Giáo dục dân tộc đã đổi thay nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
(Dân trí) - Trong những năm qua, chính sách giáo dục dân tộc đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác giáo dục dân tộc vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa – phụ trách công tác giáo dục dân tộc đã có những chia sẻ với báo Dân trí.
Trong những năm qua, chính sách giáo dục dân tộc đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năm 2014, một số chính sách về giáo dục dân tộc đã được Chính phủ ban hành. Thứ trưởng có thể cho biết tổng quan về việc triển khai chính sách giáo dục dân tộc trong năm qua?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được ban hành, bao gồm: chính sách về phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục; chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi... Các chính sách đó đã góp phần động viên đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến; tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số đến trường, nâng cao chất lượng học tập.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
Nhìn chung, các chính sách phát triển giáo dục dân tộc đã được các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi được củng cố và phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện công bằng trong giáo dục.
Trong quá trình hướng dẫn, triển khai thực thiện chính sách, ngành gặp những trở ngại gì không? Thứ trưởng có thể chia sẻ đôi chút về những khó khăn này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Nhìn chung, các chính sách được Chính phủ ban hành thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển.
Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do cấp uỷ, chính quyền của một số địa phương chưa nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo đối với phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, cũng như sự tác động của các chính sách, vì vậy, chưa có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt.
Công tác quản lý giáo dục và đào tạo chưa theo kịp thực tiễn phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; sự chỉ đạo còn thiếu linh hoạt và mang nặng tính hành chính; việc tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách chưa sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm địa lý, tự nhiên và tập quán, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, việc hướng dẫn triển khai một số chính sách còn chưa kịp thời....
Điều Thứ trưởng băn khoăn, trăn trở với chính sách giáo dục dân tộc hiện nay là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chính sách đối với giáo dục dân tộc, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết được hết những khó khăn ở các địa phương. Làm sao để giáo dục dân tộc phát triển bền vững là điều chúng tôi luôn băn khoăn, trăn trở.
Hiện nay, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng dân tộc thiểu số đã được tăng cường đầu tư, cải thiện rất nhiều, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số (vẫn còn thiếu nhiều phòng học cho các cháu mầm non, thiếu nhiều nhà ở bán trú, bếp ăn, công trình vệ sinh và các điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú…).
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn thiếu về số lượng, năng lực nghề nghiệp của một số giáo viên còn hạn chế; một bộ phận giáo viên đời sống còn khó khăn, chưa yên tâm công tác. Vị trí làm việc, số lượng người làm việc và chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên làm việc trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học chưa phù hợp với đặc thù công việc.
Bên cạnh đó, một số chính sách đối với người dạy, người học ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn một số hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ,…Hầu hết các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nên mặc dù đã được ưu tiên, nhưng do nguồn lực ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí đầu tư thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số.
Trong năm mới 2015, ngành sẽ có những kiến nghị, đề xuất gì để thay đổi với những gì Thứ trưởng đang trăn trở?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Việc tham mưu xây dựng cơ chế chính sách đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi rất cần có sự phối hợp, tham gia của nhiều bộ, ban ngành có liên quan.
Trong năm tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu, đảm bảo các chủ trương, chính sách được ban hành hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phát triển giáo dục dân tộc.
Song hành với đó là tiếp tục rà soát các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu sô, miền núi, từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn mới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng
Nguyễn Hùng (thực hiện)