GS. Ngô Bảo Châu: Bỏ mô hình trường chuyên THCS là điều đáng tiếc

Chiều 15/8, tại Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), hơn 500 học sinh, sinh viên có buổi giao lưu cùng GS. Ngô Bảo Châu và GS. Phùng Hồ Hải, Phó viện trưởng Viện Toán học Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Phó Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam.

 

GS. Ngô Bảo Châu: Bỏ mô hình trường chuyên THCS là điều đáng tiếc - 1

GS. Ngô Bảo Châu và các bạn trẻ tại buổi giao lưu. (Ảnh: H. Văn)

Các bạn trẻ đặt câu hỏi xung quanh vấn đề phương pháp học Toán hiệu quả; đổi mới giáo dục; các mô hình Đại học phi lợi nhuận; phương pháp học trực tuyến mở; kỹ năng học tập và rèn luyện để ra trường không sợ thất nghiệp…

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng việc cải cách, đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng không nên phá những cái tốt đẹp nhất trong nền giáo dục VN. GS Châu dẫn chứng việc bỏ mô hình trường chuyên THCS là điều đáng tiếc.

Theo GS. Phùng Hồ Hải, một trong những vấn đề quan trọng của giáo dục Việt Nam là thay đổi tư duy người học, cách học. Cách học trực tuyến thông qua mạng là mô hình giáo dục hiệu quả, tiết kiệm thời gian mà thế giới đã áp dụng rất nhanh nhưng Việt Nam vẫn còn dè dặt. Ở VN tâm lý “học để thi” vẫn nặng nề nên chưa thể phát triển được.

Giáo sư Hải chia sẻ, ông không đồng tình với sự thay đổi về kỳ thi năm nay. Bộ cho rằng đó tiết kiệm thời gian và kinh phí của nhân dân, điều đó chưa kiểm chứng được bởi kết quả thì Bộ chưa tổng kết. Song cũng cần rút kinh nghiệm sao cho đề thi có tính chọn lọc cao hơn. Đề toán hơi dễ, điểm bị ép lại. Khi xét nguyện vọng rất khó phân biệt học sinh giỏi và học sinh khá, nhất là cho các trường top đầu.

Cũng cần thay đổi cả trong nhận thức về giáo dục đại học. “Giáo dục đại học nếu coi đó là hình thức kinh doanh, nếu là vì lợi nhuận thì thất bại hoàn toàn. Nếu lấy đích là lợi nhuận, nói đúng hơn đó là cách mua bán bằng cấp thôi”-  GS Hải nhấn mạnh. Vấn đề lợi nhuận đang gây áp lực rất nặng nề cho các trường tư khi họ lấy đó là mục tiêu đầu tiên, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Giáo sư khẳng định, việc đầu tư cho KHCN luôn luôn là đầu tư có hiệu quả nhất. Nếu chúng ta không cam chịu vị trí làm gia công, khai thác tài nguyên, chỉ có lựa chọn đầu tư mạnh mẽ vào KHKT để đưa đất nước Việt Nam tiến lên. Nhiều nước trên thế giới ban đầu muốn phát triển công nghiệp nặng, nhưng khi phát triển rồi họ tìm cách đẩy CN nặng vì hủy hoại môi trường mà chuyển sang đầu tư KHCN, giáo dục thành công như Singapore.

Về phương pháp học tập nói chung, sinh viên VN vẫn đang thụ động so với SV nước ngoài. Nó không xấu nhưng là rào cản trong quá trình đi tìm việc làm. Điều này có thể khắc phục khi sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện có tổ chức là cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm, đồng thời là đóng góp cho xã hội.

Phía nhà trường, các trường ĐH VN cần tích cực, nỗ lực vận động làm môi giới giữa sinh viên và những người tuyển dụng. Ở Mỹ, họ chủ động liên lạc với phụ huynh đề cập tới việc xin việc.

Tri thức là phần quan trọng trong quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo

GS. Ngô Bảo Châu cho rằng bảo vệ chủ quyền biển đảo bên cạnh nâng cao khả năng quốc phòng, không thể thiếu nâng cao hiểu biết, kiến thức lịch sử, chính trị… Phải hiểu về mình và biết được các nước láng giềng. Chỉ có thể xây dựng đất nước vững chắc trên một cơ sở một nền kiến thức vững chắc. Do vậy việc tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thực sự là cách để xây dựng đất nước.

 

Theo Hoài Văn

Tiền Phong