Giáo viên gửi 7 mong ước tới Bộ trưởng GD&ĐT trước buổi gặp gỡ lịch sử

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Là một giáo viên lâu năm trong nghề, ThS Nguyễn Quang Thi đã gửi 7 mong ước tới chương trình "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" diễn ra ngày mai 15/8.

Giáo viên gửi 7 mong ước tới Bộ trưởng GDĐT trước buổi gặp gỡ lịch sử - 1

Nhà giáo Nguyễn Quang Thi và học sinh Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một ngày nữa (15/8), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD&ĐT năm 2023. Lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu ngành giáo dục có buổi nói chuyện và trao đổi với giáo viên, nhân viên toàn ngành qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

ThS Nguyễn Quang Thi - Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng - bày tỏ, thời gian qua, giáo dục nước nhà gặt hái nhiều thành công như: Hệ thống trường lớp được xây dựng khang trang sạch đẹp từ mầm non đến đại học, thiết bị dạy học phong phú và đa dạng để hỗ trợ giáo viên trong dạy học và soạn bài.

Cùng với đó, giáo viên được đào tạo bài bản đủ trình độ để đáp ứng công việc được giao. Ngành giáo dục Việt Nam có nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, học sinh chăm ngoan học giỏi và có nhiều huy chương trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, giáo dục nước ta vẫn còn những tồn tại, trăn trở. Qua hệ thống của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã có hơn 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng mong muốn được giải đáp.

Là một giáo viên lâu năm trong nghề rất tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, ThS Nguyễn Quang Thi đã nêu 7 điều trăn trở gửi tới diễn đàn.

Một là, tinh gọn cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 và Chính phủ quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Mọi họp hành, tập huấn, chỉ đạo chuyên môn trong giáo dục phải áp dụng công nghệ thông tin.

Nhiều cán bộ quản lý than phiền quá nhiều việc, làm mãi mà vẫn không hết việc; ThS Thi cho rằng đó là cán bộ không tin cấp dưới, việc gì cũng ôm đồm nên quá tải; cần giao việc cho cấp dưới nhưng luôn theo dõi để kiểm tra.

Bộ máy phải tinh gọn mới điều hành tốt, còn nhiều người sẽ có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Ông bày tỏ cần có quy định rõ số cán bộ quản lý ngành giáo dục ở địa phương.

Hai là, giảm phương án xét tuyển đại học để công bằng cho thí sinh. Theo luật Giáo dục đại học, khâu tuyển sinh được giao quyền cho các trường đại học. Thời gian qua, các trường đại học đưa ra nhiều phương án xét tuyển, nhiều phương án không công bằng với thí sinh về chuẩn đầu vào.

Nhiều ý kiến cho rằng xét tuyển bằng học bạ và chứng chỉ tiếng Anh nổi cộm về sự thiếu công bằng.

Giáo viên gửi 7 mong ước tới Bộ trưởng GDĐT trước buổi gặp gỡ lịch sử - 2

Việc thi cử hiện nay được đánh giá là còn nặng nề (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Trong đó, việc xét tuyển bằng học bạ được cho là không khách quan bởi mỗi giáo viên, nhà trường, địa phương, môn học... có đánh giá khác nhau. Do thương học sinh nên việc nâng điểm, nương nhẹ học sinh để làm đẹp học bạ và mong muốn học sinh mình trúng tuyển vào đại học là tâm lý chung của không ít giáo viên.

Về bất cập chứng chỉ tiếng Anh, thời gian qua, nhiều trường dùng chứng chỉ tiếng Anh (chủ yếu quy về IELTS để xét tuyển đại học) gây lo ngại về sự thiếu công bằng giữa thí sinh thành thị và nông thôn.

Học sinh các thành phố lớn rộng cửa vào đại học hơn học sinh nông thôn. Đây là bất công cho thí sinh ở nông thôn hoặc địa phương khó khăn, không đủ điều kiện tiếp cận ngoại ngữ.

Trong khi, nhìn vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ thấy rõ kiến thức các môn khác của học sinh nông thôn không thua kém gì. Theo ông Thi, chứng chỉ tiếng Anh chỉ nên quy định đầu ra khi tốt nghiệp đại học.

Ba là, cải cách sách giáo khoa (SGK). Đây là một chủ trương đúng đắn để đưa giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới. Vì vậy, trong quá trình biên soạn, cần nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn những kiến thức đưa vào SGK phải thỏa mãn là mới ở hiện tại và không lạc hậu trong tương lai.

