Nghệ An:

Giáo viên miền biên viễn “kêu trời” vì… phụ cấp bị cắt giảm?

(Dân trí) - Rất nhiều giáo viên tại huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An đang kêu than vì phụ cấp bị cắt giảm. Các giáo viên cho biết, họ đã và đang khó khăn thì nay phụ cấp tiếp tục bị cắt giảm, làm cho đời sống giáo viên cắm bản thêm khốn đốn.

Giáo viên kêu trời vì bị cắt trợ cấp.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi Nghị định 61 và 116 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực. Thì nhiều giáo viên tại huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đồng loạt kêu khó và cho rằng so với mặt bằng chung, điều kiện công tác của họ rất khó khăn, việc cắt giảm các khoản phụ cấp đã làm cuộc sống họ bị đảo lộn.

Miệt mài gieo chữ trên non

Có mặt tại Trường Tiểu học Hữu Lập, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào những ngày bắt đầu mùa nắng nóng - nơi đây cách TP Vinh hơn 300 km nên không khí càng thêm ngột ngạt hơn bao giờ hết. Đón chúng tôi, thầy cô Trường Tiểu học Hữu Lập đã có dịp nói lên tâm tư nguyện vọng của mình.


Các giáo viên Trường Tiểu học Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An trao đổi với PV.

Các giáo viên Trường Tiểu học Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An trao đổi với PV.

“Tôi công tác ở cái huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn này hơn 30 năm rồi. Nghề giáo với tôi trên mảnh đất Kỳ Sơn này chỗ nào cũng có dấu chân tôi và cái cảnh đi dạy ở cái huyện này này thì vô cùng gian nan vất vả. Chừng ấy năm đi dạy, nay cũng bị truy thu hơn 2,6 triệu đồng do liên quan đến việc cắt giảm phụ cấp đó nhà báo à”, một thầy giáo cho biết.

Ở ngôi trường cạnh dòng Nậm Mộ này, có trên 90% giáo viên là người đồng bằng, thậm chí là người “chuẩn phố”, người công tác ít nhất là 9 năm, còn người nhiều nhất cũng ngót 30 năm. Mặc dù vậy, với niềm tự hào gieo chữ giữa đại ngàn họ chẳng hề ngại khó, kêu ca, trái lại còn tự bỏ công, bỏ sức trèo đèo lội suối vận động các em trở lại trường học. Điều nhân văn ấy luôn được nhà nước, phụ huynh và học sinh ghi nhận.

Thế nhưng, đầu năm 2017, chính những giáo viên ở mảnh đất Kỳ Sơn này nhận được thông báo sẽ bị cắt giảm một phần trợ cấp vì ngôi trường họ đang công tác đã “hết khó khăn”.

Cô Phạm Thị Hương (áo sọc, giáo viên trẻ) và cô Trần Thị Thảo (áo đen, giáo viên hơn 20 năm công tác) chia sẻ cùng với PV.
Cô Phạm Thị Hương (áo sọc, giáo viên trẻ) và cô Trần Thị Thảo (áo đen, giáo viên hơn 20 năm công tác) chia sẻ cùng với PV.

Số tiền bị cắt giảm cũng khác nhau, người giảm nhiều thì 2,5-3 triệu/1 tháng, người thấp thì cũng gần một tháng lương cơ bản (tức từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/1 tháng). Và cũng bắt đầu từ đây, cuộc sống họ đã bị đảo lộn, số tiền tưởng chừng là nhỏ kia đã kéo theo bao khó khăn cho những giáo viên mà khi nhắc đến địa bàn công tác mà người miền xuôi cảm thấy “rùng mình” vì vất vả.

Cô giáo Trần Thị Thảo - Hiệu phó Trường Tiểu học Hữu Lập - người đã 23 năm công tác tại miền núi cao huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 2/2017, chúng tôi được thông báo và chính thức cắt giảm một số khoản phụ cấp vì ngôi trường chúng tôi đang công tác thuộc bản “thoát nghèo”. Bản thân tôi là giáo viên công tác ở miền núi 23 năm, so với giáo viên miền xuôi, chúng tôi có thêm một số phụ cấp của địa phương đặc biệt khó khăn, nhưng giờ thì đã bị cắt”.

