GS Võ Quý, nhà sinh học hàng đầu Việt Nam đã qua đời
(Dân trí) - Thông tin từ ĐH QGHN, GS Võ Quý - "nhà sinh học", "nhà điểu học", "người bạn của thiên nhiên" đã qua đời ngày 10/1, thọ 88 tuổi.
Theo kỷ yếu 100 năm ĐH QGHN, GS Võ Quý sinh ra và lớn lên ở Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), được trời phú cho một nghị lực, trí thông minh và lòng kiên trì hiếm có, tới tuổi 77, ông đã đặt chân lên hầu hết mọi miền rừng núi của Tổ quốc.
Khi tiếp xúc với ông, bao giờ người đối thoại cũng cảm nhận được từ con người có đôi mắt sáng biết nói ấy một phong thái giản dị, dễ tiếp xúc, dễ trao đổi và dễ tìm được tiếng nói chung. Bạn bè, đồng nghiệp thường gọi ông là "nhà giáo", "nhà sinh học", "nhà điểu học", "người bạn của thiên nhiên".
Vốn là người yêu thiên nhiên, ham thích nuôi chim từ thuở thiếu thời, GS. Võ Quý đã sớm định hướng cho mình theo đuổi nghiên cứu chuyên ngành Điểu loại học ngay từ khi bắt đầu giảng dạy tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956). Khi đã là một nhà sinh vật học, ông có dịp đi đây đi đó, từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến vùng biển, được mắt thấy, tai nghe những cái hay, cái đẹp của tự nhiên, của đất nước và cả những cái chưa được.
Qua nhiều dịp ra nước ngoài, ông nhận thấy điều mà các nước trên thế giới quan tâm nhất là môi trường và ông nghĩ: "Phải làm gì để không chỉ gìn giữ mà còn phát huy những điều kiện tốt đẹp của môi trường, đem lại nguồn lợi cho đất nước mình". Và từ đó, nhiều người đã biết đến ông với vai trò của một nhà nghiên cứu, một người có nhiều tâm huyết với vấn đề bảo vệ môi trường, một nhà điểu học - nhà nghiên cứu về chim hàng đầu của Việt Nam.
Ông đã có công phát hiện ra một loài Trĩ mới cho khoa học ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). GS. Võ Quý phát hiện ra con Trĩ lam Hà Tĩnh khi ông mới ngoài 30 tuổi, nhưng lúc ấy nghiên cứu của ông chưa được các nhà khoa học thế giới công nhận ngay. Ông đã kiên trì nghiên cứu và tìm tài liệu chứng minh con Trĩ lam Hà Tĩnh mà dân địa phương quen gọi là "Gà lừng" là một loài Trĩ mới.
Thấm thoắt 20 năm trôi qua, sau nhiều lần kiểm chứng, Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) đã công nhận nghiên cứu của ông là đúng và đặt tên cho loài chim này là "Vo Quy Pheasant" (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao của người đã phát hiện và mô tả chính xác một loài Trĩ mới quý hiếm. Đời một người làm khoa học, hạnh phúc nhất là những công trình, niềm say mê của mình được ghi nhận. Ông cũng vậy.
GS Võ Quý và người dân Đắc lắc
GS. Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, học trò "kiểm kê" tỉ mỉ, kỹ càng hơn 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. Ông đã là tác giả của 14 cuốn sách, tiêu biểu như: "Chim Việt Nam" (tập 1, 2), "Cuộc sống các loài chim", "Danh mục các loài chim Việt Nam"...; là dịch giả chính của 3 cuốn sách về môi trường đồng thời cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong nước và nước ngoài. Sự gắn bó của GS
GS. Võ Quý còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN). Ở trong nước, ông là người đứng đầu hoặc là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức như Tổng Hội Các nhà sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam...
Ông đã dồn cả tâm huyết, công sức và cả tiền của để góp sức vào bảo vệ tài nguyên môi trường, xoá đói giảm nghèo cho nông dân. Ông đã tặng toàn bộ phần thưởng trị giá 150.000 USD giải Pew Scholars do Đại học Michigan (Hoa Kỳ) trao để nghiên cứu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Hà Tĩnh. Đến bây giờ, người dân ở 7 xã quanh hồ Kẻ Gỗ thuộc hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn hay nhắc đến "vườn cam của ông Quý" bằng tất cả tình cảm mến yêu và biết ơn.
Năm 2003, GS. Võ Quý vinh dự là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ hai được nhận Giải thưởng Hành tinh xanh, giải thưởng quốc tế tương đương giải Nobel về môi trường, do Ashahi Glass Foundation trao tặng.
Ngay từ khi nghe tin được trao giải, ông đã dự định sẽ dùng toàn bộ số tiền 50 triệu yên Nhật (tương đương khoảng 6 tỷ đồng Việt Nam) vào việc nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ ngành môi trường.
Tới nay, hàng năm, ông đã trích dần số tiền này để góp phần cùng với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐHQGHN (Nay là Viện Tài nguyên và Môi trường) tổ chức các lớp bổ túc kiến thức về môi trường cho những người đang làm công tác này và hỗ trợ các hoạt động về đào tạo và nâng cao năng lực đào tạo của Trung tâm. Ông bộc bạch: "Đây là công việc của nhà nước, nhưng nhà nước chưa thể làm hết được. Mục đích của tôi là đóng góp một phần sức mình vào công việc đó một cách hữu ích".
Hồng Hạnh