Giáo viên nhận định: Đề Ngữ Văn hay, sâu lắng và có tính phân loại cao
(Dân trí) - Không có những vấn đề mang tính thời sự trong đề như dự đoán ban đầu của nhiều người nhưng đề văn năm nay vẫn được đánh giá là hay, bất ngờ và có tính phân loại cao nhất từ trước đến nay.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh, Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội):
Tôi nghĩ đây là đề vừa sức với học sinh học ở mức độ trung bình trở lên, đối với học sinh học yếu sẽ hơi khó và những em muốn đỗ với mức điểm cao hơn cần phải có sự ôn luyện tốt, sự thông minh khi học.
Các câu hỏi vừa bao quát được nhưng cũng đòi hỏi sự phân hóa rất rõ. Tôi cho rằng, đề này khá hay, không đánh đố gì cả, thậm chí rất truyền thống, đúng là nhiều em khi đọc đề sẽ bất ngờ, sự bất ngờ không phải là đề khó mà các em quen mấy năm gần đây đoạn văn của tác phẩm được trích ra, các em dựa trên đoạn trích đó để làm nhưng đề năm nay lại yêu cầu về tình huống của một tác phẩm thì có thể với những em học không chắc sẽ thấy bối rối.
Đề không khó nhưng hình dung đề của nhiều học trò có thể khác với các năm trước nên chắc các em sẽ phải mất 10 – 15 phút định thần trong phòng thi mới làm được. Có thể nói, sự kiên quyết đổi mới để phân hóa đã thể hiện rất rõ trong đề năm nay. Và theo tôi, năm nay, môn Văn vẫn sẽ có điểm rất cao nhưng ngược lại cũng sẽ có nhiều điểm trung bình, 5- 6 điểm.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy, Giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)
Đề văn năm nay đảm bảo những kiến thức phổ thông, không nằm ngoài chương trình, đảm bảo cho các em ôn luyện theo đúng chương trình chuẩn, có thể làm được bài ở mức độ trung bình. Và chỉ cần có thêm kỹ năng thì có thể đạt được ở mức khá.
Theo tôi, đề có sự phân loại học sinh rất rõ vì để đạt được mức điểm giỏi, các học sinh cần có sự tư duy, những suy ngẫm riêng về đề, thoát khỏi cảm giác học thuộc kiến thức.
Đề văn năm nay không đề cập trực diện vào các vấn đề thời sự nhưng theo tôi đề văn đã có tính xã hội, tính chất xã hội không nhất thiết phải thể hiện quá trực tiếp và phô. Tính chất xã hội được thể hiện khéo léo qua các hình tượng nghệ thuật, qua các vấn đề của văn bản tác phẩm.
Thực ra cái lâu đời của văn chương chính là như thế, nó không chỉ có giá trị ở một thời khắc nào đấy mà nó phải có tính thời sự, luôn mang tính thời sự để mỗi học sinh tiếp cận những vấn đề thời sự. Ở thời điểm này các bạn ấy có liên tưởng đến câu chuyện, hình tượng nghệ thuật, nhân vật, chi tiết, hình ảnh đã trở thành ám ảnh trong các tác phẩm của mình. Ví dụ khi đề văn ra về bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ khơi dậy tình yêu đất nước, giá trị văn hóa của dân tộc, tôi cho rằng đấy là một đề thi hay và sâu lắng.
Ở phần sau đọc hiểu, khi nói về việc thoát ra được cái tuyệt đối cá nhân, các em cũng sẽ liên hệ tới những câu chuyện đã có rất nhiều những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền và những công việc thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cho rằng từ những cái muôn đời mà nói về cuộc đời của các em bây giờ thì đó là một đề văn hay, tôi đánh giá cao nội dung đó của đề văn năm nay.
Đối với học sinh Trường THPT Chu Văn An, với những em thiên về ban C, ban D tức là được học văn ở chương trình nâng cao, tôi nghĩ rằng với đối tượng học sinh này, các em sẽ giải quyết tốt đề bài. Tuy nhiên với các học sinh của ban A, với câu hỏi cách hỏi truyền thông câu 2 phần làm văn, các học sinh sẽ có một chút lúng túng.
Nhật Hồng (ghi)