Giáo dục hòa nhập cho học sinh tự kỷ
(Dân trí) - Hội thảo kết hợp tập huấn về chuyên đề “Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ” dành cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM diễn ra trong hai ngày 22 - 23/10 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q,4.
Hội thảo chỉ ra những vấn đề xoay quanh quay kiến thức khoa học về trẻ tự kỷ cũng như sự cần thiết của phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ. Nhất là khi đưa các em vào trường học hòa nhập đòi hỏi công tác quản lý, chuyên môn thích hợp.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1), tự kỷ là một dạng khuyết tật do rối loạn phát triển thần kinh đã có từ trong bụng mẹ hoặc trước ba tuổi, gây khiếm khuyết tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ, hành vi. Hiện nay chưa có phương pháp chữa lành, chỉ có thuốc chữa trị các triệu chứng kèm theo như tăng động, kém tập trung, động kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm…
Bà Thanh cũng nhấn mạnh, trẻ tự kỷ cần một chương trình giáo dục đặc biệt. Trong khi hiện nay giáo viên, phụ huynh còn rất thiếu kiến thức cũng như còn chủ quan về chứng tự kỷ nên tình trạng của trẻ sẽ càng phát triển phức tạp, khó lường. Thực tế hiện nay giáo viên các trường gặp rất nhiều khó khăn khi giáo dục trẻ tự kỷ hòa nhập.
Chuyên gia này cho rằng, trường học cần phải có tiêu chí cụ thể, rõ ràng khi nhận trẻ tự kỷ để đảm bảo tốt nhất cho việc hòa nhập của các em cũng như công tác hoạt động của nhà trường.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo, quản lý và giáo viên các trường tiểu học cũng được tâp huấn về những vấn đề về trẻ tự kỷ, cách chăm sóc, các bước giáo dục trẻ tự kỷ cũng như sự quan trọng kết hợp giữa phụ huynh.
Một số nội dung khác về về phương pháp giáo dục như có nên dạy trẻ thuận tay trái viết bằng tay phải, ở tuổi nào bắt đầu dạy học sinh sử dụng tiền... cũng được nêu ra tại chương trình.
Chương trình do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức.
Hoài Nam