Giáo viên nghề “chạy bữa”

Đồng lương ít ỏi khiến một số giáo viên bỏ nghề, số khác trụ lại với nghề phải làm cùng lúc nhiều việc để kiếm thêm. Nhà trường biết nên cũng du di để thầy cô đứng lớp.

Cô Đoàn Hồng Hải Vân, giáo viên dạy nghề may tại Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn, cho biết lương giáo viên dạy nghề của cô chỉ chiếm 3/10 tổng thu nhập hằng tháng. Ngoài công việc tại trường, cô Vân phải thuê nhân công may đồ tại nhà. Đây mới là phần chính trang trải cho cuộc sống.

Đồng lương nghề giáo không đủ trang trải, cô Đoàn Hồng Hải Vân
Đồng lương nghề giáo không đủ trang trải, cô Đoàn Hồng Hải Vân (đứng) phải làm thêm ở nhà.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giáo viên dạy nghề bánh và bếp tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, cho biết đang dạy thỉnh giảng ở một số trường khác ngoài công việc chính. “Mình đi giảng còn làm đúng chuyên môn chứ một số đồng nghiệp khác phải làm thêm cho công ty này, công ty nọ. Phải làm thêm chứ đồng lương không đủ sống” - cô nói.

Thầy Đỗ Văn Bắc, phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề và xây dựng FICO, than: “Trường tuyển về năm kỹ sư silicat, được một thời gian đã đi hết ba người”. Thường các công ty thích tuyển giáo viên xây dựng làm chuyên viên công trình hoặc giám sát. Thầy cô dạy nghề ngoài bị các công ty “rước đi”, còn tự đầu quân lên cấp cao hơn: một số học lên thạc sĩ rồi đầu quân vào các trường đại học. “Cứ 3-4 năm trường lại có một đợt thay đổi về nhân sự do sự ra đi này” - thầy Bắc nói.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - phó trưởng phòng đào tạo Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, chia sẻ: “Trường lúc nào cũng treo bảng tuyển vì thiếu giáo viên. Cứ hễ tuyển được giáo viên mới lại có giáo viên cũ rời trường. Vấn đề chủ yếu vẫn là lương”.

Lương thấp do đủ nguyên nhân nhưng quan trọng vẫn do đầu vào. Thầy Trương Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trung tâm Dạy nghề Q.11, cười khổ: “Trung tâm mỗi năm chỉ thu hút hơn 1.000 học viên. Học phí từ số lượng học viên này không đảm bảo thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Vậy nên đôi khi giáo viên bận rộn với các vị trí thỉnh giảng mà chưa chuyên tâm vào công việc của trường thì trường phải thông cảm”.

“Tôi từng nhận được nhiều lời mời về đứng bếp ở các khách sạn với mức lương gấp ba lần công việc hiện tại. Tôi biết nhiều giáo viên trong nghề khác cũng có những lời mời như vậy. Cho nên, chỉ những ai còn yêu nghề mới cố trụ lại” - cô Hoàng Oanh chia sẻ.

Để ứng phó với tình trạng biến động trên, nhiều trường nghề đã có những nỗ lực để giữ và bổ sung giáo viên, ổn định tình hình đào tạo của trường.

Nhiều trường chủ động gia tăng loại hình dịch vụ, chất lượng đào tạo để thu hút học viên và thu hút các gói đào tạo liên kết. Trung tâm Dạy nghề Q.2 song song với công tác đào tạo trực tiếp các nghề sơ cấp, đã mở thêm các dịch vụ đào tạo liên kết với các trường đại học, đào tạo nghề ngắn hạn cho các công ty, tận dụng điều kiện sân bãi để đào tạo lái ôtô... tăng nguồn thu.

Nhưng tất cả chỉ là giật gấu vá vai. Để ngành dạy nghề mạnh, thầy cô dạy nghề phải sống được. Như vậy cần có chính sách hợp lý bền vững chứ không thể để họ “chạy bữa” như thế này.

Theo Ngọc Trường
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm