Giáo viên dùng Facebook để quản lý học sinh

Trước những hệ lụy do mạng xã hội gây ra, mới đây, Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn về quản lý và sử dụng mạng xã hội cho giáo viên trên địa bàn để thuận lợi hơn trong việc theo dõi, quản lý học sinh ngoài thời gian ở lớp.

Gần 100 giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý, phụ trách đoàn - đội… đã tham gia lớp tập huấn về mạng xã hội. Giáo viên được trang bị các kiến thức về quản lý, sử dụng Facebook và cách định hướng cho học sinh trong việc sử dụng Facebook và các loại game online.

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô Trần Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường THCS Lê Lợi, là một trong những người đầu tiên lập Facebook để kết nối học sinh. “Facebook của tôi đa phần bạn bè là học sinh. Thông qua kênh thông tin này, tôi có thể nói chuyện với học sinh của mình như những người bạn. Các em tâm sự với tôi nhiều chuyện mà bình thường gặp trực tiếp không dám nói”. Nhờ Facebook mà cô Minh nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tính cách của từng học sinh như lòng bàn tay. “Trên Facebook, tôi lập các nhóm riêng của từng lớp để tiện trao đổi thông tin học tập. Khi cần thông báo cho lớp nào, tôi sẽ viết vào “tường” của nhóm đó. Có những trang điện tử hay về học tập, giải trí… tôi cũng gửi link giới thiệu cho các em đọc, tham khảo” - cô cho hay.  

Học sinh cần được định hướng sử dụng Facebook thế nào cho phù hợp với đạo đức, lứa tuổi. (Ảnh: TT)
Học sinh cần được định hướng sử dụng Facebook thế nào cho phù hợp với đạo đức, lứa tuổi. (Ảnh: TT)

Không chỉ là một người bạn, cô còn là người tư vấn tâm lý cho những cô, cậu học trò đang tuổi mới lớn. “Các em đang ở độ tuổi nhạy cảm, chưa có định hướng rõ ràng nên tôi luôn cố gắng gần gũi, chỉ dạy cho các em từng tý một. Tôi luôn nói với các em, mạng xã hội là tốt nhưng phải biết sử dụng sao cho phù hợp, đúng với đạo đức, lứa tuổi. Muốn bấm like một điều gì thì phải đọc và suy xét kỹ chứ không chạy theo số đông”.

Mặc dù đã ra trường nhiều năm nhưng những lứa học sinh do cô Minh chủ nhiệm vẫn kết nối với nhau trên Facebook như những người bạn thân thiết. “Trong một lần vào Facebook của một học trò cũ sắp thi đại học, đọc thấy tâm trạng em buồn chán nên tôi bắt chuyện, hỏi thăm. Hỏi ra mới biết gia đình ngăn cấm em này thi vào trường mỹ thuật, buộc phải học các ngành kinh tế hoặc công nghệ thông tin. Tôi phải gọi điện thoại cho phụ huynh để giải thích, khuyên họ nên tôn trọng sở thích của cháu” - cô Minh tâm sự.

Tuy nhiên, theo thầy Trương Công Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, việc quản lý học sinh trên Facebook đang gặp nhiều khó khăn do các em sử dụng nhiều nickname khác nhau nên khó nhận biết.

Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn thông tin: Hiện có hơn 60% học sinh ở các trường đang sử dụng Facebook, trong khi phần lớn giáo viên không biết cách lên Face. “Thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ học sinh đánh nhau rồi chụp ảnh post lên Facebook, nói xấu nhau trên mạng xã hội dẫn đến những hệ lụy. Do đó, chúng tôi muốn giáo viên phải ở trong thế giới đó mới hiểu và quản lý được học sinh của mình một cách hiệu quả” - thầy Trần Văn Hồng, Phó phòng GD-ĐT quận, nói.
 
Theo Tấn Tài
Pháp luật TPHCM