Tuổi đời của SGK phải dài. Dù vậy, SGK theo chương trình mới vẫn còn "sạn" do khâu thẩm định chưa tốt.

Chương trình được đánh giá là còn nặng. Học sinh bậc THCS và bậc THPT mỗi buổi phải học trung bình 5 tiết, tức là một tuần phải học 30 tiết, kể cả tiết chào cờ và tiết sinh hoạt.

Một năm các em học sinh tham gia 4 đợt kiểm tra định kỳ (2 bài giữa kỳ và 2 bài cuối kỳ), phân theo số báo danh, chia theo phòng và làm đề chung; giáo viên coi và chấm tập trung. Như vậy là quá tải và gây mệt mỏi cho học sinh.

Quan điểm của Bộ cải cách chương trình mới để học sinh có một chương trình nhẹ nhàng hơn xem ra khó khả thi.

Giáo viên gửi 7 mong ước tới Bộ trưởng GDĐT trước buổi gặp gỡ lịch sử - 3

Một tiết học của học sinh TP Cần Thơ theo chương trình giáo dục mới (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Với lập luận như trên, ông Thi đề xuất môn công nghệ và tin học ở bậc THCS; môn công nghệ, môn tin học, môn giáo dục quốc phòng và an ninh chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét để giảm áp lực cho học sinh.

Bốn là, bạo lực học đường đang khá nhức nhối cho toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực rất nhiều, do đó, cần phải kết hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Muốn vậy, thầy giáo mong ước Bộ GD&ĐT kết hợp với các bộ liên quan biên soạn những tài liệu để tuyên truyền đến từng gia đình và từng trường học. Phía nhà trường, hiệu trưởng thường xuyên có bài nói chuyện để ngăn chặn bạo lực học đường.

Gia đình và xã hội, chính quyền địa phương thường xuyên đẩy mạnh phong trào gia đình văn hóa, khu phố văn hóa bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Năm là, sắp xếp lại các trường đại học. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều trường ĐH. Mỗi trường lại tuyển sinh quá nhiều; dùng nhiều chiêu thức để tuyển cho đủ số lượng. Đào tạo như vậy dẫn đến "vàng, thau" lẫn lộn. Hệ quả, sinh viên ra trường không tìm được việc làm, phải đi làm công nhân.

Nếu giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thì quy mô đào tạo còn tăng lên bất ngờ và dĩ nhiên lượng sinh viên thất nghiệp tiếp tục tăng; đồng thời học phí cũng tăng theo.

Qua theo dõi, một số trường đại họctuyển sinh đầu vào với điểm chuẩn quá thấp khó đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo nam giáo viên, đào tạo đại học là lĩnh vực chuyên sâu, nên tuyển chọn những học sinh thật sự giỏi và số lượng hạn chế. Do đó, ông kiến nghị sắp xếp và để lại khoảng 150 trường đại học.

Số còn lại đóng cửa hoặc chuyển sang trường đại học với mục đích đào tạo nghề. Ngành nghề đào tạo phải đạt chuẩn của khu vực và thế giới; cam kết đầu ra để phụ huynh yên tâm khi cho con vào học.

Sáu là, tình trạng lạm thu trong trường học. Cứ vào năm học mới, lạm thu lại trở thành vấn đề nóng. Để không còn tình trạng này, ThS Quang Thi mong Bộ GD&ĐT kết hợp với UBND tỉnh có văn bản chỉ rõ khoản nào được thu và khoản nào không được thu; mức thu mỗi khoản là bao nhiêu.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không thu học phí đối với học sinh bậc THCS và bậc THPT.

Bảy là, thi tốt nghiệp THPT của chương trình GDPT mới 2018 với ba môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Đổi mới SGK kèm theo đổi mới phương pháp giảng dạy và tiếp tục đổi mới thi cử sao cho phù hợp với năng lực của mỗi học sinh.

Quan điểm chung là học sinh học chương trình nhẹ nhàng, vì thế, việc thi cử cũng nhẹ nhàng và không áp lực. Như vậy, ông đề xuất, chương trình mới thi ba môn.

Những kiến nghị thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của chuyên gia. Độc giả quan tâm đến vấn đề này xin bình luận dưới bài viết. Trân trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm