GS. Lê Phương Nga giải thích về việc viết “i” hay “y” trong chính tả tiếng Việt
(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo về chính tả trong chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Trước những thắc mắc liên quan đến quy định chuẩn chính tả mới, Giáo sư Lê Phương Nga (ĐH Sư phạm Hà Nội) - chuyên gia trong giới nghiên cứu, viết SGK, tài liệu Tiếng Việt đã có giải thích cặn kẽ.
GS. Lê Phương Nga khẳng định, quy định về chuẩn chính tả mới không thay đổi nhiều và rất cần thiết. Phụ huynh không nên lo lắng vì không có xáo trộn gì, từ trước đến nay, trường học luôn dạy học sinh theo quy định chuẩn.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc dự thảo quy định về viết chữ “i” hay “y” sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối, GS. Lê Phương Nga cho biết, trong SGK từ năm 2003 (Chương trình GDPT 2000), cách chọn viết “i” hay “y” được NXB Giáo dục tuân thủ rất nhất quán.
Quy định này có thể trình bày một cách đơn giản như sau:
Trường hợp thứ nhất, khi âm i mở đầu âm tiết thì không có quy tắc.
Chúng tôi thường gọi là mẹo chính tả (vì không đúng cho tất cả các trường hợp): Nếu là từ Hán Việt thì viết “y” (y tế, ý kiến, yến tiệc, yết thị...) , nếu là từ thuần Việt thì viết “i”. Tất nhiên phân biệt từ thuần Việt và Hán Việt đối với trẻ nhỏ không phải là dễ. Tôi thường hướng dẫn vui vui cho các cháu: các từ láy (ầm ĩ, ì ạch, í ới...) và hai động từ chỉ sự bài tiết của người lớn và trẻ em chắc chắn là từ thuần Việt phải viết i ngắn. Đồng thời các em cần nhớ các trường hợp cụ thể viết i ngắn như im, in, ít, ích...
Trường hợp thứ hai, khi âm i không mở đầu âm tiết thì có quy tắc. Nếu đứng sau âm đệm thì viết là ‘y” (huy, quý, lũy...) và không có âm đệm thì viết “i” (lí, mĩ, kĩ...).
Tất cả các tài liệu in ấn của NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT vẫn theo quy định trên, không có gì thay đổi.
GS. Lê Phương Nga cũng đưa ra giải thích cặn kẽ về vị trí của dấu thanh.
Theo dự thảo, trước khi đánh dấu thanh thì người viết phải tư duy đâu là âm chính, đâu là âm phụ để đặt dấu vào âm chính cho đúng.
Theo GS. Nga, việc đánh dấu thanh ở âm chính không phải là quy định mới. Nó là một yêu cầu ngay từ lớp 1 và đến lớp 5 thì được học như một quy tắc rõ ràng trong bài Cấu tạo tiếng. Chỉ có điều một số máy tính của chúng ta vẫn đánh tự động sai (ví dụ trong từ “hòa” vẫn đánh dấu thanh vào âm đệm “o” mà lẽ ra phải đánh vào “a”). Thực tế thì trong âm tiết, âm chính nằm ở vị trí giữa rất nhiều và hầu hết mọi người vẫn đánh dấu thanh đúng vị trí mặc dầu không ý thức về cái lí của nó. Còn trường học cần cho học sinh biết căn cứ để xác định vị trí dấu thanh.
GS. Lê Phương Nga khẳng định, quy định thống nhất về chính tả trong SGK phổ thông mới sẽ tạo ra sự thống nhất ở tất cả các bộ SGK. Như vậy, dù học sinh chọn bộ SGK của các tác giả hay NXB khác nhau thì vẫn không bị quy định khác biệt về mặt chính tả.
Ngoài ra, những văn bản quy định về chính tả ban hành ở những thời điểm khác nhau mà chúng ta thực hiện từ trước đến nay có những điểm chưa thống nhất. Do vậy, quy định chuẩn chính tả mới sẽ tạo ra một sự thống nhất về những vấn đề chính tả hiện nay chưa được thống nhất.
Hồng Vân