Giúp giáo viên Văn “hút hồn” học sinh bằng khả năng đọc, diễn đạt
Nhận định hiện nay, không ít giáo viên khi dạy Văn rất hiếm khi đọc văn bản, thầy Nguyễn Văn Song - Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) cho rằng,việc đọc văn bản văn học của người thầy trên lớp rất quan trọng.
Thầy Nguyễn Văn Song chia sẻ: Xét cho cùng, văn học là nghệ thuật của ngôn từ mà ngôn từ chỉ thực sự trở nên trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa khi được vang lên với đúng mọi cung bậc, sắc thái cần có của nó.
Khi đọc một đoạn thơ, một đoạn văn, người thầy phải đọc cho đúng giọng điệu bao trùm của tác phẩm, cho đúng tâm trạng, thái độ của chủ thể trữ tình trong thơ, cho đúng giọng điệu, tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật tự sự, cho đúng phong cách nghệ thuật của tác giả và cho đúng với đặc trưng thể loại.
Giọng đọc của người thầy phải có khả năng biến hóa, linh hoạt với đủ mọi sắc thái vui, buồn, bất ngờ, thất vọng, tin tưởng...
Khi đọc truyện ngắn Thạch Lam phải ra được cái chất văn nhỏ nhẹ, tâm tình giàu chất thơ, đọc văn Vũ Trọng Phụng phải ra được giọng trào phúng, châm chọc vừa quyết liệt vừa hóm hỉnh, thâm thúy.
Giọng đọc truyện ngắn khác, đọc kịch khác, đọc tùy bút, bút kí lại khác. Có làm được như thế, học sinh mới thực sự cảm thấy hứng thú và người thầy mới đưa được tác phẩm đến với các em một cách dễ dàng.
Để người dạy văn đọc thật tốt văn bản
Trả lời câu hỏi làm thế nào để người dạy văn đọc thật tốt văn bản, một số người cho rằng đọc văn hay phải có năng khiếu.
Không phủ nhận điều đó, nhưng thầy Nguyễn Văn Song cũng cho rằng, không phải cứ có năng khiếu là đọc hay, không có năng khiếu thì không thể đọc được tốt.
Người có năng khiếu mà không rèn kĩ năng đọc thường xuyên, không tìm hiểu tác phẩm kĩ thì khó mà đọc được hay. Người không có năng khiếu nhưng nếu tìm hiểu thấu đáo tác phẩm và thường xuyên rèn kĩ năng đọc thì vẫn có thể đọc rất tốt.
Mà dù có năng khiếu hay không thì người dạy văn vẫn phải đọc tốt văn bản văn học nếu thực sự tâm huyết với nghề.
Cách rèn tốt nhất, theo thầy Song là hãy đọc thầm tác phẩm một vài lần để nắm bắt tinh thần của tác phẩm, dự kiến giọng đọc cần đạt rồi tiến hành đọc.
Ban đầu có thể khó khăn thì cứ cố gắng đọc tròn vành, rõ chữ, phát âm cho đúng chính tả rồi dần dần tiến tới đọc thật diễn cảm, hấp dẫn văn bản. Nếu có phòng làm việc, cứ đóng cửa phòng lại rồi đọc cho tự nhiên.
Nếu có phương tiện ghi âm, hãy ghi lại giọng đọc của mình, nghe lại, thấy cần chỉnh như thế nào thì tiếp tục sửa.
"Những năm mới ra trường, thỉnh thoảng tôi bị anh chị em cùng tổ “bắt quả tang” đang đọc văn bản trong văn phòng tổ khi họ bất ngờ mở của đi vào. Những lúc ấy quả cũng có chút ngại nhưng rồi hầu như mọi người đều hiểu việc tôi làm.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen nghe chương trình Đọc truyện đêm khuya trên Đài tiếng nói Việt Nam. Tôi rất cảm phục các nghệ sĩ đọc truyện và cứ âm thầm học tập họ dù biết rằng mình khó lòng mà đọc tuyệt vời được như thế.
Nhiều lúc đi trên đường, ngồi trên xe, tôi vẫn cứ đọc đi đọc lại một bài thơ, một đoạn văn nào đó mà mình sắp phải lên lớp giảng dạy. Có thể có nhiều người cho rằng tôi lẩn thẩn mất rồi nhưng biết làm sao được khi “đã đem cái nghiệp vào thân”" - thầy Song tâm sự.
Tăng khả năng diễn đạt
Cũng theo thầy Song, khả năng diễn đạt cũng là một yếu tố cực kì quan trọng trong việc tạo nên chất lượng của một giáo viên dạy văn.
