GS Lâm Quang Thiệp: Không nên để các tỉnh chấm thi trắc nghiệm
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, với kỳ thi THPT hiện nay, không nên để các tỉnh chấm phần trắc nghiệm.
Trước những vướng tắc, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm vừa qua, GS Lâm Quang Thiệp- nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, với thi THPT hiện nay, thì phần chấm trắc nghiệm hoàn toàn không nên để các tỉnh chấm mà phần trắc nghiệm nên chấm ở về 3 trung tâm có ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
“Việc đưa bài về ba trung tâm ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam sẽ nhanh hơn và khi có kết quả thì gửi về Bộ GD&ĐT. Các trung tâm này đều do Bộ GD&ĐT quản lý”- GS Thiệp nhấn mạnh.
Việc chấm chéo không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiêu cực trong thi cử. Bởi không có gì đảm bảo việc chấm chéo nếu giao cho các địa phương phối hợp thực hiện sẽ không nảy sinh tiêu cực. Đơn cử vụ việc 11 tỉnh ĐBSCL 'bắt tay nhau' điều chỉnh kết quả chấm thi đã là một ví dụ điển hình trong quá khứ.
Chất lượng đề thi chưa tốt
GS Lâm Quang Thiệp nhận định, chất lượng đề thi năm nay chưa được tốt và năm tới chất lượng cần phải hoàn thiện hơn: “Ví dụ, đề thi câu hỏi khó quá không ai làm được thì nó không đánh giá được gì cả. Chất lượng đề thi thì bắt buộc phải tăng lên. Việc này là công việc của Bộ GD&ĐT phải xây dựng câu hỏi đủ lớn, đạt chất lượng, phù hợp với tính chất của kỳ thi để từ đó xây dựng đề thi phù hợp với sứ mệnh với mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia”- GS Thiệp nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất tách kỳ thi THPT quốc gia thành hai phần (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì, GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, không cần phải tách bài thi thành hai phần riêng ra làm gì.
“Tôi nghĩ đề thi bao giờ cũng thiết kế có câu hỏi khó và câu hỏi dễ. Bản thân câu hỏi khó và câu hỏi dễ đánh giá được theo hai cấp độ rồi, không phải tách riêng hai phần ra” - GS Thiệp nêu ý kiến
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, mấu chốt của vấn đề là phải hoàn thiện ngân hàng câu hỏi chứ không cần đề xuất tách riêng bài thi.
Với ý kiến là vài năm tới, để tránh tiêu cực nên cho học sinh thi trên máy?, GS Thiệp cho rằng thi trên máy phải có cơ sở vật chất tốt. Thi trên máy nhưng người đến thi phải xác định thi thật chứ không phải đi thi hộ thì mới không có chuyện gian lận được.
Theo Đỗ Hợp
Tiền Phong