Gieo chữ Việt ở xứ Đài
Ngắm những cô, cậu học trò người nước ngoài mê mải uốn lượn nét phấn những từ "máy bay", "xe buýt", "xích lô" rồi cùng tròn miệng hội thoại: "Bạn đi bằng gì?", "Nhà bạn ở đâu?"... ở nơi cách xa dải đất hình chữ S nhiều giờ bay, trong tôi dâng trào một cảm xúc đặc biệt.
Ở Trường Trung học quốc tế Đại Viên, đảo Đài Loan (Trung Quốc) mới khánh thành này, cùng với ngôn ngữ chính là tiếng Hán, còn có 6 ngôn ngữ khác như: Nhật, Anh, Pháp… được sử dụng nhưng nhiều học sinh ở đây đã chọn tiếng Việt làm ngôn ngữ thứ hai của mình. Học thêm ngôn ngữ, hiểu thêm về một nền văn hóa và cũng từ cách truyền đạt của cô giáo Nguyễn Liên Hương, ngày càng thêm nhiều học sinh quốc tế ở trường đăng ký tham gia học tiếng Việt.
"Thêm một cơ hội"
Đó là điều mà ông Chung Ting - Kuo, Hiệu trưởng Trường Trung học quốc tế Đại Viên cùng các em học sinh theo học tại lớp cô giáo Liên Hương liên tục nhấn mạnh khi nói về lớp học tiếng Việt ở trường. Ngôi trường mới được khánh thành hơn một năm nay, nằm gần sân bay quốc tế Đào Viên và được đầu tư theo chuẩn quốc tế. Khu vực Đào Viên có khoảng 8.000 gia đình cô dâu Việt, việc mở môn học tiếng Việt, nhà trường cũng hướng đến cho người dân thêm hiểu để tăng cường quan hệ với Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp ở đảo Đài Loan đầu tư tại Việt Nam ngày càng nhiều, bởi vậy, việc phát triển tiếng Việt, con em xứ Đài biết tiếng Việt cũng là một lợi thế, một cơ hội trong làm ăn, buôn bán.
Cùng với suy nghĩ này, em Quân Dĩ, 16 tuổi, lớp trưởng lớp học tiếng Việt, cho biết, gia đình em có người đầu tư hàng may mặc ở Việt Nam, nên việc học tiếng Việt rất cần thiết. Mỗi khi gặp người Việt Nam, Dĩ đều cố gắng bắt chuyện để rèn luyện khả năng phát âm của mình.
Với Allen, cậu học sinh người Đức thì khác. Sang học ở trường theo diện trao đổi hợp tác giáo dục trong trường, cùng với học chữ Hán, học sinh phải học thêm một ngôn ngữ nữa, vì tiếng Việt là môn học mới, nên em đăng ký tham gia. Allen học được 6 tháng rồi, mới đầu chỉ học cho biết, nhưng thấy cách cô giáo Liên Hương giảng, cậu mê luôn.
Thầy Chung Ting - Kuo, Hiệu trưởng trường cho biết, mới đầu phát triển lớp tiếng Việt này lo lắm. Nếu như tiếng Anh, Pháp thì không ngại, vì ngôn ngữ ấy thông dụng ở Châu Âu, còn tiếng Việt thì lo không có học sinh. Nhưng giờ, tổ chức được lớp học hơn 20 em học sinh quốc tế, vậy là mừng rồi. Sắp tới, nếu số em đăng ký tham gia học đông, nhà trường sẽ mở thêm 2, 3 lớp nữa. Chúng tôi rất cảm ơn cô giáo Liên Hương đã nhận lời đến giảng ở trường, dù từ chỗ cô ở đến đây cũng hơn 100km.
