Nghịch lý cử tuyển ở Sóc Trăng:

Giỏi trượt, trung bình được chọn

(Dân trí) - Theo quyết định về việc cử học sinh đi học theo chế độ cử tuyển, có 25 học sinh được tỉnh Sóc Trăng cử đi học. Tuy nhiên, sau khi danh sách được công bố, đã có học sinh khiếu nại vì địa phương cử tuyển không thuyết phục.

Theo phản ánh của ông Lý Đa Ni (ngụ ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), con gái ông là em Lý Thị Chanh Đa (người dân tộc Khmer) đăng ký xét cử tuyển với Hội đồng xét cử tuyển của huyện Châu Thành. Hồ sơ của em Lý Thị Chanh Đa thể hiện rõ: Suốt 3 năm học THPT, em Chanh Đa liên tục là học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đạt 30 điểm cho 4 môn thi, được xếp loại Giỏi tốt nghiệp. Trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, em đạt 14 điểm cho 3 môn thi (trong đó, môn Toán là 4,25 điểm; môn Sinh học là 5,25 điểm; môn Hóa học là 4,5 điểm). Đối chiếu các quy định, em thấy mình có đủ điều kiện để được xét đi học theo chế độ cử tuyển. Tuy nhiên, khi xem danh sách, em Chanh Đa không có tên trong số 25 học sinh được cử tuyển đi học tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Theo danh sách được công bố, trong số 25 HS của tỉnh Sóc Trăng được chọn cử tuyển vào Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2014, có 4 HS thuộc huyện Châu Thành. Đó là em Lê Hoàng Thái (dân tộc Kinh, ngụ xã An Ninh) có học lực năm lớp 12 loại Khá, thi ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2014 được 12,5 điểm; em Thạch Kim Tho (dân tộc Khmer, ngụ xã Hồ Đắc Kiện) học lực Khá, thi ĐH Y Dược năm 2014 được 12 điểm; em Dương Xên Hon (người dân tộc Hoa, ngụ xã Phú Tân) học lực lớp 12 xếp loại Trung bình, thi ĐH Y Dược năm 2014 được 14 điểm; em Cao Ngọc Diệu Ái (dân tộc Khmer, ngụ xã An Ninh), tốt nghiệp lớp 12 năm 2013, học lực loại Khá, thi ĐH Y Dược Cần Thơ được 11,5 điểm.

Em Lý Thị Chanh Đa bày tỏ: “Em là con gia đình nông dân Khmer, học lực đạt loại Giỏi, tốt nghiệp loại Giỏi, thi ĐH Y Dược được 14 điểm, chưa tính điểm ưu tiên nhưng không được cử đi học. Trong khi đó, các bạn được cử đi học thì học lực lớp 12 chỉ Khá hoặc Trung bình vẫn được chọn đi học. Kết quả này làm em buồn quá”.

Một giáo viên Trường THPT An Ninh (nơi em Chanh Đa học) cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ khi nghe tin em Chanh Đa không được cử đi học. Trong khi em này con nông dân, học giỏi liên tục 3 năm liền bậc THPT, tốt nghiệp đạt loại giỏi nữa, thật tiếc cho em Chanh Đa”.’

Điều đáng nói hơn, đến xã An Ninh để tìm hiểu sự việc, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi biết em Cao Ngọc Diệu Ái tốt nghiệp lớp 12 năm 2013, đã đậu Trường ĐH Ngân hàng nhưng vẫn được xét cử tuyển đi học.

Ông Kim Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng cho biết: “Sau khi được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu cử tuyển vào các trường đại học cho tỉnh, Hội đồng xét cử tuyển của tỉnh giao chỉ tiêu cho từng huyện, thị xã, thành phố. Căn cứ vào chỉ tiêu được giao, các địa phương xét xong, chuyển hồ sơ về cho Hội đồng Tuyển sinh của tỉnh xét và đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định cử HS đi học. Địa phương gửi danh sách lên, Hội đồng Tuyển sinh tỉnh kiểm tra đúng thì đồng ý đề nghị UBND phê duyệt. Đối tượng xét cử tuyển là ưu tiên học sinh người dân tộc Khmer, học lực từ Trung bình trở lên, hạnh kiểm từ Khá trở lên. Còn với HS người Kinh xét không quá 15% trong tổng số chỉ tiêu. Tiêu chuẩn phải có học lực và hạnh kiểm từ Khá trở lên. Việc xét cử tuyển căn cứ nhiều tiêu chí chứ không chỉ dựa vào học lực, vì vậy có trường hợp học lực Trung bình được chọn, học giỏi không được chọn là không có gì khó hiểu cả. Còn em Lý Thị Chanh Đa không được cử tuyển là trách nhiệm ở huyện Châu Thành”.

