Giáo viên "đòi nợ" tiền trường, phụ huynh la: "Cô suốt ngày tiền, tiền!"
(Dân trí) - "Mẹ chưa đóng tiền tháng này, mẹ gặp kế toán đóng giúp cô nhé!", giờ các con ra chơi, cô H. ngồi nhắn tin "đòi nợ" phụ huynh.
Cô H. dạy tiểu học tại một trường ở Củ Chi, TPHCM. Tuần rồi, giáo viên này nhận được thông tin từ bộ phận, kế toán báo xuống còn 3 học sinh trong lớp chưa đóng tiền các khoản chi phí trong tháng.
Hỏi tiền phụ huynh đã ngại, lại bận nhiều việc nên cô H. không thiết tha gì với công việc này. Nay nghe kế toán nhắc lại lần nữa, tranh thủ giờ ra chơi, cô ngồi nhắn tin... "đòi nợ" phụ huynh.
"Thay vì thời gian để chơi cùng học trò, quan sát, hỗ trợ các em, tôi ngồi đây... đòi nợ phụ huynh, mà không phải đòi cho mình", cô H. chua chát nói về công việc "đòi nợ thuê" bất đắc dĩ.
Tại trường cô, việc đóng tiền thông qua bộ phận kế toán, giáo viên không trực tiếp thu. Tuy nhiên, với những trường hợp đóng trễ, nợ tiền thì vẫn giao giáo viên... nhắc nhở, đòi hộ.
Nữ giáo viên trải lòng, nhiều khi bạn bè, người thân nợ tiền, cô còn gượng không dám mở miệng hỏi nợ. Thế mà trong mối quan hệ giáo dục với phụ huynh, cô lại phải thường xuyên mở lời nhắc nhở "đóng tiền đi".
Đâu phải hỏi một lần là xong, tiền trường nhiều khoản đóng theo tháng. Cũng đâu phải riêng tiền trường, còn các khoản như bảo hiểm y tế, học phí các chương trình liên kết với các công ty bên ngoài...
Cô H. chia sẻ, do phải trực tiếp "đòi" phụ huynh nên giáo viên phải đối mặt với những tình huống khó xử, oái oăm.
Gần nhất là việc cô hối đóng tiền bảo hiểm y tế, có vị phụ huynh phản hồi "nhà không có nhu cầu". Tuy nhiên, theo quy định đây là khoản bắt buộc, nhà trường còn bị áp chỉ tiêu nên cô vẫn phải đứng ra vận động, thuyết phục.
Cuối cùng, phụ huynh này đóng chỉ vì "để khỏi bị cô đòi".
Trường hợp khác, một ông bố đầu năm từ chối mọi chương trình liên kết ngoài giờ trong trường thì mới đây lại đến gặp cô để đăng ký cho con theo học. Đây là phụ huynh làm cô khó xử nhất khi thường xuyên "nợ" tiền học của con, nợ dồn tháng này tới tháng khác.
Cô H. thẳng thắn trao đổi phụ huynh nên cân nhắc kỹ. Chương trình liên kết do đơn vị bên ngoài tổ chức, họ yêu cầu phải đóng đúng hạn, không được trễ.
Người bố liền trách: "Cô giáo gì mà suốt ngày tiền, tiền".
Nữ giáo viên cho rằng, khi đứng ra hỏi tiền từ phụ huynh, giáo viên phải trực tiếp đối diện với những tình cảnh khó xử. Họ phải đối mặt với hoàn cảnh những phụ huynh khó khăn, thất nghiệp hoặc bố mẹ "chây ì" với đủ nhiều lời chê trách.
Cô N.T., giáo viên tại một trường tiểu học ở TP Thủ Đức kể, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã có văn bản quy định không để giáo viên phải thu bất cứ khoản tiền nào từ phụ huynh, học trò.
Tuy không phải thu nhưng ở nhiều nơi, việc "đòi nợ" phụ huynh, học sinh vẫn được... giao cho giáo viên.
Cô T. bộc bạch, phụ huynh khó chịu, bức xúc tiền trường thì chính giáo viên phải chịu trận. Bởi không ai khác, họ là người trực tiếp đi đòi, va chạm với phụ phụ huynh. Thắc mắc, khó chịu gì, phụ huynh đều chỉ biết phản ứng qua thầy cô.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, nhà trường, bộ phận kế toán hoàn toàn có thể trực tiếp "đòi nợ" phụ huynh. Tuy nhiên, cô T. cho biết, nhiều nơi vẫn chọn cách thông qua giáo viên, dùng quyền lực của người thầy trong mối quan hệ với học sinh, phụ huynh để mọi việc thuận lợi hơn. Dù rằng, việc này gây ức chế, áp lực rất lớn với chính giáo viên.
"Nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học, phối hợp với phụ huynh trong giáo dục trẻ. Việc thầy cô phải đi "đòi nợ" phụ huynh làm chúng tôi mất uy tín, khó giữ bầu không khí và tâm thế tương hỗ cùng phụ huynh, học sinh", cô T. tâm tư.
Nhiều năm nay, ngành TPHCM đã có văn bản quy định yêu cầu các trường không giao giáo viên trực tiếp thu, chi các khoản tiền phụ huynh đóng cho trường.
Chỉ cách đây vài ngày, UBND TP Thủ Đức, TPHCM cũng nhấn mạnh đến nội dung "không giao giáo viên trực tiếp thu, chi tiền" trong hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục.
Xét về mặt câu chữ, các quy định này mới chỉ dừng lại ở việc "không giao giáo viên thu tiền". Còn thực tế, "luật vua thua lệ làng", việc nhắc nhở, đòi tiền từ phụ huynh vẫn được nhiều trường "áp" cho giáo viên.
Không chỉ tiền trường, mà ngay cả quỹ phụ huynh theo cô N.T. ở nhiều nơi giáo viên cũng trở thành "cầu nối" giữa nhà trường và phụ huynh.
Trăm sự đổ đầu thầy cô không chỉ trong việc dạy học mà còn ở cả... chuyện tiền nong. Giáo viên một mặt phải đứng ra chuyển tải ý chí, kế hoạch của lãnh đạo trường đến phụ huynh, một mặt phải vận động và cả gây áp lực đến cha mẹ học sinh. Họ trở thành trung gian của nhiều khoản tiền trường với nhiều tai tiếng...