Cái duyên đến với nghề
Theo cô giáo Liên Hương về Trường Đại Viên, chị tâm sự đến với nghề dạy học này ở xứ Đài cũng tình cờ. Năm 2005, sang học thạc sĩ ở Đài Bắc, thấy mình có vốn ngoại ngữ khá, cô bạn thân bên này hỏi: "Có muốn đi làm không?", thế là gật đầu. Vậy là đến với nghề dạy học. Khi đó, đi dạy tiếng Việt cho người Đài chỉ vì có nhiều thời gian, hơn nữa mình không có học bổng, dạy thêm để tự trang trải cho cuộc sống bản thân.
- Nhưng đâu phải ai cũng có thể dạy học được - Tôi cắt ngang lời chị.
- Thực ra, kinh nghiệm dạy học của mình cũng đã có từ khi mới ra trường. Năm 1994, tốt nghiệp đại học, vốn tiếng Anh khá, mình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Hà Nội nhưng bỏ bẵng suốt 10 năm khi làm ở Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam. Sang đến đây, vừa học vừa dạy, dần thấy ham.
Liên Hương kể, mới đầu dạy tiếng cho doanh nhân người Đài có quan hệ làm ăn buôn bán với Việt Nam. Khi ấy phải tìm đọc các giáo trình giảng dạy tiếng Việt ở nhà rồi cải biên, bổ sung, soạn lại cho hợp với trình độ và cách học của người nước ngoài.
Với họ, phát âm là khó nhất, bởi vậy khi giảng cũng phải cố nói chậm, chuẩn để cho mọi người hiểu.
Bây giờ, công việc hằng ngày của cô giáo Liên Hương rất bận. Ra trường, tạo dựng cuộc sống bên này, đến giờ chị có 3 cháu, con trai 5 tuổi, 2 con gái sinh đôi gần 2 tuổi. 5 năm trước, chị chính thức giảng dạy ở Trường Đại học Đài Loan, có chương trình dạy riêng ở đại học chính trị bên này, đồng thời kiêm thêm việc trong tổ chức thúc đẩy tiếng Việt của ngành giáo dục ở đảo Đài Loan.
Chị tâm sự, với mình bây giờ, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã trở thành niềm say mê. Qua việc dạy tiếng, mình cũng lồng ghép về lịch sử, văn hóa, đất nước con người Việt Nam giới thiệu với các bạn. Với mỗi đối tượng học phải soạn giáo trình khác nhau cho phù hợp. Học sinh của mình có nhiều quốc tịch khác nhau như Nhật Bản, Đức, Trung Quốc… Mặc dù, thời gian bận thật, nhưng nếu như người nước ngoài có nhu cầu, mình cũng đều tìm cách hỗ trợ, sắp xếp. Thêm một người hiểu tiếng Việt nghĩa là có thêm một kênh để quảng bá, giới thiệu về đất nước, quê hương mình.
Điều băn khoăn, mong muốn của cô giáo Hương bây giờ là được dạy, được giới thiệu nhiều hơn về ngôn ngữ, văn hóa của Việt Nam đến với những gia đình có con dâu Việt. Hiện tại, ở Đài Loan có khoảng 120 nghìn cô dâu Việt, chiếm khoảng 50% số cô dâu nước ngoài có mặt ở hòn đảo này. Đáng buồn là hiện nay, nhiều cô dâu Việt không quan tâm, sát sao đến việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con cái mình. Nhiều cô dâu phân trần rằng, nói thế sợ trong gia đình không hiểu, tưởng là nói xấu ai đó. Rồi mình phải giải thích, nếu như người mẹ nói một câu tiếng Việt với con rồi nói nghĩa theo tiếng Trung, chắc chắn sẽ hiệu quả.
Chia tay cô giáo Liên Hương khi lớp học tiếng Việt ở Trường Trung học quốc tế Đại Viên bước vào tiết thứ hai. Cả lớp rộn lên tiếng nhóm bạn nước ngoài luyện tập hội thoại tiếng Việt. Rời lớp học ấy, trong tôi nhiều cảm xúc và tự hào khi ngôn ngữ Tổ quốc mình đang tiếp tục được gieo mầm để một ngày nào đó không xa sẽ tìm được chỗ đứng nơi xứ người.