Giới đại học Pháp vinh danh học giả Hoàng Xuân Hãn

Tin từ Paris cho biết: Học giả Việt Nam lỗi lạc Hoàng Xuân Hãn vừa được Trường Quốc gia Cầu - Đường (École Nationale des Ponts et Chaussées) ở Paris lấy tên đặt cho một giảng đường trong trường đại học danh tiếng ấy.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Hàm Châu trên báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu về GS Hoàng Xuân Hãn nhân sự kiện này.

Giới đại học Pháp vinh danh học giả Hoàng Xuân Hãn  - 1
GS Hoàng Xuân Hãn (1909-1996)
 
Trường Quốc gia Cầu - Đường Paris lấy tên học giả Hoàng Xuân Hãn đặt cho một giảng đường. Tin vui ấy khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm…
 
Danh nhân Việt Nam duy nhất được đặt tên cho giảng đường đại học Pháp

Tin từ Paris cho biết: Học giả Việt Nam lỗi lạc Hoàng Xuân Hãn vừa được Trường Quốc gia Cầu - Đường (École Nationale des Ponts et Chaussées) ở Paris lấy tên đặt cho một giảng đường trong trường đại học danh tiếng ấy. Như nhiều người đã biết, đây là một “trường lớn” của nước Pháp, có chế độ tuyển sinh rất gắt gao; những ai muốn dự vào trường này, sau khi đỗ tú tài, còn phải học thêm vài ba năm dự bị ở một trường trung học rất nổi tiếng như Lycée Saint Louis để bổ túc kiến thức và “luyện thi”.

Hầu hết những người được lấy tên đặt cho các giảng đường của các trường đại học ở Pháp đều là những danh nhân, những nhà bác học kiệt xuất như Diderot, Descartes, Pierre Curie, Marie Curie, v.v. Hoàng Xuân Hãn là danh nhân người Việt Nam duy nhất được lấy tên đặt cho một giảng đường theo cách viết “đảo ngược họ tên cha mẹ đặt” và bỏ các dấu thanh mà người Âu - Mỹ quen dành cho người phương Đông là: Xuan Han Hoang.

Năm 1930, anh thanh niên quê làng Yên Hồ, La Sơn, Hà Tĩnh, 22 tuổi, cùng một lúc thi đỗ vào hai trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp là Trường đại học Sư phạm phố d’Ulm (École Normale Supérieure, rue d’Ulm) và Trường đại học Bách khoa (École Polytechnique) ở thủ đô nước Pháp. Đây là trường hợp chưa từng có trước đó đối với người “dân An Nam” thuộc địa. (Về sau, thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm Paris, còn có thêm Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, và Ngô Bảo Châu). 

Giới đại học Pháp vinh danh học giả Hoàng Xuân Hãn  - 2
Anh sinh viên Hoàng Xuân Hãn, 22 tuổi, theo học Trường đại học Bách khoa Paris năm 1930.

Những năm 1932-1934, Hoàng Xuân Hãn theo học Trường Quốc gia Cầu - Đường, rồi đỗ kỹ sư cầu - đường. Chính vì Giáo sư Hãn là một cựu sinh viên của trường này, về sau, đã có nhiều cống hiến trác việt cho hai nền văn hoá Việt - Pháp, cho nên nhà trường mới quyết định lấy tên ông để đặt cho một giảng đường của trường.

Trong tiểu sử trên tấm biển đặt trước giảng đường có đoạn viết:

“Hoàng Xuân Hãn, người Việt Nam, là cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa Paris, kỹ sư Trường Quốc gia Cầu - Đường, nhà toán học và là một học giả. Cuộc đời ông, cuộc đời của một nhà nhân văn lớn, được nuôi dưỡng bởi ba nền văn hóa, ông đã hiến dâng nó cho cuộc đấu tranh giành độc lập suốt từ hai nghìn năm nay của dân tộc ông.”

