Quảng Ngãi:
Giáo viên băng rừng, vượt cầu “tử thần” vào rừng tìm học trò
(Dân trí) - Giáo viên huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) phải băng rừng, vượt cầu "tử thần" vào những ngôi làng xa xôi "kéo" trò ra lớp.
Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi theo chân giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) vào khu dân cư Nước Mù vận động học sinh ra lớp.
Khu dân cư Nước Mù cách trung tâm xã Sơn Bua khoảng 3 km đường rừng. Nước Mù chỉ có 12 hộ dân nhưng có đến 25 học sinh các cấp. Cách duy nhất đến thôn là đi bộ theo con đường mòn trơn trượt và đầy vắt.
"Nguy hiểm nhất là cây cầu treo Nước Mù. Cầu đã xuống cấp, người dân dùng nứa gia cố để qua lại. Đường xa, hiểm trở, cha mẹ lại thiếu quan tâm nên các em thường xuyên bỏ học", thầy Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán tú Tiểu học & THCS Sơn Bua nói.
Thầy Ánh vừa dứt lời cũng là lúc cây cầu "tử thần" hiện ra trước mắt. Cầu được xây dựng hàng chục năm đã hư hỏng gần như toàn bộ. Trụ cầu vỡ nát, mặt cầu chỉ là những thân nứa tạm bợ. Chỉ cần sơ sẩy có thể trượt chân rơi xuống con suối lởm chởm đá vào mùa nắng, và đục ngầu nước lũ vào mùa mưa.
Sau khoảng 40 phút băng rừng, vượt cầu "tử thần", chúng tôi đến những nóc nhà đầu tiên của khu dân cư Nước Mù. Thấy thầy Ánh, những đứa trẻ đang chơi đùa liền chạy trốn.
Thầy Ánh đi từng nhà tìm bọn trẻ và giải thích, bọn trẻ sợ vì hôm nay chúng trốn học. Ở Nước Mù, chỉ cần một em trốn học là những học sinh còn lại cũng ở nhà để chơi đùa cùng nhau.
Người dân ở Nước Mù rất đông con, như gia đình ông Đinh Văn Núi có đến 10 đứa con. Trong đó, 7 đứa trẻ đang là học sinh của trường Mầm non, Tiểu học và cả Trung học cơ sở. Hôm nay, cả 7 đứa con của ông Núi đều trốn học.
"Mấy hôm trước đưa tụi nó đi nhưng hôm nay không đưa được nên nghỉ học. Mấy đứa nó chỉ muốn ở nhà chơi", ông Núi nói.
Vợ chồng ông Núi cũng như những hộ dân khác trong thôn hầu như không biết chữ. Vì thế, việc học của con cũng không được coi trọng. Có hôm ông Núi đưa bọn trẻ qua cầu treo "tử thần" để đến lớp, hôm nào ông bận là bọn trẻ bỏ học.
Theo thầy Ánh, việc các em trốn học thường xuyên do cha mẹ thiếu quan tâm. Do đó, thấy các em vắng là thầy cô lại vào tận làng vận động cha mẹ, nói "ngọt" với các em.
"Thầy nói với cha mẹ rồi đấy, mai ra trường với thầy. Mai ra trường sớm thầy cho quần áo mới, nhiều quần áo lắm. Ra trường ở lại với thầy, không phải sợ đi về đường xa", thầy Ánh nói với những đứa con nheo nhóc của ông Núi.
Rời nhà ông Núi, thầy Ánh đến những gia đình khác nói chuyện với cha mẹ đưa bọn trẻ đến lớp. Trong câu chuyện, người thầy vùng cao phát hiện em Đinh Thị Thận (năm nay lên lớp 5) chưa đến lớp ngày nào kể từ khi năm học mới bắt đầu.
Thận vừa được cha mẹ đưa về khu dân cư Nước Mù ở với ông bà. Thiếu giấy tờ chuyển trường nên cha mẹ Thận "giấu", không dám cho con đi học ở trường mới. Trường hợp của Thận được thầy Ánh "đặc cách". Thận được bố trí học bán trú, những giấy tờ thiếu nhà trường sẽ hướng dẫn hoàn thành sau.
Trong câu chuyện trên đường về, thầy Ánh chia sẻ, tại Sơn Bua có nhiều điểm dân cư nằm tách biệt với trung tâm xã. Dù được học bán trú nhưng học sinh vẫn thường xuyên vắng học. Giáo viên phải thay nhau vào rừng "kéo" các em ra lớp.
"Đường đi rất khó khăn, nguy hiểm nhất là vào mùa mưa. Giáo viên chúng tôi thì không nói nhưng bọn trẻ phải qua lại những cây cầu hư hỏng như cầu Nước Mù quá nguy hiểm. Nếu có cây cầu mới thì các em sẽ được an toàn hơn khi đến lớp", thầy Ánh bày tỏ.
Quốc Triều