Các giáo viên ở đây cho biết, họ đang bị cắt giảm một số chế độ nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt cũng như công tác giảng dạy.
Các giáo viên ở đây cho biết, họ đang bị cắt giảm một số chế độ nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt cũng như công tác giảng dạy.

Theo cô Thảo, thì cô bị cắt phụ cấp gần 2 triệu đồng/tháng. Cũng như cô Thảo, thầy Trần Sỹ Hà - Hiệu phó Trường Tiểu học Hữu Lập cũng bị cắt thâm niên từ tháng 1/2017. “Ngày chưa cắt, thì mỗi tháng tôi được thêm 1,2-1,5 triệu đồng. Và tôi cảm thấy thiệt thòi quá”, thầy Hà chia sẻ.

Hay như cô Nguyễn Thị Hồng M., gốc ở thành phố Vinh vì tình yêu học sinh với mong muốn đưa con chữ tới các em ở mảnh đất khó khăn này nên khi ra trường cô xin lên Kỳ Sơn để gieo chữ. Thấm thoát 12 năm trôi qua với cô M. cũng khá nhanh và câu chuyện gieo chữ ở mảnh đất này như ăn sâu vào tâm trí của cô. Từ một cô gái thành phố chính gốc mới ngày nào đó lên nhận công tác, thì nay cô như người trên bản và cũng chẳng buồn về xuôi làm gì nữa.

“Tôi công tác ở miền núi Kỳ Sơn đã 12 năm nay rồi. Những năm trước được Nhà nước quan tâm còn có đồng ra đồng vào, nay thì cắt hết chế độ cũng cảm thấy buồn lắm”, cô M. tâm tư.

Nhiều giáo viên ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn đang bị cắt trợ cấp bức xúc trình bày với PV.
Nhiều giáo viên ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn đang bị cắt trợ cấp bức xúc trình bày với PV.

Có những giáo viên dạy từ bản làng này sang bản làng khác ở vùng giáp ranh biên giới, vùng khó khăn… hằng chục năm qua. Thấy được sự vất vả của thầy cô có thâm niên cắm bản gieo chữ, thì nay được ra cái chỗ gần hơn một chút đã bị cắt phụ cấp. Như trường hợp cô Lương Thị Tâm, trú bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) - cô Tâm hơn 20 năm làm nghề gõ đầu trẻ, bản thân chồng cũng chưa có việc làm, nuôi hai con nhỏ cũng bị cắt phụ cấp gần 2 triệu đồng/tháng.

Là một trong những giáo viên trẻ nhất của Trường Tiểu học Hữu Lập, nhưng cũng có gần 10 năm “cắm bản” cô Phạm Thị Hương (SN 1986) chia sẻ:

Bảng lương hàng tháng của các giáo viên cũng bị sụt giảm.
Bảng lương hàng tháng của các giáo viên cũng bị sụt giảm.

“Là người miền xuôi, học xong lên mảnh đất Kỳ Sơn công tác. Những năm mới ra trường, tôi công tác tại một điểm trường lẻ của xã Huồi Tụ. Cái thời đó, ở Huồi Tụ thì vô cùng gian nan vất vả nhưng không hề nao núng, kêu ca gì cả vì mình cứ nghĩ đã làm nghề này thì chỉ có cống hiến.

Thời gian thấm thoát cũng quá nhanh, mới đó mà nay đã được gần 10 năm rồi. Thấy được sự vất vả và cống hiến tuổi trẻ, nên lãnh đạo huyện phân công tôi ra ngôi trường mới (Trường Tiểu học Hữu Lập). Ra Hữu Lập có 5 điểm trường, và toàn điểm rất khó khó khăn, năm vừa rồi tôi được chuyển về điểm chính, thì năm nay nguồn phụ cấp bị cắt giảm, vì điểm trường chính nằm trong bản đã thoát nghèo”.

Cùng với nỗi buồn của cô Hương, còn có 22 giáo viên khác của Trường Tiểu học Hữu Lập cũng bị cắt giảm phụ cấp.

