Giáo dục giới tính: “Đi lòng vòng trong hẻm”
Qua kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, chúng tôi có thể công bố một con số giật mình: Phải đến hơn 60% các em học sinh cấp II, đặc biệt khối 8-9, đã hiểu, đã biết thế nào là quan hệ nam nữ!
Ngay từ trường sư phạm, các giáo trình giáo học pháp đều ra rả về những biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi học sinh THCS, những cách đối xử sao cho phù hợp tâm lý các em. Nhưng làm thế nào để hướng dẫn các em cách thức ứng xử và tự bảo vệ mình trước những biến đổi đó, trước mối quan hệ giới tính có thể xảy ra thì sách từ... né đến bỏ trắng.
Vì thế, khi xuống trường phổ thông giảng dạy, không có bài giảng nào dám đi thẳng ra “quốc lộ”, nói thẳng nội dung giáo dục về vấn đề này, mà toàn đi lòng vòng trong hẻm... Chúng ta còn cố tình gọi tránh đi là giáo dục giới tính! Không thầy cô nào “gan” đủ lớn để đề cập chuyện này với học sinh của mình dù là nói xa, nói gần...
Ngay bộ môn sinh học ở cấp THCS có hẳn một chương về sinh lý người, thì các thầy cô cũng cố mà giảng cho nhanh, cho qua phần lý thuyết khô như ngói. Còn phần thực tiễn thì không ai dám động đến cho khỏi mang... vạ mồm.
Ở bộ môn giáo dục công dân, cũng có một phần trong chương trình lớp 9 nói về Luật hôn nhân - gia đình. Các thầy cô cũng chỉ dừng lại ở phần giảng về việc tảo hôn, kết hôn trước tuổi cho phép, nói chung là chỉ nói pháp luật.
Còn cái mặt sau của pháp luật - là các biện pháp ngăn ngừa cho khỏi vi phạm pháp luật thì chỉ có thầy cô nào tâm huyết lắm, hoặc đã lập gia đình rồi mới dám “đá” qua sơ sơ, cho học sinh hiểu tới đâu thì hiểu! Còn phần lớn là “dạy chay”, nghĩa là chỉ nói về đám cháy ở xa (vi phạm pháp luật) mà không để ý gì đến những tàn lửa gần (việc yêu đương và quan hệ với nhau một cách tự do, phóng túng, thiếu hiểu biết sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng gì).
Đó là chưa kể nhiều khi thầy cô nào nói kỹ chuyện trên một chút, học sinh về nhà kể lại không rõ, phụ huynh còn tới mắng vốn nhà trường: “Trời ơi, thầy A , cô B dạy con tui gì kỳ quá”. Mới rón rén ló ra chút miếng khôn cho các em, thế là thầy cô rụt vô luôn!
Trường học nào cũng có phòng y tế. Nhưng không phải trường nào cũng có phụ trách phòng y tế là bác sĩ. Nên mảng tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh, cho giáo viên hầu như bỏ trắng. Ấy vậy mà năm nào liên ngành giáo dục - y tế cũng tổ chức 2-3 cuộc thi tìm hiểu và phòng chống HIV/AIDS. Học sinh đi thi học như vẹt về ba con đường lây nhiễm.
Nhưng ngay cả khi lên trả bài, các em đều nói rất to về đường máu, đường từ mẹ sang con, đến phần đường tình dục thì hầu như em nào cũng ri rí trong miệng. Dường như trong vô thức các em cũng cảm thấy rằng nói đến hai từ trên là xấu, là bậy bạ hết chỗ nói.
Cái tư duy này ở học sinh cho thấy sự thất bại của việc giáo dục giới tính trong nhà trường. Thiếu sự hiểu biết trong việc tự bảo vệ mình, thiếu chuẩn bị kiến thức tình dục, nên các em không có bản lĩnh nói “không” với chính ham muốn bản năng của mình. Nên hươu chạy sai đường là cái chắc.
Việc học sinh hiểu tự phát, học tự phát về những điều được coi là “lãnh địa cấm” của người lớn; việc tránh né giảng dạy, trao đổi, hướng dẫn các em những chuyện được đánh giá là nhạy cảm của người lớn; việc xã hội và ngành giáo dục chưa thấy hết tầm quan trọng của giáo dục kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính cho lớp trẻ là những nguyên nhân chính dẫn đến các hệ quả mà ta đã thấy nhãn tiền.
Phụ huynh có con em là nạn nhân thường than khóc: “Trời ơi! Sao con tôi dại quá!” Nhưng để “dạy khôn” cho các em thì... biết trông vào ai bây giờ? Thầy cô mà còn bó tay, huống chi ai...