GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần thống nhất để việc bỏ điểm sàn ĐH không ảnh hưởng đến tuyển sinh CĐ
(Dân trí) - Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 trong đó nổi bật là bỏ điểm “sàn” xét tuyển đại học. Điều này tác động tới tương lai nghề nghiệp của hàng vạn học sinh trên cả nước và nhận được nhiều luồng ý kiến từ dư luận xã hội.
Trao đổi với phóng viên, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đưa ra một số nhận định, lý giải về vấn đề này.
Thưa GS, việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hiện đang nhận được rất nhiều ý kiến bao gồm cả ủng hộ lẫn phản đối. Vậy quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Theo Kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo “chốt” hôm 28/9/2016, các trường đại học, cao đẳng có thể chọn một trong 3-4 phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tuyển sinh dựa vào kết quả học tập ở THPT. Trường nào chỉ dựa vào kết quả học tập ở THPT để tuyển sinh thì điểm sàn không còn là điều kiện tuyển sinh nữa và việc bỏ là tất yếu.
Về nguyên tắc, tôi ủng hộ việc bỏ điểm sàn vì điều đó phù hợp với quyền tự chủ của các trường đại học. Tuy nhiên, bỏ điểm sàn phải có điều kiện và lộ trình để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Việc bỏ điểm sàn liệu có dẫn đến sự rối loạn hay một cuộc “tháo khoán” vào đại học trong năm 2017 không, thưa ông?
Điểm sàn là điểm tối thiểu thí sinh phải đạt để vào học đại học, cao đẳng. Trong tuyển sinh, mỗi trường có quyền xác định điểm chuẩn tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đào tạo, thực tế tuyển sinh và yêu cầu về chất lượng của trường mình; nhưng điểm chuẩn không được phép thấp hơn điểm sàn.
Như vậy, có thể nói điểm sàn là yếu tố đảm bảo chất lượng đầu vào và có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng.
Dĩ nhiên, những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo là quá trình đào tạo, điều kiện đào tạo và tính sàng lọc trong đào tạo. Nếu các trường đảm bảo những yếu tố này thì điểm tuyển sinh đầu vào cũng không quá quan trọng. Nhiều trường đại học danh tiếng ở nước ngoài vẫn tuyển sinh theo kiểu ghi danh vào học nhưng nhờ có điều kiện đào tạo tốt, quá trình sàng lọc nghiêm khắc, chất lượng đầu ra của họ vẫn đảm bảo.
Trong tình hình cụ thể ở nước ta, theo tôi, việc bỏ điểm sàn phải có điều kiện và lộ trình. Chỉ những trường nào đã được kiểm định chất lượng bởi những trung tâm kiểm định có uy tín và đạt kết quả tốt trong kiểm định chất lượng mới được xác định điểm chuẩn tuyển sinh không phụ thuộc vào điểm sàn. Các trường còn lại vẫn cần đảm bảo điểm chuẩn tuyển sinh không thấp hơn điểm sàn.
Thưa GS, ngoài ra, ông còn có điều gì góp ý với Bộ GD&ĐT về dự kiến bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào?
Ở nước ta hiện nay có hai cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học: Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý nhà nước đối với việc đào tạo trình độ đào tạo đại học và sau đại học; Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội thực hiện quản lý nhà nước đối với việc đào tạo trình độ cao đẳng.
Thực tế, nhiều năm gần đây cho thấy không phải cứ điểm tuyển sinh đại học thấp thì thí sinh sẽ vào đại học, chê cao đẳng. Thí sinh bây giờ rất thực tế. Họ thường chọn trường học đảm bảo chất lượng, chọn ngành học có nhu cầu xã hội cao để khi ra trường dễ kiếm việc làm, chứ không vào đại học bằng bất kỳ giá nào.
Tuy vậy, theo tôi, hai Bộ vẫn nên bàn bạc, thống nhất với nhau, để việc bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh cao đẳng.
Trân trọng cảm ơn GS!
Nhật Hồng