Giáo sư Trần Thanh Vân - tấm lòng vì thế hệ trẻ Việt Nam
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân ở Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris từ lâu đã trở thành “chốn quê nhà” của nhiều du học sinh Việt tại Pháp.
Trong vai trò của những đầu bếp tài ba Nga, Minh, Quân, Thành… những cựu SV tại nhiều ngôi trường danh tiếng của Pháp, mỗi người một tay cố gắng thể hiện những món ăn Đông – Tây kết hợp cho buổi liên hoan ấm cúng tại tư gia vợ chồng Giáo sư (GS).
Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân Kim Ngọc
“Chúng em xem hai bác như ông bà, như gia đình mình. 2 bác giúp đỡ chúng em rất nhiều cả về vật chất và tinh thần và là những người truyền nhiệt huyết cho nhiều thế hệ SV chúng em” – Ngô Ngọc Minh - trưởng phòng Tài Chính tập đoàn Bouggues (một tập đoàn lớn Chuyên lĩnh vực XD, Điện tử, điện tử viễn thông và truyền hình của Pháp) xúc động khi nói về 2 Giáo sư đáng kính.
11 năm trước, khi đang là học sinh (HS) lớp toán của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, theo sự giới thiệu của cựu HS Lê Thanh Hà – lớp HS đầu tiên được nhận học bổng Vallett (học bổng do GS Trần Thanh Vân làm cầu nối), Minh và 4 HS khác đã thi đỗ và học tập tại trường ĐH danh tiếng INSA (trường đào tạo quốc gia về khoa học ứng dụng).
Nếu như học bổng Vallet ở trong nước như nguồn động viên, khích lệ tinh thần học tập của HS, SV thì học bổng này dành cho những SVVN có thành tích học tập xuất sắc tại nước Pháp thực sự là điểm tựa, là nguồn kinh phí lớn cho SV đảm bảo cuộc sống ở đất nước đắt đỏ này.
“Em gửi kết quả của 1 học kỳ cho các bác. Bác Vân là người xét học bổng và quyết định trao. Mục dích chính của học bổng là có thể chi trả tối thiểu cho đời sống của SV. Như em thời điểm đó được trao 3.500 Euro, đủ để chi tiêu, sinh hoạt trong năm.Ô Odon Vallet là người rất để ý chi tiết đến đời sống của SV, nắm được hoàn cảnh của từng SV được học bổng. Ông gọi điện hỏi em 1 ngày chi phí hết bao nhiêu, đắt đỏ ko…” –Minh chia sẻ.
Sẽ chỉ là nguồn hỗ trợ kinh phí đơn thuần như bao nguồn học bổng khác, thế nhưng điều mà Minh cũng như bao lớp SVVN khi sang Pháp du học nhận được nhiều hơn cả đó chính là sự quan tâm, động viên của ông bà Giáo sư.
“Nhiệt huyết của các bác không phụ thuộc vào tuổi tác, bác giúp hay làm gì là làm đến cùng. Với chúng em 2 bác giúp không chỉ là trao học bổng mà còn rất quan tâm nó học thế nào, có vấn đề gì khó khăn ko, có cần giúp đỡ gì ko?. Nếu mình gặp khó khăn này kia thì các bác có thể tìm người giúp đỡ mình. Em may mắn là tự lực nên không phiền 2 bác nhiều nhưng em nhìn thấy nhiều anh em được 2 bác giúp nhiều lắm và cảm thấy đó là tấm lòng, sự trách nhiệm của 2 bác đối với chúng em”, Minh nói.
Trong chuyến đi đến nhiều vùng của nước Pháp, tốc độ làm việc cao, đồng hành với vợ chồng GS khi nào cũng có những tình nguyện viên là những SV và cựu SV. Không đơn thuần là người kết nối chương trình, phiên dịch mà họ còn là những người chăm lo về mọi mặt, từ hướng dẫn viên cho đến công tác hậu cần giúp ông bà Giáo sư. Ngày thứ 3 bạn Trần Trung Quân gnhir phép tại Tập đoàn điện lực Pháp để tháp tùng đoàn công tác.
Với chất giọng chuẩn, vốn từ phong phú, dịch đuổi linh hoạt, Quân đã giúp chúng tôi không chỉ nắm được tinh thần, nội dung của những buổi làm việc mà còn như một đại sứ giới thiệu về văn hóa cũng như con người nước Pháp. Là một trong những lớp du học sinh sớm nhận được sự giúp đỡ của vợ chồng Giáo sư thông qua nguồn học bổng và cũng đã có những thành công nhất định, nên với Quân việc được giúp đỡ 2 bác vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là thể hiện tình cảm của mình đối với 2 vị Giáo sư đáng kính
“Khi nhìn thấy việc làm của 2 bác như vậy em nghĩ các bác cần giúp gì thì anh em đều sẵn sàng. Mình xem việc làm ấy là niềm đam mê và đó cũng là cách trả ơn rất nhỏ so với những gì mà 2 bác đã làm cho chúng em". – Quân chia sẻ.
Cựu du học sinh Việt Nam Trần Trung Quân hiện đang làm việc tại một công ty Pháp
Những vòng ôm thật chặt, những lời hỏi thăm ân cần, những tiếng cười ròn rã … một không khí thật ấm cúng, như những người thân trở về dưới 1 mái nhà là tình cảm mà lãnh đạo Thành phố cổ kính Blois dành cho vợ chồng Giáo sư.
27 năm qua, không chỉ các thế hệ lãnh đạo mà cả người dân ở nơi này đều dành cho ông bà Giáo sư tình cảm vô cùng đặc biệt bởi sự đóng góp to lớn của ông bà cho thành phố này.
Trong lời chào mừng tại tòa thị chính cổ kính, bà Catherine Monte’reou – Phó thị trưởng đã nhấn mạnh: “Chính chuỗi Hội nghị Gặp gỡ Blois danh tiếng được Giáo sư Trần Thanh Vân khởi xướng và tổ chức đều đặn suốt 27 năm qua đã giúp thành phố này được thế giới biết đến không chỉ là thành phố cổ kính, có bề dày văn hóa mà còn là một thành phố khoa học với những công bố khoa học danh tiếng nhất dưới tên gọi Blois đồng thời còn thúc đẩy hoạt động du lịch, kinh tế cho thành phố”.
Cũng nhờ mối quan hệ khăng khít giữa ông bà Giáo sư và Thành phố Blois mà nhiều năm qua, 2 thành phố của 2 nước là Huế - Blois đã có mối quan hệ đối tác hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, mà điển hình nhất là nhịp cầu du học cũng được cất lên ở mối quan hệ này.
“Thông qua ông bà GS chúng tôi đã thiết lập hoạt động tạo điều kiện cho SV VN sang P học tập. Trung bình mỗi năm có 20-25 SV VN sang Blois học. TP cung cấp chỗ ở miễn phí cho SV VN. Tôi rất ngưỡng mộ SV VN vì họ luôn ở hàng đầu trong khóa học điều đó cho thấy SV rất có năng lực và phong cách sống của họ đã hòa nhập với TP này” - Bà Catherine Monte’reou khẳng định.
Giáo sư Kim Ngọc (giữa) chụp ảnh kỷ niệm với GS Cossin(phải) và tác giả
Mới sang Pháp được gần 2 năm nhưng Lê Quốc Cường đã là SV năm thứ 4, trường ĐH INSA, chuyên ngành hệ thống công nghiệp. Sở dĩ có sự “đặc cách” này là bởi sau khi đã đỗ vào trường ĐH Quốc học Huế với kết quả cao, Cường được thầy cô giới thiệu chương trình du học tại Pháp với điều kiện phải hoàn thành 2 năm học cơ sở ở trong nước, vốn tiếng Pháp phải đảm bảo và trải qua 1 cuộc thi vô cùng ngặt nghèo.
Với Cường cũng như nhiều SV khác đây là quyết định khá mạo hiểm bởi không có gì chắc chắn cho việc có vượt qua cuộc thi và việc theo học các trường ĐH trong nước vì thế cũng dở dang. Tuy nhiên, mọi việc khá thuận buồm xuôi gió.
Cường cười hồn nhiên và khẳng định với nhà ở được miễn phí, nguồn học bổng được hỗ trợ hàng tháng của Hội là 120 Euro, em cũng như các bạn đã có được một đời sống tạm đầy đủ ở thành phố này. Và điều khiến em và các bạn không có cảm giác sống xa nhà là luôn nhận sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, của thầy cô cũng như mọi ngươi dân nơi đây.
Là người đồng hành cùng Hội gặp gỡ Việt Nam trong 10 năm qua ở vai trò thư ký, GS Isabelle Cossin – Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp đến với Hội gặp gỡ VN trên tinh thần thiện nguyện bởi cảm phục tài năng và cái tâm của Giáo sư Trần Thanh Vân.
Bà không khỏi xúc động khi nhắc đến những đóng góp của Giáo sư cho đất nước, cho giới trẻ VN như chính đóng góp cho nước Pháp mình vậy. “Giáo sư Vân rời Việt Nam sớm, sang Pháp được tiếp cận học thuật ở Pháp. Sau khi thành công, ông quay trở về giúp đỡ Việt Nam với cả tấm lòng không tính toán suy nghĩ gì hết. Cái đó góp phần vun đắp mối quan hệ Việt - Pháp từ nhiều năm nay. Giáo sư đã kết nối với các trường danh tiếng của Pháp như Bách khoa Pari, trường Kỹ sư ứng dụng Quốc gia trong hệ thống Insa giúp SV có cơ hội tiếp cận các nền kiến thức ở các trường chất lượng ở Pháp, giúp cho SV tiến xa. Tôi nhận thấy SVVN rất thông minh, năng động, có cơ hội họ nắm bắt, học tập tốt. Họ là sứ giả tạo nên mối quan hệ hữu nghị Pháp - Việt”.
Điều đặc biệt nhất trong chuyến đi mà tôi cảm nhận được chính là tinh thần yêu thương, giúp đỡ nhau như những người thân trong gia đình của Giáo sư đã được nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam lĩnh hội và thực hiện như một sứ mệnh của những người đi trước dành cho những đàn em đến sau.
Từ việc đưa đón, hướng dẫn, chỉ bảo, tạo điều kiện để những du học sinh mới nhanh chóng tiếp cận và thích nghi với xã hội nước Pháp đều được những người đi trước tận tình chỉ bảo. Những việc làm nhỏ đó đã tạo nên một nét đẹp trong ứng xử của cộng đồng SVVN khi sống tại nước Pháp.
Khi kể về vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nói với tình cảm trân trọng rằng: “Ở Pháp có 300.000 người Việt đang sinh sống, trong đó có nhều trí thức rất nổi tiếng, rất giỏi ngay trong xã hội Pháp cũng như trên thế giới. Có nhiều người bằng tình yêu nước của mình đã đẩy mạnh hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong suốt những năm qua, trong đó, điển hình nhất phải nói đến vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân. Họ đặc biệt chú trọng việc tạo dựng, nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học cho giới trẻ”.
Vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân chụp ảnh cùng các du học sinh Việt tại Pháp và đoàn công tác của Việt Nam
Những ngày ở Pháp, dưới sự “chỉ huy” của GS Trần Thanh Vân cả đoàn làm việc với cường độ cao, di chuyển đến nhiều vùng, thăm nhiều trung tâm khoa học, công viên nổi tiếng nhất...
Nhà 2 bác ở ngoại ô Paris, mất chừng 20 phút đi tàu điện ngầm nhưng lúc nào 2 bác cũng có mặt tại chỗ chúng tôi sớm nhất để giục mọi người đúng giờ. Những giấc ngủ gật chớp nhoáng trên xe bus, những lúc ý nhị, lùi lại phía sau kiếm 1 chỗ ngồi giữa những phát biểu dài, những bữa ăn vồi vội, tranh thủ từng chút, từng chút cũng chỉ để làm sao đưa đoàn đi thăm được nhiều mô hình, chắt lọc được điều gì đó cho Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên của Việt Nam, một tổ hợp với mong muốn nuôi niềm đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.
Có lần bác Ngọc nói với tôi rằng “Danh vọng, tiền bạc đồ sộ mấy một phút cũng tan thành mây khói. Chỉ có tình thương giống như tiếng chuông ngân mãi theo thời gian”. Tôi tin ở ngôi nhà nhỏ, bình dị số 104B thị trấn Gif-sur-Yvette, tiếng chuông mang tình yêu thương, trách nhiệm với thế hệ trẻ ấy sẽ còn vọng mãi…/.
Theo Lê Hằng/Vov.vn