Đến tiền trợ cấp cũng… chậm

Không chỉ riêng tiền phụ cấp của giáo viên cũng bị cắt giảm, mà ngay cả những nguồn trợ cấp khác của giáo viên vùng cao này cũng bị chậm rất lâu. Cụ thể, các khoản phụ cấp như thâm niên, lâu năm, chuyển vùng…giáo viên ở đây mới chỉ nhận đến tháng 2/2016.

“Các khoản phụ cấp, tháng trước thông báo, tháng sau cắt. Còn các khoản chậm chế độ cho giáo viên thì nợ đến gần năm, chúng tôi còn có cuộc sống và gia đình nữa….”, các giáo viên buồn bã cho biết.

Trường Tiểu học Hữu Lập - nơi có 23 giáo viên bị cắt trợ cấp.
Trường Tiểu học Hữu Lập - nơi có 23 giáo viên bị cắt trợ cấp.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều giáo viên đang công tác ở huyện biên giới Kỳ Sơn phản ánh việc bị cắt, giảm các khoản phụ cấp từ đầu năm 2017 là quá thiệt thòi và đang gây tâm lý không tốt. Bản thân họ là những người từ miền xuôi, đồng băng lên vùng núi cao này để dạy chữ. Việc họ lên đây công tác không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà hơn hết là truyền thụ kiến thức cho các em, mong các em không còn cảnh thất học… Và việc những “gói” phụ cấp thêm cho vùng đặc biệt khó khăn là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, đến nay thì nguồn trợ cấp đang bị cắt, bởi vì địa phương của họ công tác đã “thoát nghèo”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Từ đầu năm 2017, nhiều giáo viên vùng cao của huyện bị cắt, giảm một số khoản phụ cấp là thực hiện theo Nghị định 61 và Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Không chỉ riêng giáo viên của Trường Tiểu học Hữu Lập, mà từ đầu năm 2017 toàn huyện có 16 bản của 6 xã cũng bị cắt do đã “thoát nghèo”?. Do vậy, chiếu theo các Nghị định họ không thuộc diện khó khăn nữa. Tuy nhiên, so với các vùng khác thì những giáo viên vùng cao của chúng tôi vẫn rất thiệt thòi, số tiền bị cắt giảm ấy cũng là cả một vấn đề”.

“Hiện huyện đang tạm dừng chưa chi trả cho các giáo viên. Nhưng chung quy lại còn một số giáo viên phải thiệt thòi vì họ phải đi lại xa xôi vất vả. Còn đối với tiền học sinh chậm (tiền hỗ trợ chi phí học tập) là do các Nghị định chuyển tiếp (Nghị định 49, sửa đổi 74 và có thêm Nghị định 86). Bên cạnh đó, chế độ học sinh chậm một phần do TW cấp về rất muộn”, ông Hoa cho biết thêm.

Từ đầu năm 2017 toàn huyện Kỳ Sơn có 16 bản của 6 xã cũng bị cắt do đã “thoát nghèo”?
Từ đầu năm 2017 toàn huyện Kỳ Sơn có 16 bản của 6 xã cũng bị cắt do đã “thoát nghèo”?

Được biết, tính đến thời điểm này toàn huyện Kỳ Sơn có 172 thôn, khối, bản thuộc 21 xã, thị trấn vẫn đang thuộc diện xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và 24 thôn, khối, bản thoát khỏi cảnh “hộ nghèo”.

Theo Nghị định 116 thì những vùng thoát khỏi dự án 135, xóa được nghèo thì phụ cấp ưu đãi chỉ còn dưới 50% (trước trên 70%). Với xã Hữu Lập có 6 bản nhưng đã “thoát nghèo” được 3 bản nhưng có 3 bản đặc biệt khó khăn.

Trường Tiểu học Hữu Lập có 23 giáo viên không được hưởng chế độ nói trên. Bên cạnh đó, các giáo viên ở đây còn phản ánh, việc tiền nhà nước đãi ngộ cho giáo viên cũng bị ngâm năm này qua năm khác; tiền tàu xe cũng bị ngâm 4 tháng với lý do mà lãnh đạo nói là chưa có nguồn.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm