GS.TS Trần Đình Sử: 5 nhược điểm cần chỉnh sửa trong chương trình Ngữ văn mới

(Dân trí) - GS.TS Trần Đình Sử cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến đã được biên soạn công phu, khoa học, đúng hướng và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, có 5 nhược điểm cần chỉnh sửa để chương trình được hoàn thiện.

Đánh giá thế nào về chương trình môn Ngữ văn tại Dự thảo các môn học chương trình giáo dục phổ thông mới, GS.TS Trần Đình Sử cho rằng, Chương trình môn Ngữ văn đã kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành, vận dụng các tư tưởng và kinh nghiệm giáo dục của một số nước tiên tiến. Điều này thể hiện ở sáu nội dung:

Thứ nhất, xác định mục tiêu đào tạo gồm các phẩm chất và năng lực của người học. Chương trình đã cung cấp các tiêu chí của năng lực và phẩm chất một cách cụ thể, chi tiết, cho phép người dân, người soạn sách và người giáo viên có thể hình dung ra người học sinh – sản phẩm mà mình phải đào tạo sẽ như thế nào. Điều này giúp sáng tạo những phương pháp thích hợp để thực hiện.

Thứ hai, toàn bộ chương trình đặt trọng tâm ở đào tạo năng lực người học, lấy trục đọc - viết - nói - nghe lảm trục chính để thiết kế các yêu cầu cần đạt trong giao tiếp. Chương trình không chỉ dạy học sinh đọc chữ, mà còn đọc cả kí hiệu, biểu bảng, hình tĩnh và hình động, là điều chưa từng có trong các chương trình trước đây. Đây là xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến, không phải là dạy ngoại ngữ như nhiều người hiểu lầm.

Thứ ba, Chương trình Ngữ văn đã thể hiện rõ nội dung giáo dục ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), thực hiện tích hợp và phân hoá. Điều này làm cho sự phân biệt cấp học được rõ rệt, giúp hoàn thiện tri thức và kĩ năng nền tảng của học sinh ở cấp tiểu học và THCS, đổi mới cách giáo dục định hướng nghề nghiệp cho THPT, điều mà trước đây chưa nhận thức rõ.

Thứ tư, chương trình mới đã xây dựng được hệ thống nội dung dạy học từ lớp 1 đến lớp 12 một cách chi tiết, hợp lý – điều mà các chương trình trước đây chưa làm được.

Thứ năm, chương trình mới đã đề xuất các phương pháp dạy học ngữ văn và kiểm tra đánh giá phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục.

Thứ sáu, chương trình đã đề xuất phương án mở, tạo điều kiện để thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, chống độc quyền và thu hút các nhân tài trong nước tham gia biên soạn SGK phổ thông, làm phong phú tài liệu học tập cho học sinh.


GS.TS Trần Đình Sử

GS.TS Trần Đình Sử

Hiện đang có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng Ngữ và Văn là hai bộ môn khoa học khác nhau, sẽ rất khập khiễng nếu nhập hai vào một, do đó nội dung chương trình đang thiếu cơ sở khoa học, cần phải làm lại, giáo sư nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, nhận thức đó không đúng, bởi đây là môn học Ngữ văn ở trường phổ thông, chứ không phải là các chuyên ngành khoa học ở đại học.

Bộ môn này vừa phát triển năng lực ngôn ngữ, vừa bồi dưỡng năng lực văn học ở trình độ phổ thông, nước nào cũng làm như thế, dù tên gọi khác nhau. Môn học Ngữ văn thực chất là một môn học tích hợp ba phân môn: Tiếng Việt, Làm văn, Văn học, mỗi phân môn trước đây có sách giáo khoa riêng.

Trong quá khứ, có lúc người ta gọi môn học này là môn Văn, coi nhẹ phần Tiếng Việt và Làm văn. Quan niệm giáo dục ngày nay rất coi trọng các văn bản phi văn học. Có lần đã gọi là môn Tiếng Việt - Văn học, vẫn thấy chưa đầy đủ. Nếu gọi bằng hết các tên gọi Tiếng Việt - Văn học - Làm văn thì quá dài, cho nên gọi môn Ngữ văn và chỉ có một sách giáo khoa. Đó là một tiến bộ mà không nên làm ngược lại.

Đứng trên góc độ của một nhà nghiên cứu, một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn lâu năm tại các nhà trường, GS cho rằng nội dung chương trình môn Ngữ văn cần phải chỉnh sửa nội dung gì không?

Tôi cho rằng, chương trình vẫn còn một số nhược điểm về: mục tiêu đào tạo; yêu cầu cần đạt; nội dung giáo dục và ngữ liệu.

Một là về mục tiêu đào tạo. Phần viết về mục tiêu này có hai nhược điểm: Một là cách viết mục tiêu theo lối cụ thể hoá và liệt kê các biểu hiện. Thứ hai là thiếu phẩm chất cá tính. Xin lưu ý rằng giáo dục không phải là hoạt động đào tạo nói chung, không phải đào tạo một đám đông, mà là đào tạo những con người cụ thể.

Giáo dục phải giúp cho mỗi người tự phát triển đến tận độ cái mình vốn có, do đó không thể bỏ qua phạm trù cá tính. Môn Ngữ văn, nhất là văn học, là bộ môn có thế mạnh trong việc hình thành phẩm chất cá tính của con người. Thiếu phẩm chất này là thiếu sót nghiêm trọng.

Hai là về mục Yêu cầu cần đạt. Mục này thực chất là cụ thể hoá của Mục tiêu môn học. Cần gộp hai mục này làm một, tức là bỏ yêu cầu cần đạt, diễn đạt lại mục tiêu để thể hiện được yêu cầu cần đạt một cách khái quát. Soạn giả phân biệt yêu cầu cần đạt về phẩm chất, về năng lực chung và năng lực chuyên môn. Các năng lực chuyên môn này bao gồm năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ. Rõ ràng ở đây chương trình thiếu khái niệm năng lực văn học.

Ba là về nội dung giáo dục. Nội dung giáo dục là phần chủ yếu nhất, cơ bản nhất, dài nhất, gồm gần 90 trang trên tổng số 121 trang của chương trình và chi tiết nhất đến các bài học của từng lớp. Ở nội dung này không nên nhập văn bản nhật dụng với văn bản hành chính công vụ làm một. Về ma trận nội dung dạy học, sự trình bày có chi tiết chưa hợp lí.

Về nội dung văn học trong chương trình bao gồm tri thức văn học chung, tri thức văn bản văn học, văn học Việt Nam, tương quan văn học VN, thế giới, văn học dân gian, văn học dân tộc thiểu số chưa có định lượng về lí thuyết. Về văn học Việt Nam, tôi đồng ý chỉ giới thiệu một số kiến thức sơ giản. Ở THPT có thể thêm phần một số trào lưu văn học lớn như chủ nghĩa cô điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thưc, các chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại. Các chuyên đề THPT còn sơ lược, nên đầu tư nhiều hơn.

Về phần hướng dẫn, khi đọc văn bản văn học thường thấy lưu ý “tìm nội dung tường minh hoặc hàm ẩn”, tôi thấy không đúng. Vì sao lại dùng từ “hoặc” theo lối lựa chọn? Văn bản văn học có cả hai, phải dùng từ “và” mới đúng.

Cuối cùng là vấn đề ngữ liệu. Theo quan niệm của tôi, ngữ liệu không chỉ là tư liệu dạy học, mà còn là nội dung dạy học, cái dùng để giáo dục tư tưởng, tình cảm, chất lượng văn học, vì thế nó là một nội dung quan trọng của chương trình. Có thể nhận thức của soạn giả chương trình chưa đầy đủ cho nên đã giới hạn trong phạm vị 6 văn bản.

Theo quan niệm của tôi, phần nội dung văn học này phải được coi là bắt buộc. Nhưng để cho các nhóm tác giả SGK lựa chọn, chúng ta nên đưa một danh mục nhiều tên tác giả và tác phẩm (chứ không phải đoạn trích hay bài lẻ).

Trân trọng cảm ơn GS!

Kim Hồng (thực hiện)