Thương học sinh Việt phải “gói mình” trong sách giáo khoa

(Dân trí) - Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và quanh năm, học sinh chúng ta cứ phải "gói mình" trong những cuốn sách giáo khoa. Trong khi, thế giới ngoài kia bao la các loại sách, các em lại ít được tiếp cận.

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, ĐH Sư phạm TPHCM nhấn mạnh điều này đến các nhà quản lý tại tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?" do Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD-ĐT TPHCM và Thành đoàn TPHCM tổ chức sáng 27/8.

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết: Học sinh chúng ta đang "gói mình" trong sách giáo khoa

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết cho hay, các nghiên cách đây gần cả trăm năm nay đã khẳng định đọc sách góp phần hình thành nhân cách của con người, thể hiện qua giá trị sống, kỹ năng sống, hệ giá trị... của con người đó trong cuộc sống.
 

Thế nhưng, học sinh chúng ta ít có thời gian, ít có cơ hội để được đọc sách. Ở các nước phát triển, họ rất chú tâm đến việc tạo không gian cho học sinh đọc sách, còn chúng ta vẫn chưa đi vào quỹ đạo, ngay trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chưa chú tâm đến điều này. 

Thương học sinh Việt phải “gói mình” trong sách giáo khoa - 1

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết

TS Hoàng Thị Tuyết cũng đề cập học sinh chúng ta đọc theo kiểu "1 cuốn", đọc sách giáo khoa, giáo trình. Trong khi bà đi học ở nước ngoài, ở các trường đại học nước ngoài, phải nói rằng: Không đọc không tồn tại! 

"Không đọc không học được! Không đọc không thể đạt được kết quả tốt. Mỗi một bài học, mỗi hoạt động đều lôi người đọc đến thư viện, phải đọc sách báo. Không đọc không thể học, không thể thành công trong nền giáo dục ấy", bà Tuyết nói. 

Trẻ con không đọc sách, lỗi ở người lớn

Nhà văn Văn Thành Lê cho rằng, tuổi thơ mà không có trang sách đi cùng thì có thể nói đó là một tuổi thơ khuyết thiếu, chưa trọn vẹn. Trẻ em không có thói quen là lỗi ở người lớn. Gia đình đã không đưa sách đến đầu gường các em, nhà trường đã không đưa sách vào lớp học của các em.

Theo tác giả, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng các thư viện trong nhà trường; xây dựng khung chương trình giáo dục, giảng dạy có thiết hướng dẫn học sinh đọc sách, giới thiệu, tương tác với sách.

Thương học sinh Việt phải “gói mình” trong sách giáo khoa - 2

Nhà văn Văn Thành Lê nêu quan điểm, trẻ không có thói quan đọc sách là lỗi ở người lớn 

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết bày tỏ, giáo dục của chúng ta chưa hình thành được cho học sinh năng lực tự đọc, tự học. Các em trói mình trong những giờ học trên lớp, ở những giờ học thêm. 

Theo bà, xây dựng thói quen đọc cho học sinh có thể nói là một trong những giải pháp giúp chương trình giáo dục phổ thông thành công trong việc trang bị cho học sinh các năng lực tự chủ, tự học.

Thương học sinh Việt phải “gói mình” trong sách giáo khoa - 3

Học sinh ở TPHCM chọn mua sách vào ngày cuối tuần 

Trong lá thư gửi ban tổ chức tọa đàm, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ, ngoài giáo trình, giáo án và thầy cô trên trên lớp thì sách là trợ thủ đắc lực, hữu hiệu mang lại chất lượng, hiệu quả trong dạy học của thầy trò. 

Những giải pháp như đưa tiết đọc sách vào khung chương trình, đầu tư cho thư viện, thành lập danh mục sách khuyến đọc... theo ông Trương Tấn Sang đều khả thi. Ngành Giáo dục TPHCM có thể xin chủ trương của Bộ GD-ĐT để sớm triển khai cho hệ thống các trường học của thành phố. 

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm