Giáo dục sau "5 năm đổi mới căn bản toàn diện": Nhiều kết quả nhưng còn hạn chế, yếu kém
(Dân trí) - Qua khảo sát hơn gần 4.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, chuyên gia, học sinh, sinh viên và phụ huynh… nhóm nghiên cứu của ĐH QGHN đã nêu nhiều kết quả đạt được nhưng cũng đưa ra hàng loạt hạn chế, bất cập, yếu kém của giáo dục Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Ngày 18/9, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tới dự.
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý và các nhà khoa học đánh giá tổng quan về những thành tựu và thách thức sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn- Giám đốc ĐHQGHN cho biết, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sau đó được Chính phủ cụ thể hoá thành các Chương trình hành động triển khai Nghị quyết.
Trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN về chín nhóm nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW, các nghiên cứu đã tổng kết lý luận và kinh nghiệm, khảo sát hơn 2500 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở giáo dục đại học; trao đổi, phỏng vấn được trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia của các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành; phỏng vấn gần 1000 học sinh và sinh viên, 500 cha mẹ học sinh.
Nhóm nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN đã tập hợp các cơ sở dữ liệu từ các bộ ngành và các cơ quan trong khoảng thời gian 5 năm. Đồng thời, tập trung khảo sát, làm rõ và đánh giá những thay đổi, chuyển biến của nền giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29 với 3 chủ đề: Những đổi mới về tự chủ đại học; Đổi mới về thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục; Đổi mới trong giáo dục phổ thông.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã nêu nhiều ưu điểm sau 5 năm đổi mới nhưng cũng đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, bất cập, yếu kém của giáo dục Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn- Giám đốc ĐHQGHN
Cơ sở pháp lý về tự chủ đại học thiếu đồng bộ, chồng chéo
Đối với vấn đề tự chủ đại học, thay mặt nhóm nghiên cứu TS Nguyên Xuân Huy, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng ĐH QGHN cho rằng, khi thực hiện Nghị quyết 29, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học, được xem là chìa khóa nâng cao chất luợng đào tạo và chất lượng đầu ra, việc làm sinh viên. Các cơ sở GDĐH tự chủ hơn trong tuyển sinh, liên kết đào tạo và mở ngành đào tạo, thu học phí, nâng cao thu nhập giảng viên... Đồng thời, chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ KHCN, thương mại hóa kết quả NCKH.
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng cao. Tại các trường ĐH thực hiện theo Nghị định 77, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường đại học đã tự chủ trên 2 năm, cao hơn đáng kể so với con số trong toàn bộ hệ thống GDĐH (khoảng 6%); Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 22,7%.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế của tự chủ đại hoc là: Cơ sở pháp lý về tự chủ đại học hiện nay thiếu đồng bộ, chồng chéo; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp; Vai trò kiểm soát của Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất lớn trong các nội dung như: bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng; Quyết định biên chế, lương; Định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học.
Sự chồng chéo trong chính sách, pháp luật đối với công việc của giảng viên khiến môi trường làm việc của giảng viên chưa thực sự được khai phóng, chưa tạo ra được động lực và sự nỗ lực phát triển của giảng viên.
Vai trò của cơ quan chủ quản, ban giám hiệu và hội đồng trường trong quản trị đại học chưa rõ ràng. Văn bản hướng dẫn về tự chủ đối với các cơ sở GDĐH không có cơ quan chủ quản vẫn chưa được ban hành.
Cơ chế tài chính chưa chuyển đổi kịp thời so với yêu cầu thực tiễn; Chưa tạo được cơ chế tài chính đặc thù cho phép các cơ sở giáo dục chủ động áp dụng các chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực xuất sắc, chất lượng cao.
Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị các cơ quan quản lý tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định rõ quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH; làm rõ nội dung tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để bảo đảm bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Giải quyết những điểm giao thoa, chồng chéo giữa các luật và văn bản dưới luật liên quan đến việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở GD ĐH.
Hoàn thiện xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo và thực hiện cơ chế tự chủ.
Tăng cường thí điểm, xây dựng lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”. Tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm theo quy định pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các trường đối với chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Thúc đẩy trách nhiệm giải trình của trường đại học với các bên liên quan và xã hội.
Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường đồng thời triển khai kiểm định chất lượng trường và chất lượng chương trình đào tạo ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Các trường ĐH chủ động tham gia các bảng xếp hạng đại học do các tổ chức quốc tế thực hiện.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Giáo dục phổ thông: Tiệm cận dần theo chuẩn quốc tế
Đối với giáo dục phổ thông, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa học giáo dục - ĐH QGHN cho biết, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận sự chuyển biến về giáo dục phổ thông trong 5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29, ở góc độ nào đó, chất lượng giáo dục phổ thông, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới và đã được Ngân hàng thế giới công bố Việt Nam có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của giáo dục phổ thông là một bộ phận cán bộ quản lý chưa năng động và sáng tạo. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng và sức ì của một bộ phận giáo viên cản trở việc việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Chương trình mới đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu; Chương trình hiện hành đang còn chú trọng về nội dung kiến thức. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ về chính sách như: Chính sách về trường chuẩn nhưng chi phí cho CSVC chưa theo kịp; Chính sách về chuẩn GV nhưng chính sách về đào tạo và bồi dưỡng chưa theo kịp.
Nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước: Tiếp tục tăng cường CSVC, thiết bị GD, CNTT hiện đại và đồng bộ; Tăng cường xã hội hóa. Điều chỉnh lương cho GV theo tiếp cận nhu cầu, vị trí việc làm. Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý các kiến thức quản trị cập nhật, thực tiễn đáp ứng chuẩn.
Thiết kế chương trình đào tạo và bồi dưỡng theo hướng cá nhân hóa, tăng quyền chủ động của các trường và ứng dụng CNTT. Thiết kế chương trình phổ thông tăng cường tính cá nhân hóa; chọn lựa môn học; Sự triển khai chương trình cần theo lộ trình và căn cứ vào điều kiện vùng miền.
Tâm lí thi cử nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả.
Đổi mới thi và kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ
Tại hội thảo, đại diện nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới thi và kiểm tra, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục cho rằng, Nghị quyết 29 được thể chế hoá bằng chính sách ở tất cả bậc đào tạo: Trọng tâm định lượng sang trọng tâm định tính ở bậc tiểu học; Đánh giá tổng kết – đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra đổi với bậc trung học và đại học.
Duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Theo đó, tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức...
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, đổi mới thi và kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá: Chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức; Số học sinh trên lớp học quá đông khó triển khai đổi mới; Tâm lí thi cử nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, năng lực KTĐG của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới như chuẩn giáo viên trước đây chưa chú trọng phát triển năng lực KTĐG; một bộ phận giáo viên thói quen cũ, ngại thay đổi.
Một số chương trình đào tạo giáo viên trước đây chưa có chuyền đề riêng biệt về KTĐG. Tổ chức kì thi THPT Quốc gia: Vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định.
Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị cơ quan quản lý, thể chế hoá chính sách; đồng bộ chương trình và chính sách kiểm tra đánh giá; Quy định về số lượng HS/lớp phù hợp với đánh giá năng lực; Đẩy mạnh công tác tư vấn, phân luồng, giảm áp lực thi cử.
Nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, đặc biệt là năng lực kiểm tra đánh giá.
Đặc biệt, tiếp tục duy trì mô hình thi THPT quốc gia để đảm bảo tính ổn định, phát huy những điểm tích cực. Bên cạnh đó, cần bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích hợp; hoàn thiện kĩ thuật; Điều chỉnh văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giám sát…
Công khai dạng thức và đề thi trên mạng, học sinh có thể tự đánh giá các năng lực cơ bản; xét tốt nghiệp kết hợp giữa điểm tích luỹ môn học và đánh giá năng lực cơ bản; khuyến khích các trường xây dựng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan đến ngành đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Đổi mới giáo dục: Cần nhìn thấu đáo, không thể sốt ruột
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị.
Với một nghị quyết lớn như Nghị quyết 29-NQ/TW, để đi vào cuộc sống và nhìn thấy được kết quả rõ ràng thông thường cần phải 10 năm. Nhìn nhận về đổi mới giáo dục cần thấu đáo, toàn diện và không thể sốt ruột. Có nhiều việc cần phải giải quyết ngay trước mắt, nhưng nhiều việc phải lâu dài. Nhiều việc đã làm nhưng chưa thể hiện được kết quả.
Đánh giá cao và khẳng định vai trò quan trọng của việc tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, Bộ trưởng cho biết, để xây dựng được một chính sách, cao hơn là tầm chiến lược về giáo dục, không thể không có nghiên cứu sâu, đánh giá thực tiễn, không thể không có tư vấn của các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tầm nhìn dài hạn.
Triển khai Nghị quyết 29 đến nay đã có hàng chục đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau được thực hiện, từ đó làm cơ sở để xây dựng các chính sách giáo dục phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ trưởng, đây là bước chuyển quan trọng.
"Tôi có chỉ đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT không tham gia sâu vào nghiên cứu nhưng phải phối hợp chặt chẽ, phải lắng nghe, để chắt lọc, xây dựng chính sách dựa trên các minh chứng . Đây có thể là một bước tiến, ít người biết nhưng thực tế đang diễn ra" - Bộ trưởng chia sẻ.
Hồng Hạnh