Đành rằng đã soạn giáo án, đã chuẩn bị kĩ càng nhưng thực tế một giờ dạy trên lớp, giáo viên phải làm việc nhiều hơn thế rất nhiều.
Ngôn ngữ diễn đạt trên lớp không phải ngôn ngữ viết như ngôn ngữ của một bài phê bình, cũng không thể lôm nhôm, vô tội vạ như một cuộc nói chuyện tào lao, cũng không phải là ngôn ngữ độc thoại từ một phía.
Cái khó của ngôn ngữ diễn đạt trong một giờ dạy Văn vừa phải giàu chất văn chương, lại vừa gần gũi, giản dị tự nhiên lại vừa sinh động bởi sự đối thoại, hô ứng liên tục giữa thầy và trò.
Điều quan trọng là người thầy phải làm rõ màu sắc của các kiểu ngôn ngữ diễn đạt trong giờ học. Khi đọc văn bản thì ra giọng điệu của tác phẩm.
Khi tổ chức, điều khiển lớp học thì phải rõ tính chất tổ chức, khi đặt câu hỏi lại khác, khi phân tích, bình phẩm khác, khi chốt kiến thức lại khác.
Thầy Song chia sẻ: Tôi vẫn quan niệm, trong một giờ học, người thầy phải sắm rất nhiều vai, mỗi vai đòi hỏi một kiểu ngôn ngữ diễn đạt.
Để sắm trọn được tất cả các kiểu vai ấy, người dạy phải hình dung ra tất cả các tình huống, các vai mà mình đảm nhiệm và nếu cần thiết phải “thử vai” trước khi “lên sàn diễn”. Khi mới vào nghề thì càng phải siêng năng “thử vai”.
Tôi cũng không ít lần đóng cửa phòng “lên lớp” một mình, thậm chí phải “thử vai” trong tưởng tượng, trong suy nghĩ khi mình đang bận làm một việc chân tay đơn giản nào đó.
Tôi đã từng chứng kiến, có những thầy cô cảm thụ văn chương rất tốt, viết rất hay nhưng khi lên lớp thì chỉ có một giọng văn đều đều mà nghe lâu thì cảm thấy rất mệt mỏi.
Trước khi làm thầy, ai chẳng có một thời làm trò. Khi mình là trò, mình muốn được học một người thầy như thế nào thì khi làm thầy, mình phải cố gắng để trở thành một người thầy như thế.
Đừng vội trách nhiều học sinh nói chuyện trong một giờ dạy văn mà hãy hỏi xem mình đã dạy như thế nào mà nhiều học sinh nói chuyện thế? Hãy rèn luyện khả năng diễn đạt, làm chủ ngôn ngữ, biết làm đẹp ngôn ngữ dạy văn sau mỗi tiết dạy, biến ngôn ngữ thành một phương tiện hữu hiệu nhất, thuyết phục nhất.
Tăng vốn kỹ năng mềm
Các kĩ năng mềm rất phong phú đa dạng, nhưng ở đây, thầy Nguyễn Văn Song muốn nói đến kĩ năng mềm có nhiều hiệu quả đối với một giờ dạy văn.
Một người dạy văn dường như phải “sắm nhiều vai” trong một giờ dạy. Mà muốn làm được điều đó phải có kĩ năng.
Khi dạy về ca dao dân ca, người dạy có thể diễn xướng một bài ca dao thành bài hát ru hay một làn điệu dân ca đã có trong dân gian.
Dạy bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, người dạy có thể ngâm bài thơ theo giọng ngâm Huế. Khi dạy các đoạn trích kịch, giáo viên có thể nhận một vai và cùng diễn với học sinh trong một trích đoạn nào đó.
Dạy các tác phẩm như Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh, Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ, giáo viên có thể hát được một vài câu ca trù thì thật là hấp dẫn.
Nếu có khả năng vẽ thì rất hiệu quả khi dạy những bài thơ giàu chất họa, nếu bạn giỏi thư pháp thì rất hiệu quả khi dạy văn học cổ...
"Vẫn biết những kĩ năng mềm kia cần phải có năng khiếu nhưng điều tôi muốn nói ở đây là trong mỗi người, nhất là những người dạy văn tiềm ẩn rất nhiều khả năng.
Bạn hãy biết khai thác triệt để những thế mạnh của mình và có ý thức trang bị cho mình những kĩ năng có liên quan đến việc dạy văn để những giờ dạy của bạn trở nên hấp dẫn"- thầy Nguyễn Văn Song cho hay.