Tấm biển nêu lên những thành quả nghiên cứu khoa học trác việt của học giả Hoàng Xuân Hãn, ở đây, tôi chỉ trích dẫn đoạn nói đền việc nghiên cứu Truyện Kiều, để chào mừng việc Hội Kiều học Việt Nam vừa được thành lập trong tuần trước:

“Ông đã thực hiện bản văn có chú giải Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820), một công trình uyên bác mẫu mực, được Hiệp hội Aubonne xuất bản sau khi ông mất. Ông đã sáng lập hiệp hội này năm 1992, cống hiến cho cả hai nền văn hoá Việt Nam và Pháp, mà nhiều người Việt Nam hiện đang sống ở Pháp cùng chia sẻ.”

Ảnh hưởng của GS Hoàng Xuân Hãn đối với thế hệ chúng tôi

Thuở nhỏ, tôi sống trong Đại Nội, Huế, ở nhà ông bác ruột tôi là cụ Cử nhân Nho học Nguyễn Văn Hạp, lúc bấy giờ giữ chức Thị lang Bộ Hộ, và theo học École des garçon, một trường tiểu học dành riêng cho con trai, dạy tất cả các môn bằng tiếng Pháp.
 
Những năm kháng chiến chống Pháp, tôi trở về quê nội tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, trong vùng tự do, theo học bậc trung học. Trường học sau Cách mạng dạy tất cả các môn bằng tiếng Việt, chỉ trừ ba môn ngoại ngữ là tiếng Pháp, tiếng Anh, và chữ Hán (caractères chinois). 

Ngày nay nhớ lại, tôi biết ơn nhà trường kháng chiến đã cùng một lúc dạy cho chúng tôi ba ngoại ngữ dù chỉ mới là sơ lược, bước đầu, nhưng, về sau, có nền tàng mà học thêm.

Một khó khăn lớn đối với chúng tôi lúc ấy là thiếu sách giáo khoa. Thầy Nguyễn Văn Trương cùng các anh học lớp trên như Đinh Ngọc Lân, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Hoàng Phương, Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Cung… cho chúng tôi mượn một số cuốn sách toán, vật lý, sinh vật bằng tiếng Pháp; nhưng không dễ đọc hiểu, bởi vì, lúc bấy giờ, chúng tôi không có trong tay các bộ từ điển song ngữ chuyên ngành như sau này để tra cứu. Càng chưa làm gì có Internet, Google để có thể sử dụng phần mềm translation!

Rất may, một anh bạn cùng lớp “đào” đâu ra được cuốn Danh từ khoa học (Vocabulaire scientifique), cuốn thuật ngữ Pháp - Việt đầu tiên ở nước ta về toán, lý, hoá, sinh, cơ, thiên văn của Hoàng Xuân Hãn in năm 1942, tại Hà Nội. Nhưng, anh bạn kia giao hẹn: Chỉ trong vòng một tuần, phải mang trả lại cho anh, bởi vì, đó không phải sách của riêng anh, mà là sách anh "bí mật" cầm của vị gia sư khó tính!

Dù đang ở tuổi ham chơi, thích lên rú Anh, rú Đại Huệ hái sim chín, hay đi bơi ngoài con sông đào - "muốn tắm mát lên ngọn sông đào/ muốn ăn sim chín thì vào rú Anh" như câu ca dao quê tôi - nhưng do quá say mê toán, lý, tôi đã bỏ hết mọi thứ khác, dành hết mọi thời gian ngoài giờ học, để “bò lê bò càng” ra chép tay toàn bộ cuốn Danh từ khoa học mà, theo tôi nhớ, dày hơn 200 trang! Chỉ trong vòng một tuần! Để kịp trả sách! Chép bằng mực tím, trên giấy nứa, dưới ánh đèn dầu lạc tù mù và tiếng muỗi vo ve…

Ngoài giờ học, bọn tôi đi dạy bình dân cho bà con trong xóm, theo tài liệu Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới do GS Hãn biên soạn. Cách dạy này rất vui, giúp người học dễ nhớ, thí dụ: dạy ba chữ O, Ô, Ơ, thì dạy thêm hai câu ca dao do ông sáng tác mà đến nay tôi còn nhớ nằm lòng:

Otròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu.

Hay dạy 5 dấu thanh, thì thêm hai câu ca dao: 

Huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn.
Hỏikhom lưng đứng, ngã buồn nằm ngang. 

Hình ảnh "khom lưng đứng" và "buồn nằm ngang" thật thú vị, tài tình!

Trở lại với cuốn Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn. Nhờ có “bảo bối” ấy, tôi cùng một vài bạn trong lớp như anh Đào Vọng Đức, mới có thể dịch hàng trăm đề toán trong cuốn sách toán rất nổi tiếng thời ấy của Thạc sĩ toán Brachet, người Pháp gốc Do Thái, thanh tra học chính Đông Dương thuộc Pháp, để đưa về các tổ học tập làm thêm, ngoài các đề toán thầy ra trên lớp.

Sau này, anh Đào Vọng Đức trở thành một nhà vật lý lớn, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba. Nhiều anh khác trong lớp cũng đều trở thành giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng. Còn tôi,  một mình lạc bước vào nghề báo! Và không… thành đạt, không danh vị Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân gì gì! Nhưng biết làm sao được? “Số hữu nan đào, tri thị mệnh/ văn như vị táng dã quan thiên”!...

GS Hoàng Xuân Hãn quê ở làng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, không xa quê tôi ở Làng Xuân Hồ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Có thể nói, ông và tôi đều là đồng hương Nghệ Tĩnh, người đất Hồng Lĩnh - Lam Giang, cùng thuộc dòng dõi "thư hương". 

Về sau, khi đã vào đời, tôi tìm đọc hầu như toàn bộ các công trình nghiên cứu của La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn được Hữu Ngọc và Nguyễn Đức Hiền sưu tập, biên soạn và Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1998, dày khoảng 4.000 trang khổ lớn. Tôi tự bảo: Một "cây bút" phải để lại những tác phẩm dày dặn và sâu thẳm "để đời" như vậy đấy, chứ đâu phải viết dăm ba bài báo qua quýt theo bề nổi, hay mấy cái tin cóp nhặt đó đây, mà đã có thể sớm vênh vang lên mặt dạy đời!

Nhiều nhà trí thức nổi tiếng ở nước ta như Nguyễn Xiển, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Lân, Trần Văn Khê, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê… đã viết những bài hồi tưởng sâu sắc về học giả quá cố, xếp ông vào bậc Người Hiền.

Mặc dù ông không có cơ hội tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng trí tuệ và tâm hồn ông luôn hướng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Đêm nay, dưới ánh đèn khuya, tôi chăm chú ngồi đọc lại một đoạn trong Lời tựa cuốn Lý Thường Kiệt của GS Hãn, xuất bản năm 1949, tại Hà Nội, lúc bấy giờ đang bị quân Pháp chiếm đóng:

“Tuy sách chưa hoàn bị, vì cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc ta không cho tôi những phương tiện để khảo cứu thêm; nhưng chính cuộc tranh đấu ấy đã giục tôi vội đưa bản thảo hiến độc giả. Mong ai nấy thấy rằng lòng dũng cảm, chí quật cường ngày nay có cỗi rễ rất xa xăm. Mong ai nấy nhận thấy một cách rõ ràng, cụ thể sự nguy hiểm của một cuộc ngoại xâm, nhận thấy sự lo việc nước không phải chỉ ở đầu lưỡi, mà cần hết cả lòng hy sinh, trí sáng suốt để xếp đặt, tính toán. Đọc xong đoạn sử này, độc giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông chúng ta đã đủ tài năng, nghị lực để gìn giữ khoảnh đất gốc cội của tổ quốc ta ngày nay; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sĩ bây giờ vẫn chan hoà máu nóng của tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt. Dẫu trong nhất thời có kẻ lầm làm hại nước, hoặc con dân một nước có ý tưởng dị đồng, trước nạn bại vong, giọt máu ấy cũng đủ gây nên chí quật cường, lòng tương ái.”

Tại sao một cuốn sách xuất bản trong vùng bị địch tạm chiếm (Hà Nội, 1949) lại có thể in ra những dòng văn yêu nước cháy bỏng như vậy? Về sau, GS Hãn kể:

“Hồi tôi viết quyển sách đã có sở kiểm duyệt của Pháp rồi, nhưng chính người Việt Nam làm ở đấy không dám kiểm duyệt, cho nên cuốn sách lúc đó mới ra được.”

Theo Hàm Châu
Dvt.vn