Giáo viên Trung Quốc bị kỷ luật khi có học sinh bị điểm kém
(Dân trí) - Gần đây, cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ với việc các giáo viên ở tỉnh Vân Nam có học sinh điểm kém đã bị kỷ luật và ghi tên vào "danh sách đen".
Mới đây, tại cuộc họp tổng kết kỳ học mùa xuân được tổ chức tại huyện Đại Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tám giáo viên đã bị nhắc nhở và đưa vào danh sách đen vì kết quả của học sinh xếp cuối trong bài kiểm tra cuối kỳ toàn huyện ở các môn giảng dạy.
Mặc dù trường học đều đã tiến hành đánh giá giảng dạy đối với các giáo viên nhưng giáo viên khi có thành tích không tốt lại bị đưa vào danh sách đen, điều này ngay lập tức gây ra sự chú ý rộng rãi trong dư luận.
Vậy tại sao mọi người lại quan tâm đến vấn đề này đến vậy?
Chúng ta đều biết rằng, ngay cả khi học sinh được dạy bởi cùng một giáo viên thì điểm số cũng khác nhau rất nhiều, có bạn đạt điểm tối đa nhưng có bạn lại bị điểm kém, đây chính là sự khác biệt giữa các cá nhân.
Thừa nhận sự khác biệt ở học sinh là điều cơ bản của những người làm giáo dục. Nhưng điều kỳ lạ là ở một số trường, các lãnh đạo đã công khai lập danh sách đỏ và đen, giáo viên có học sinh nhận điểm xuất sắc thì nằm trong danh sách đỏ, ngược lại, giáo viên có học sinh bị điểm kém nằm trong danh sách đen.
Đầu tiên, giáo viên là nhóm người có ít tiếng nói nhất trong trường. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã quy định rõ rằng không trường nào được xếp hạng hay công bố điểm học sinh, nhưng điều kỳ lạ là các trường lại ngang nhiên dùng điểm học sinh để xếp hạng giáo viên.
Điều quan trọng nhất là mọi việc đều do người đứng đầu quyết định và giáo viên không có quyền lên tiếng, các trường đều cho rằng việc công bố thứ hạng của giáo viên là bình thường và họ cũng không thể làm gì được.
Bên cạnh đó, các trường vẫn đánh giá giáo viên dựa vào kết quả học tập của học sinh mặc dù điều này là không khoa học.
Từ lâu, cách đánh giá giáo viên của hầu hết các trường là nhìn vào điểm học sinh, nếu học sinh đạt điểm cao thì họ cho rằng giáo viên có trình độ giảng dạy tốt và biết cách quản lý học sinh. Nếu học sinh bị điểm thấp thì có nghĩa là giáo viên chưa hoàn thành tốt công việc và dạy kém.
Chính vì lãnh đạo nhà trường gây quá nhiều áp lực mà nhiều giáo viên phải sử dụng một số phương pháp đặc biệt để nâng cao thành tích của mình, bao gồm việc giao một lượng lớn bài tập về nhà, lấy đi thời gian rảnh rỗi của học sinh, đưa ra hình phạt cả về thể chất lẫn tinh thần,…
Các lãnh đạo của trường chỉ coi trọng kết quả, vì vậy, giáo viên phải để kết quả của học sinh mình nói lên điều đó.
Thứ ba, hệ thống đánh giá sẽ quyết định hướng đi của giáo dục, cách đánh giá học sinh và giáo viên này sẽ chỉ khiến nền giáo dục ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Một số nhà giáo dục cho rằng, nếu tiếp tục làm như hiện nay thì nhiều giáo viên sẽ chỉ sử dụng điểm số để đánh giá học sinh mà không quan tâm đến sự phát triển của chúng ở các khía cạnh khác.
Nếu phương pháp đánh giá này không được cải cách, gánh nặng đối với học sinh trong tương lai sẽ càng nặng nề hơn, những áp lực tưởng chừng như dồn lên người giáo viên cuối cùng sẽ lại đặt lên vai học sinh.
Ngày nay, bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình đạt điểm cao nên họ thích dùng điểm để "định nghĩa" giáo viên, họ cho rằng điểm tốt là nhờ giáo viên giỏi, nếu không thì sẽ do giáo viên dạy kém.
Trường học cũng vậy, vì tỷ lệ trúng tuyển và thành tích của trường thì họ cũng phải dùng điểm số để nói lên điều đó, từ đó tạo áp lực cho giáo viên.