia sẻ kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM có thể nói là khắc nghiệt khi đây là cơ hội duy nhất để các em vào học lớp 10 ở trường THPT công lập.

Đối diện với kỳ thi này là hình ảnh phụ huynh đưa con đón con hàng ngày cả học chính lẫn học thêm; học trò phải gác cả ngày hè để ôn tập, có khi vừa tan ca này đã vội vào ca khác, có em còn hỏi cô "Cô có cái gì cho con ăn không?"; giáo viên cũng vào vai "mẹ mìn" vừa động viên vừa răn đe. 

Việc ôn thi vào lớp 10 là một kế hoạch dài hơi của học sinh, phụ huynh, nhiều gia đình đã có chiến lược để con vào trường tốt từ năm lớp 6, hoặc muộn lắm là đầu năm lớp 9. 

Mới đây, vào giữa tháng 3/2021, Sở GDĐT TPHCM "bẻ lái" ra quyết định không nhân đôi 2 môn Toán, Văn như thông lệ 20 năm vừa qua đã thực hiện, theo cô Dương đây là một cú sốc với nhiều học trò, tạo thêm áp lực rất lớn với các em. 

Việc thay đổi theo xu hướng, nhu cầu của xã hội là điều nên làm nhưng cô Khách Dương nêu quan điểm: Đây là quyết định cho cả một thế hệ, không phải một người, một nhóm đối tượng. Quyết định này tác động đến ước mơ, tương lai, cuộc đời của các em, nên cần làm có lộ trình, cần có thời gian để nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi không bị "sốc", không ngỡ ngàng...

Một bác sĩ tâm lý tại TPHCM chia sẻ thêm: Theo ghi nhận thực tế, mọi năm trước các kỳ thi, số lượng học sinh tìm đến các phòng khám tâm thần, tư vấn tâm lý luôn tăng đột biến, quá tải. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mọi người hạn chế hoặc phải trì hoãn khám bệnh.

Trước thực trạng này, vị bác sĩ tâm lý đưa ra khuyến cáo, rất có thể sự thay đổi liên quan đến thi cử, tuyển sinh khiến nhiều học trò gặp phải áp lực, căng thẳng tâm lý vì học tập... nhưng không được hỗ trợ kịp thời.

Được biết, chưa đến một tuần nữa, ngày 2/6 và 3/6, học sinh TPHCM sẽ bước vào kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2021. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm