Giáo sư Brian Boe: “Muốn nền toán học phát triển phải đầu tư nhiều cho thế hệ trẻ”

(Dân trí) - "Muốn nền toán học phát triển, một trong những điều quan trọng nhất là phải tập trung đầu tư rất nhiều tiền cho các nhà toán học trẻ để có cơ hội làm việc nghiên cứu. Tặng thật nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên để khuyến khích họ theo học ngành Toán".

Đó là chia sẻ của Giáo sư Brian Boe, Trường Đại học Georgia - Mỹ, Thư ký thường trực Hội Toán học Mỹ, đồng trưởng Ban chương trình Hội nghị Toán học Việt - Mỹ năm 2019.

Giáo sư Brian Boe: “Muốn nền toán học phát triển phải đầu tư nhiều cho thế hệ trẻ” - 1

Giáo sư Brian Boe

 Trao đổi với PV Dân trí, GS Brian Boe cho biết, Hội nghị Toán học Việt – Mỹ 2019 là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Hội Toán học Việt Nam và Hội Toán học Mỹ.

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị này tới bây giờ là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi được làm việc với rất nhiều đại diện đến từ Hội Toán học Việt Nam, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Ban chương trình, Ban tổ chức địa phương, và Trung Tâm Quốc Tế Khoa học và Giáo Dục liên ngành (ICISE). Tôi thực sự rất biết ơn thời gian mọi người đã dành ra để chuẩn bị cho Hội nghị này.

Tôi nghĩ rằng, đã có một Hội nghị tuyệt vời với 6 bài giảng đại chúng, 3 bài giảng đến từ phía Mỹ và 3 bài giảng đến từ phía Việt Nam. Hội nghị cũng đã có 13 báo cáo tiểu ban về nhiều lĩnh vực Toán khác nhau, từ thuần túy tới ứng dụng.

“Các nhà khoa học đã có một Hội nghị thật hữu ích và hào hứng. Tôi mong mọi người sẽ gặp những cộng tác viên mới và bắt đầu những kế hoạch chung mới, và tôi mong đây sẽ là điểm khởi đầu cho một sự liên kết về Toán học mới giữa hai đất nước chúng ta” - GS Brian Boe bày tỏ.  

Tại sao Hội Toán học Mỹ lại chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị toán học Việt – Mỹ, thưa ông?

Hội Toán học Mỹ là hiệp hội Toán học lớn nhất thế giới, với khoảng 30.000 thành viên đến từ 127 quốc gia. Hai nhiệm vụ chính của chúng tôi trong thế kỉ 21 là đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng quan hệ.

Đẩy mạnh nghiên cứu bao gồm hỗ trợ các buổi hội thảo, xuất bản tạp chí và ấn phẩm, và sử dụng cơ sở dữ liệu Mathematical Reviews và MathSciNet để công cuộc nghiên cứu có thể dễ dàng được tiếp cận.

Xây dựng quan hệ bao gồm tổ chức các Hội nghị, cung cấp kinh phí cho các nhà khoa học tới tham dự các Hội nghị quốc tế như Hội nghị quốc tế của các nhà Toán học (ICM) và Hội nghị Toán học Châu Mỹ (MCA), và hỗ trợ một Chương trình giao lưu giảng viên.

 Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi, mà cả hai nhiệm vụ trên đều nhắm tới, là hợp tác với Hội Toán học của các quốc gia khác để có thể đồng sáng lập và đồng tài trợ những cuộc gặp gỡ quốc tế như chương trình này.

Hàng năm, Hội Toán học Mỹ sẽ kết hợp với một nước để tổ chức sự kiện toán học quốc tế.

Sau khi nhận đề xuất của Việt Nam, chúng tôi đã đi đến thảo luận, lên kế hoạch tổ chức hội nghị toán học Việt - Mỹ này. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để làm việc với Việt Nam.

Giáo sư Brian Boe: “Muốn nền toán học phát triển phải đầu tư nhiều cho thế hệ trẻ” - 2

Các nhà toán học Việt Nam trao đổi với các nhà toán học Mỹ

Từ Hội nghị này mở ra sự hợp tác như thế nào giữa các nhà toán học Việt Nam và nhà Toán học Mỹ?

Tôi khẳng định chắc chắn là sau hội nghị toán học này, nền toán học của 2 nước sẽ có nhiều cơ hội trao đổi hơn.

Những nhà toán học 2 nước đã có cơ hội nói chuyện với nhau, hiểu biết về nhau thì họ sẽ dễ dàng tìm ra được điểm chung trong nghiên cứu của họ.

Sau đó, họ cùng nhau trao đổi để cùng viết nên một bài báo, một cuốn sách hay công trình nghiên cứu nào đó. Rất có thể, chúng tôi sẽ tổ chức thêm một hội nghị toán học Việt – Mỹ nữa.

Ông có chia sẻ gì để nền toán học Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa?

Nền toán học giữa 2 nước hiện nay có sự khác biệt. Với Mỹ rất quen với các bài giảng toán học đại chúng, hoạt động này diễn ra thường xuyên. Nhưng qua làm việc với các nhà toán học Việt Nam, tôi thấy các nhà toán học Việt Nam chưa quen lắm với các bài giảng đại chúng. Do đó, các nhà toán học Việt Nam cần chủ động hơn trong việc chia sẻ này.

Một điều nữa mà tôi thấy, những hội nghị toán học quốc tế lớn ở các nước khác, thường được tổ chức trong các trường đại học mới có đủ cơ sở vật chất, phòng học, công cụ để có thể trợ giúp. Trong khi đó, ở Việt Nam có Trung tâm ICISE, nơi hội nghị đang diễn ra, quả nhiên là một địa điểm lý tưởng để đàm đạo về Toán học. Điều này thật đáng tự hào.

Nước Mỹ đã làm thế nào để thu hút giới trẻ quan tâm tới học toán, nghiên cứu toán?

Ở Mỹ cũng rất khó để thu hút các bạn trẻ vào học và nghiên cứu về toán. Điều này không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều nước khác trên thế giới  cũng vậy vì môn Toán rất khó.

Hội toán học Mỹ có trên 30.000 thành viên đến từ 127 quốc gia. Quá nửa số đó là những người trẻ, họ là sinh viên, người học sau đại học.

Hội toán học Mỹ đã tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo, tạo điều kiện cho những người trẻ  có cơ hội làm việc với những người có kinh nghiệm, để có thể ra các sản phẩm cho cộng đồng biết đến.

Thậm chí việc phát hành sách, báo cũng để các bạn trẻ tham gia. Đó có thể là lý do để có nhiều bạn trẻ đi theo ngành toán.

Tuy nhiên, muốn nền toán học phát triển, một trong những điều quan trọng nhất là phải tập trung đầu tư rất nhiều tiền cho các nhà toán học trẻ để có cơ hội làm việc nghiên cứu. Tặng thật nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên để khuyến khích họ theo học ngành Toán.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm