Bạn đọc viết:
Giáo sinh ơi, đừng “nhí nhố”, “sáng tạo” như thế!
(Dân trí) - Câu chuyện về hai nữ sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm TPHCM mặc áo dài, quần đùi và tạo dáng ưỡn ẹo trước cổng vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi. Xem bình luận của bạn đọc trên báo Dân trí, tôi bắt gặp khá nhiều lời chê bai và cũng không ít tiếng bênh vực dành cho hai giáo sinh.
Vâng, mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn trang phục của mình. Nhưng trang phục đó phải phù hợp với truyền thống văn hóa và thị hiếu thẩm mỹ của xã hội. Thông qua trang phục, con người ta dần bộc lộ sở thích, tính cách và cả muôn mặt nhân cách.
Dẫu xã hội có hiện đại và “cởi trói” tư tưởng đến đâu đi chăng nữa thì văn hóa trang phục vẫn mãi là một sợi dây vô hình neo giữ con người vào cái chân - thiện - mỹ.
Nhiều bạn đọc thắc mắc “Có gì sai sao?”. Tôi xin thưa là hai nữ sinh kia đã vi phạm quy định về trang phục trong bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường mà nhà trường đã quy định.
Nhiều bạn đọc lên tiếng rằng đó là sự “nhí nhố”, “sáng tạo”, “nổi loạn” của tuổi trẻ và chúng ta không có lý do gì phải khắc khe, phê phán sở thích trang phục của người khác. Tôi hoàn toàn không đồng tình!
Nhí nhố của tuổi trẻ là nét tinh nghịch đáng yêu chứ chẳng phải cách tạo dáng phản cảm. Sáng tạo của tuổi trẻ là cái mới mẻ, cái lạ mắt đem lại những hiệu ứng tích cực từ cộng đồng chứ chẳng thể là sự kết hợp kệch cỡm giữa tà áo dài truyền thống trắng tinh và cái quần đùi màu đen ngắn ngủn như thế! Còn đó là sự “nổi loạn” của tuổi trẻ ư? Họ đã là sinh viên năm cuối, sắp trở thành những cô giáo, lẽ nào không ý thức được rằng những hành động của mình sẽ tác động tiêu cực đến giới trẻ?
Trong thời đại công nghệ số, những sự kiện “sốc”, “độc”, “lạ” sẽ nhanh chóng lan rộng và nhanh chóng tiêm nhiễm vào giới trẻ. Ngay đến hình ảnh hai giáo sinh tạo dáng với áo dài, quần đùi này thôi, nó đã được bọn trẻ chuyền tay nhau trên Facebook, Zalo… và vô tư bình luận, “bình loạn” về những khung hình “đẹp mà chẳng đẹp” tí nào ấy.
Và nếu không có sự định hướng từ gia đình, sự uốn nắn từ nhà trường, các con sẽ nhanh chóng biến bó thành trào lưu, cơn sốt, hiện tượng mạng… Lúc ấy sẽ nguy hại như thế nào? Chúng ta đâu phải một, hai lần “nhìn chẳng sửa con mắt” khi xem mấy bộ ảnh kỷ yếu phản cảm của bọn trẻ đâu. Kha khá trong số đó sẽ khiến ta giật mình, hốt hoảng, đỏ mặt xấu hổ vì những tư thế tạo dáng không thể nào kệch cỡm hơn, thậm chí là thô tục, xấu xí của bọn trẻ. Và các con cần nhận thức được rằng cái đẹp là sự giản dị, ký ức cần được lưu giữ một cách nâng niu, trân trọng!
Ai sẽ dạy các con điều đó? Ngoài bố mẹ và người thân thì người thầy ở trường cũng góp phần không nhỏ trong việc định hình nhân cách con trẻ. Bởi vậy, ngành nghề nào cũng có những ràng buộc vô hình về trang phục và ứng xử, nghề giáo lại càng đòi hỏi người thầy giữ gìn hình ảnh mẫu mực, sáng trong của mình. Có như thế, thầy cô mới là tấm gương sáng cho học sinh noi theo!
Chúng ta dạy học sinh ăn mặc đúng quy định của nhà trường, chúng ta không thể đi ngược lại nét đẹp trang phục của người giáo viên. Chúng ta dạy các em nói lời hay, làm việc tốt thì chúng ta phải là người gương mẫu thực hiện đúng điều đó… Giáo dục bằng hình thức nêu gương này phải được thực hiện thường xuyên, nhất quán và nghiêm túc ngay trong chính môi trường học đường!
Văn hóa trang phục trong trường học vẫn luôn có những quy định chặt chẽ dành cho cán bộ giáo viên và cả học sinh. Có như thế mới tạo ra được nét đẹp văn hóa học đường và duy trì nề nếp, kỷ cương trường lớp. Vậy nhưng vẫn còn đâu đó một vài giáo viên, một vài học sinh vô tình hoặc cố ý tạo ra những hình ảnh khác biệt, tạo dư luận xấu. Ngay lúc này, nếu chúng ta dung túng cho những lệch lạc, sai phạm ấy, có khác nào chính chúng ta đang tạo cơ hội cho cái sai có cơ hội tiêm nhiễm vào con em, cháu chắt của mình?
Bởi vậy, một hình thức kỷ luật cùng sự nghiêm khắc nhắc nhở từ nhà trường dành cho hai nữ sinh ấy là điều cực kỳ cần thiết.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!