Giúp học sinh hào hứng tự học Lịch sử
Nhóm giáo viên Tổ Xã hội (Trường THPT Trưng Vương - Hưng Yên) chia sẻ kinh nghiệm giúp học sinh tự học Lịch sử thông qua tìm kiếm tư liệu lịch sử trên Internet, sách giáo khoa, lược đồ.
HS Trường THPT Trưng Vương (Hưng Yên)
Để giúp cho các em tìm kiếm tư liệu được dễ dáng, giáo viên phải tìm kiếm các trang mạng để giúp các em truy cập dễ dàng và tìm hiểu các thông tin một các đúng đắn nhất.
Khi hướng dẫn học sinh tìm kiếm tư liệu qua mạng, giáo viên chú ý hướng dẫn học sinh đọc tài liệu và tập trung trả lời các câu hỏi như: Vì sao? Như thế nào? Kết quả, bài học rút ra từ những sự kiện, hiện tượng đó.
Ví dụ với Bài 3: Các quốc gia cổ đại phương Đông (tiết 2 - Lịch sử lớp 10)
Sau khi dạy xong tiết 1, để chuẩn bị cho tiết học sau, GV yêu cầu học sinh tìm hiểu về Kim Tự Tháp Ai Cập tại địa chỉ internet “Các kì quan của thế giới cổ đại” hoặc tư liệu giáo khoa “Những mẩu chuyện lịch sử văn minh thế giới”- NXB Giáo dục- 2001.
Để chắc chắn rằng sau khi down tư liệu về các em phải đọc, giáo viên yêu cầu thu bản tóm tắt viết tay giới hạn trong 100 đến 130 từ.
Sau một tuần, vào giờ học, giáo viên liên tục đặt câu hỏi: Kim Tự Tháp được xây dựng ở đâu? Hình thức bên ngoài của Kim Tự Tháp như thế nào? Kim Tự Tháp được xây dựng bằng những vật liệu gì?
Theo em, người ta vận chuyển những vật liệu đó đến công trường bằng cách nào? Em hãy giả thiết rằng người Ai Cập cổ đại đã xây dưng Kim Tự Tháp bằng cách nào?
Với những câu hỏi như vậy, giáo viên tạo cho HS hứng thú thực sự khi cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi giữa các nhóm.
Sau khi để cho trí tưởng tượng HS bay bổng, GV chốt lại vấn đề cơ bản theo yêu cầu chuẩn kiến thức cùng với thuyết giảng làm sâu kiến thức:
“Kim Tự Tháp là những quần thể kiến trúc đặc biệt mà người Ai Cập cổ đại đã xây dựng cách ngày nay hơn 5000 năm trong đó lớn nhất là quần thể Kim Tự Tháp Kê Ốp.
Kim Tự Tháp được xây dựng bên hai bờ của lưu vực sông Nil. Kiến trúc Kim Tự Tháp có đáy là hình vuông, bốn mặt là các tam giác cân. Độ cao của Kim Tự Tháp tương đương với tòa nhà 50 tầng ngày nay.
Để xây dựng Kim Tự Tháp, vào mùa nước lũ, người Ai Cập dùng những chiếc bè lớn vận chuyển đá từ thượng nguồn, nơi có những dãy núi có thể khai thác đá, xuôi theo dòng nước đưa về hạ lưu.
Giả thiết cho rằng, người ta đã đắp đất theo chiều cao của Kim Tự Tháp sau đó kéo trượt các tảng đá lớn lên đặt vào vị trí. Sau khi xây xong, phần đất đắp theo đó được phá đi.”
Ví dụ Bài 6: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914- 1918) (tiết 2 - Lịch sử lớp 11)
Sau khi tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến bùng nổ chiến tranh, để học tốt tiết thứ 2 của bài, tìm hiểu về diễn biến của cuộc chiến tranh, GV yêu cầu HS về nhà đọc SGK và lập bảng hệ thống các sự kiện chính của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, cung cấp tư liệu về một số trận đánh then chốt, giao cho HS tập tường thuật sự kiện chiến tranh bắt đầu (7/1914), trận Vec đoong (1916), Mĩ tham chiến (1917), chiến tranh kết thúc (10/1918).
Thực hiện giờ dạy trên lớp, việc tìm hiểu diễn biến của chiến tranh thay vì đi trình bày lần lượt, GV chuẩn bị bảng thống kê cho học sinh đối chiếu với bài đã làm để so sánh và hoàn chỉnh nội dung bài học.
Nhưng điều quan trong khi tiến hành bài học tìm hiểu về cuộc chiến tranh là phải làm cho học sinh cảm giác được như mình đang sống trong thời chiến, cảm nhận được sự ác liệt của bom đạn, những cái chết không đáng của những binh sĩ trên chiến trường và hang triệu người dân vô tội. Từ đó giáo dục HS tinh thần yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh.
Vì vậy, GV lựa chọn việc tường thuật một số trận đánh then chốt trong cuộc chiến do chính các em trình bày, trên cơ sở tư liệu do GV đã cung cấp trước.
Chúng tôi nhận thấy rằng trong quá trình thực hiện phương pháp này không phải 100% học sinh đều tham gia tích cự, nhiều em ỷ lại vào các bạn có ý thức.
Do hoàn cảnh của các học sinh cũng rất khác nhau nên không phải gia đình nào cũng có máy tính nối mạng nên việc tìm kiếm tư liệu trên Internet không phải em nào cũng có thể thực hiện được.
Về phía giáo viên: Để hướng dẫn được cho học sinh, đòi hỏi người GV phải thường xuyên truy cập thông tin trên Internet và tìm kiếm tư liệu để cung cấp cho các em các địa chỉ hoặc các tư liệu hiếm. Điều này cũng đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và công sức.
Để dạy học bằng phương pháp hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, trước hết nhà trường cần có một thư viện với đầy đủ các thiết bị và tư liệu để đáp ứng nhu cầu tự đọc, tự học của học sinh và thậm trí là cả với GV.
Mỗi GV cần nhận thức rõ, tạo cho học sinh năng lực tự đọc, tự học chính là tạo ra cơ sở đầu tiên cho việc tự học tập suốt đời của các em về sau.
Tổ Xã hội (Trường THPT Trưng Vương)
Hải Bình (ghi) (Báo Giáo dục & Thời đại )