Trao đổi với PV, bà Trương Ngọc Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Em Lý Thị Chanh Đa có nộp hồ sơ xét cử tuyển nhưng do chỉ tiêu của huyện chỉ có 4 nên phải xét theo nhiều tiêu chí như gia đình chính sách, hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em Chanh Đa không được xét đợt này. Hồ sơ của em Chanh Đa cũng hợp lệ nhưng chỉ tiêu tỉnh giao là 4 HS nên chúng tôi buộc phải để em Chanh Đa ngoài danh sách đợt này. Chúng tôi cũng mong gia đình em Chanh Đa thông cảm, năm sau chúng tôi sẽ ưu tiên xét cho em giống như trường hợp em Diệu Ái”.

Ông Lý Đa Ni giãi bày: “Thấy con ham học, học giỏi, gia đình mừng lắm, vất vả cũng lo cho con học hành đầy đủ. Đợt xét tuyển này, đối chiếu với mấy cháu cùng địa phương, thấy tiêu chuẩn con mình trội hơn nên gia đình cũng hi vọng cháu được cử đi học. Nhưng khi xem danh sách thấy không có tên con thì buồn lắm. Còn cán bộ nói năm sau ưu tiên xét cử cháu đi học vợ chồng tôi không yên tâm bởi chính sách biết đâu sẽ thay đổi, năm sau sẽ còn nhiều cháu có đủ điều kiện hơn con mình thì con mình lại không được xét thì lỡ mất cơ hội”.

Về trường hợp tại sao chỉ xét HS có học lực Khá và Trung bình mà không xét học sinh học lực Giỏi, bà Luận giải thích: “Dựa vào nhiều tiêu chí chứ không phải chỉ dựa vào học lực”. Riêng trường hợp em Cao Ngọc Diệu Ái, bà Luận thừa nhận: “Em Ái tốt nghiệp năm 2013 và đã đậu vào ĐH Ngân hàng nhưng em đã nghỉ học. Năm ngoái em Ái cũng nộp hồ sơ xét cử tuyển nhưng không được xét nên năm nay xét cho em là hợp lý”.

Theo bà Luận, em Cao Ngọc Diệu Ái có cha mẹ là công chức ngành y tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha em đang theo học bác sĩ năm thứ 3 nên huyện xét cho em. Tuy nhiên, ông Sơn Hà - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Châu Thành cho biết: “Ông Cao Mạnh Trường là bác sĩ, đã học xong bác sĩ chuyên khoa I, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành”.

Một cán bộ UBND xã An Ninh cho biết mẹ em Cao Ngọc Diệu Ái hiện đang công tác tại trạm y tế xã An Ninh. Hoàn cảnh gia đình em Ái khá chứ không khó khăn, thu nhập từ lương của cha mẹ em mỗi tháng cũng vài chục triệu đồng. Trong khi đó, gia đình em Chanh Đa cha mẹ làm ruộng, kinh tế gia đình cũng ở mức đủ ăn chứ không giàu có. Để chứng minh điều này, vị cán bộ xã chỉ cho chúng tôi nhà của bác sĩ Cao Mạnh Trường năm cạnh đường tỉnh lộ, một ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, có cổng rào kín đáo.

Thiết nghĩ, cử tuyển là chính sách đúng đắn của Nhà nước với học sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc chọn HS có học lực Trung bình và Khá đi học theo diện cử tuyển mà không chọn HS có học lực Giỏi thì thiếu thuyết phục; chưa nói việc chọn HS đã trúng tuyển vào đại học năm 2013 đi học cử tuyển năm 2014 đã đánh mất cơ hội được học của HS như em Lý Thị Chanh Đa.

PV
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm