Ý kiến bạn đọc:

Giáo viên băn khoăn về câu Nghị luận xã hội đáp án môn Ngữ văn

(Dân trí) - Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên môn Ngữ văn chỉ ra câu Nghị luận xã hội đáp án còn chung chung, câu Nghị luận văn học phần liên hệ với kiến thức lớp 11 còn thiếu sót, điều này dẫn đến khó phân loại điểm số học sinh ở mức vận dụng cao.


Giáo viên lo lắng nếu chấm bám theo đáp án khó phân loại được học sinh (Ảnh: Hà Cường)

Giáo viên lo lắng nếu chấm bám theo đáp án khó phân loại được học sinh (Ảnh: Hà Cường)

Câu 1, Phần Nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống ngày nay.

Theo đó, đáp án gợi ý: xuất phát từ thực tiễn đất nước, mỗi cá nhân ý thức được sứ mệnh của mình, có hành động cụ thể để đánh thức tiềm lực của bản thân, từ đó tác động tích cực đến cộng đồng nhằm đánh thức tiềm lực của đất nước.

Với câu hỏi này, đáp án phải xác định được vấn đề trọng tâm là cá nhân cần làm gì để đánh thức tiềm lực của đất nước. Học sinh có thể trình bày suy nghĩ khác nhau nhưng cần tôn trọng thuần phong mĩ thục và không vi phạm pháp luật thì mới có cơ sở cho điểm khách quan, minh xác.

Câu 2, phần Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài. Từ đó, liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu để nhận xét về cách nhìn hiện thực của 2 tác giả.

Đáp án gợi ý như sau:

- Tương đồng: Bằng việc tạo dựng những tương quan đối lập, cả hai tác giả đều hướng tới khám phá hiện thực ở bề sâu, phát hiện bản chất đời sống, từ đó đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, thể hiện sự đồng cảm, xót thương ở những con người nhỏ bé, bất hạnh.

Thực ra, điểm tương đồng giữa hai sự đối lập của những chi tiết, sự việc qua hai tác phẩm chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, mới rõ luận điểm. Vì bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng phản ánh hiện thực từ đời sống khách quan bằng cảm quan nghệ thuật của nhà văn. Và nhân đạo chính là giá trị cốt tủy đem lại sức sống lâu bền nhất cho tác phẩm.

- Khác biệt:

Nguyễn Minh Châu nhìn hiện thực với cảm hứng thế sự bằng cái nhìn đa chiều để khám phá những nghịch lí của đời sống, cách nhìn hiện thực mang phong cách tự sự, triết lí.

Thạch lam nhìn hiện thực bằng cảm quan lãng mạn, không chỉ nhìn thấy hiện thực tăm tối tù động của đời sống mà còn đi sâu vào tâm hồn để khám phá khát vọng của con người, cách nhìn hiện thực mang phong cách tự sự, trữ tình.

Gợi ý chỉ mới nói được một luận điểm duy nhất là khác nhau về phong cách nghệ thuật của 2 nhà văn.

Cái khác thứ nhất chính là hoàn cảnh sáng tác của hai tác phẩm. “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu viết sau 1975, ở giai đoạn đất nước đang hàn gắn vết thương chiến tranh để xây dựng cuộc sống mới. Còn “Hai đứa trẻ” ra đời ở gia đoạn 1930-1945, trong hoàn cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến, con người bị nô lệ, lầm than.

Cái khác thứ hai, chính là ở nội dung: vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài khác với cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu. Đây là sự khác nhau giữa những sự việc, hình ảnh, con người được đặt trong bối cảnh xã hội đó.

Như vậy, nếu giám khảo căn cứ vào đáp án này để chấm, chắc chắn sẽ không phân loại được yêu cầu vận dụng cao của câu Nghị luận xã hội và phần liên hệ ở câu Nghị luận văn học, vì điểm thi của mọi đối tượng học sinh có thể được cào bằng như nhau.

Phan Thế Hoài

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!