Giáo sư văng tục, miệt thị học viên: Đã ôm hòa giải
“Đúng là sự việc đã xảy ra. Thời điểm này tôi chỉ cảm thấy lấy làm tiếc vì hành động mang tính thiếu kiềm chế của mình ở trong quá khứ”.
Học viên đe dọa, chửi bới nhiều lần
Ngày 6/11, trên mạng xã hội lan truyền một video dài hơn 3 phút ghi lại một cuộc đối thoại giữa 2 người đàn ông trong một căn phòng xung quanh vấn đề tiền nong.
Một người đàn ông mặc áo hồng (được cho là thầy giáo) hai chân giẫm lên bàn, vừa xưng tao - mày, vừa chửi học viên của mình bằng những từ ngữ tục tĩu.
Không những thế, khi được cậu học sinh nhắc nhở về việc thầy đang đứng trên bàn và thiếu tôn trọng, vị thầy giáo này nhanh chóng đáp trả: “Ơ, …, nhà tao tao đứng thì sao, mày cấm được tao à?”.
Theo chia sẻ của người đăng tải đoạn clip, người thầy chửi tục trên là Giáo sư, Tiến sĩ Phan Văn Hưng, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế sáng tạo.
Sáng 7/11, trao đổi với Đất Việt, bà Chu Thị Lan, phụ trách truyền thông của Học viện Kinh tế sáng tạo đã xác nhận thông tin trên.
Theo bà Lan, sự việc xảy ra cách đây 3 tháng. Người thầy trong đoạn clip là GS.TS Phạm Văn Hưng, còn học viên là Nguyễn Văn Thắng (quê Nghệ An) tại trụ sở của Học viện.
Bà Lan cho biết, Thắng tìm đến Học viện để đăng ký học tiếng Hàn Quốc với mục đích du học. Thắng đã đóng 48 triệu đồng tiền học phí học tiếng cùng 126 triệu đồng để Học viện nộp sang phía trường Đại học bên Hàn Quốc.
“Thắng thường xuyên nghỉ học. Trong thời gian, Thắng học không nghiêm túc. Quy định của Học viện là chỉ được nghỉ tối đa 4 buổi. Nếu nghỉ quá thì học viên sẽ bị đình chỉ học. Tuy nhiên Thắng nghỉ đến 6 buổi. Chúng tôi nhận định mục đích chính của Thắng là sang Hàn Quốc trốn ra ngoài làm việc chứ không phải đi học nên đã quyết định đình chỉ học.
Theo các hợp đồng, văn bản đã được ký kết từ trước thì học viên này được nhận lại 80% số tiền học phí đã đóng và 100% số tiền gửi sang phía đối tác Hàn Quốc”, bà Lan giải thích.
Bà Lan khẳng định, sau khi biết thông tin bị đình chỉ học, Thắng thường xuyên tới Học viện gây rối, đòi tiền, chửi bới và thậm chí dừng tất cả các lớp đang học.
“Thầy Hưng sau đó đã xuống làm việc với Thắng và xảy ra mâu thuẫn. Chúng tôi có mời cả công an phường đến và trong biên bản có xác nhận hành vi gây rối của Thắng. Sau khi được mời đến cơ quan công an làm việc, cuối cùng thầy Hưng và học viên Thắng đã đồng ý hòa giải. Ngày 2/8 vừa qua chúng tôi đã hoàn trả 80% học phí, tức 36 triệu đồng và ngày 11/10 phía đối tác Hàn Quốc đã thanh toán đủ 126 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng cho Thắng”, bà Lan khẳng định.
Cảm thấy tiếc
Giải thích về việc dùng những từ ngữ tục tĩu lăng mạ học viên, ông Phan Văn Hưng, nhân vật chính trong đoạn clip cho biết cảm thấy làm tiếc vì việc này.
“Em Thắng là một học viên xăm trổ rất nhiều nhưng không vì thế mà chúng tôi phân biệt, không tiếp nhận. Đúng là sự việc đã xảy ra. Thời điểm này tôi chỉ cảm thấy lấy làm tiếc vì hành động mang tính thiếu kiềm chế của mình ở trong quá khứ.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tình huống này. Ngay lúc đó và đến thời điểm bây giờ, tôi thấy rằng bản thân mình phải điềm tĩnh hơn để xử lý, để có những lời nói đúng mực. Ngay sau thời điểm đó đến lúc này, tôi chưa có một hành động nào tương tự”, ông Hưng giải thích.
Ông Hưng cho biết thêm, ngay sau khi xảy ra sự việc, ông đã nói lời xin lỗi với học viên Nguyễn Văn Thắng và 2 bên đã hòa giải trước sự chứng kiến của công an phường.
“Em Thắng cũng đã xin lỗi tôi sau khi sự việc xảy ra khoảng 40 phút tại cơ quan Công an. Hai thầy trò ra ngoài còn khoác vai nhau, ôm nhau ngoài đường và tôi còn nói với em đó vẫn sẽ giúp đỡ nếu có việc gì cần. Anh phó Công an phường còn nói đùa rằng phải mời các anh đi uống bia sau khi 2 thầy trò đã hòa giải. Còn việc tôi có xứng đáng làm thầy hay không thì đó là đánh giá của xã hội, tôi không có quyền. Chưa có một học trò nào có những phản ứng như vậy đối với tôi”, ông Hưng phân trần.
Lý giải về việc đoạn video được quay từ thời điểm tháng 8 nhưng sau khi đến tháng 11 mới được tung lên mạng, ông Hưng cho rằng có thể không phải do học viên Thắng mà đến từ một bên thứ ba.
“Tôi khẳng định em Thắng không phải là người trực tuyến dùng facebook cá nhân của mình hay một kênh thông tin của mình để đăng clip lên. Tôi cho rằng có một bên thứ ba. Trước đây nếu em nào muốn đi du học Hàn Quốc thì phải mặc định giá trung bình từ 250- 320 triệu, có khi đến 350 triệu. Tôi cảm thấy rất đau lòng.
Sau khi về nước, năm 2015, tôi thành lập Học viện Kinh tế sáng tạo đào tạo tiếng Hàn Quốc được Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội cấp. Các sinh viên của tôi đều đi học với mức chi phí từ 176 triệu, nếu nhiều nhất ở thời điểm hiện tại là 195 triệu đồng. Có thể vì lý do đó nên họ mới tung clip đó lên mạng”, ông Hưng đặt nghi vấn.
Theo Hoàng Nam, Báo Đất Việt