Giật mình học trò tiêu tiền
(Dân trí) - Thiếu hụt thời gian chăm sóc con, nhiều gia đình bù đắp tình cảm bằng cách cho con tiền thoải mái chi xài. Việc “dư tiền” và thiếu sự quản lý là nguyên nhân một bộ phận học sinh sa vào các tệ nạn xã hội.
Tiền chủ yếu để “làm đẹp”
Theo khảo sát từ chương trình, thanh thiếu niên được cha mẹ cho tiền tiêu vặt bình quân từ 50.000 đến 300.000 đồng/tuần. Trong đó, một số nhóm HS “con nhà giàu” tại một số trường THPT dân lập quốc tế, Lê Quý Đôn, Marie Curie… có đến 36% HS được PH cho 3 - 5 triệu đồng/tháng để tiêu vặt và có đến 25% HS có mức tiêu vặt lên đến 500.000 đồng ngày.
1/3 HS cho biết số tiền bố mẹ cho không đủ chi xài nên các em gặp khó khăn về tiền bạc khi cần chi tiêu đột xuất. Và khi đó nhiều em ứng phó bằng cách vay mượn của người thân, bạn bè.
Đa số “con nhà giàu” dùng tiền tiêu vặt vào việc mua sắm thời trang chiếm 44%, vui chơi, giải trí 35% và chỉ 21% số tiền được dùng cho việc học.
Theo đánh giá của chương trình, các em chi dùng nhiều nhất cho hình thức bên ngoài (thời trang, mỹ phẩm…) cũng như chi nhiều cho việc ăn uống, vui chơi với bạn bè ở những nơi sang trọng vì cho rằng đó là cách khẳng định giá trị bản thân.
Một nữ sinh học lớp 11 khẳng định: “Hồi nhỏ em mặc quần áo, đồ dùng do mẹ mua nhưng giờ tự mình lựa chọn nên phải trực tiếp chi tiền. Em thường xuyên mua quần áo, giày dép và đồ dùng mới “xịn” hơn cái trước nếu không rất “quê”. Vì thế, dù hàng tuần bố mẹ cho tiền tiêu khá nhiều (trên 400.000 đồng) nhưng HS này thường xuyên tiêu quá nên vẫn phải liên tục xin thêm.
Phụ huynh chi tiền, quên quản lý
Theo phỏng vấn của Save the Children với các PH của Trường THPT Marie Curie và Nguyễn Du năm 2010, đa số PH cho con tiền tiêu vặt ước tính trên chi phí cần tiêu xài của con. Thế nhưng, rất ít PH kiểm tra xem con có sử dụng tiền đúng mục đích hay không.
PH được hỏi đều cho rằng việc giáo dục con cái biết về giá trị đồng tiền, biết quý công sức, hiểu được vất vả của bố mẹ để kiếm tiền là rất cần thiết. Nhưng lại rất ít PH kiểm tra xem con sử dụng tiền đúng mục đích hay không.
Bà Trần Thị Huế, cán bộ Save the Children cho hay, có hai xu hướng trái ngược trong quan điểm của PH về việc cho con tiền. Một là kiểm tra chặt chẽ, không có con quản lý tiền vì nghĩ rằng con còn nhỏ, không nên quan tâm đến tiền bạc. Ngược lại, một số PH cho con tiền nhưng không quan tâm việc con mình chi xài như thế nào.
Theo khảo sát, chỉ 31% em đã có hoặc từng thảo luận với cha mẹ về việc chi tiêu của mình, còn 2/3 HS chưa bao giờ chia sẻ với bố mẹ về quản lý ngân sách vì các em rất ngại việc giải trình chi tiêu.
Nhiều HS chia sẻ rằng, do cha mẹ làm việc quá bận rộn nên họ nhận được tiền chi tiêu nhưng không có sự giám sát hoặc hướng dẫn từ bố mẹ. Các em sử dụng tiền mà không bao giờ cần suy nghĩ tiền ở đâu mà có và đơn giản là xin tiền mỗi khi cần hay có nhu cầu.
"Việc được bố mẹ cho nhiều tiền tiêu xài nhưng không có kiến thức hay kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc nên nhiều em chi tiêu số tiền lớn và không có giới hạn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều cho kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành", bà Huế nhấn mạnh.
Bà Huế đánh giá, PH chưa nhận thức được những rủi ro hay hậu quả đưa tiền cho trẻ mà thiếu sự định hướng, chỉ dẫn của người lớn. Thiếu sự giám sát và hướng dẫn chi tiêu cùng thời gian rảnh cũng như thiếu kiểm soát, con trẻ rất dễ đua đòi cũng như sử dụng ma túy. Với những PH hiểu việc giáo dục tài chính cho con là cần thiết nhưng lại lúng túng không biết phải dạy con như thế nào vì bản thân họ cũng chưa từng được dạy cách quản lý tài chính cá nhân.
Ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng, việc HS chi xài tiền là vấn đề xã hội khi từ đồng tiền các em có thể sa vào các tệ nạn, có trường hợp thanh niên giết người thân để có tiền chi xài. Việc giáo dục quản lý tài chính cho HS cũng như PH là điều rất cần thiết bởi đó là một trong những kỹ năng sống quan trọng giúp các em chuẩn bị tốt cho tương lai, giảm thiểu rủi ro và tăng sự hiểu biết về giá trị của sức lao động và đồng tiền.
Hoài Nam