Giáo dục đại học: Sẽ phải chuyển hướng sang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

(Dân trí) - Hiện nay hầu hết các trường ĐH Việt Nam đang đầu tư phần lớn nguồn lực (nhân lực, kinh phí, thời gian) cho hoạt động đào tạo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tới đây các trường ĐH sẽ phải chuyển hướng sang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại Hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức diễn ra sáng ngày 29/7 tại Hà Nội.

Câu hỏi “Nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học là đào tạo hay nghiên cứu? Hoạt động nào quan trọng hơn?” đã được nhiều nền giáo dục đặt ra từ lâu. Dễ thấy, ở các trường đại học hàng đầu thế giới hay khu vực, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam. Khả năng “kiếm tiền” của giảng viên/nhà khoa học từ nghiên cứu là cực kỳ lớn và cũng là nguồn thu chủ yếu. Còn ở Việt Nam từ trước đến nay, hoạt động đào tạo luôn được các cơ sở giáo dục đại học xem là mục tiêu “sống còn”. Trường thu học phí của sinh viên, tôn chỉ mục đích chính là dạy học cho sinh viên.

Và mặc dù chiếm tới hơn một nửa nhân lực nghiên cứu khoa học (NCKH) của cả nước, song đầu tư, phân bổ kinh phí cho hoạt động NCKH trong các trường đại học còn nhiều bất cập, hạn chế. Ngân sách của trường đại học Việt Nam chủ yếu dành cho hoạt động đào tạo.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây cũng là điều trăn trở của ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

“Điểm nghẽn” KHCN nằm ở chính tư duy quản trị của trường đại học

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tiềm lực KH&CN của các trường đại học đang có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất nằm ở chỗ hoạt động NCKH đáng lẽ ra phải là nhiệm vụ căn bản, trọng tâm thì chỉ vài trường đại học “đếm trên đầu ngón tay” chú trọng đầu tư.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng chủ trì hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” diễn ra ngày 29/7.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng chủ trì hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” diễn ra ngày 29/7.

Bộ trưởng Nhạ chỉ rõ: Cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ giảng viên tham gia NCKH của các cơ sở giáo dục đại học chưa mạnh mẽ và hiệu quả; chính sách hỗ trợ các trường trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN còn bất cập; các trường, giảng viên chưa thực sự coi trọng NCKH, thiếu đầu tư trọng điểm cho các nhóm nghiên cứu gắn với các ngành đào tạo trọng tâm.

“Điểm yếu hiện nay không hẳn là môi trường chính sách mà thuộc về tư duy quản trị của trường đại học trong NCKH”, Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ đánh giá.

Ông cho rằng, chính các trường đại học phải chủ động hơn nữa, làm sao để “cách mạng KH&CN” trong các trường đại học phải có khởi sắc thực sự. Không phải chỉ có tính chất phong trào, vì một số mục tiêu cá nhân hay thành tích trong xếp hạng. Trường đại học phải xem hoạt động NCKH như giải pháp có tính chiến lược để nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của nhà trường, trong đó có đào tạo. Từ đó, tạo ra ảnh hưởng lớn cho nhà trường và xã hội.

Người đứng đầu ngành Giáo dục xác định, sắp tới các trường ĐH sẽ phải chuyển hướng sang đẩy mạnh NCKH thay vì giảng dạy đơn thuần như hiện tại. Tất cả các cơ sở giáo dục ĐH phải nghiên cứu, nghiên cứu để tạo ra thương hiệu, thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của nhà trường mang tính bền vững trong tương lai. Trong đó, nghiên cứu cơ bản là cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển KH&CN.

“Cởi trói” cho các trường đại học

Trong khuôn khổ Hội nghị, nhóm nghiên cứu độc lập do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì đã trình bày báo cáo “Khảo sát, đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011-2016”. Trên cơ cơ sở báo cáo đề dẫn này, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận thẳng thắn, cởi mở về định hướng, giải pháp đẩy mạnh NCKH trong các cơ sở giáo dục đại học thời gian tới.

Trong phần thảo luận tại Hội nghị, Giám đốc/Hiệu trưởng một số trường đại học chia sẻ, không phải họ không chú trọng hoạt động KHCN nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp nhiều vấn đề khó khăn, nan giải.

PGS.TS Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế cho biết, mấy năm nay nhà trường cũng cố gắng tập trung vào hoạt động nghiên cứu, tham gia các vườn ươm khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, sản phẩm nghiên cứu ra bán rất khó.

Đại diện lãnh đạo nhiều trường đại học chia sẻ, đóng góp ý kiến, giải pháp.
Đại diện lãnh đạo nhiều trường đại học chia sẻ, đóng góp ý kiến, giải pháp.

“Lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như của chúng tôi bán không ai mua”, ông nói. Do đó, đại diện này kiến nghị Bộ Giáo dục có cơ chế đặt hàng để giải quyết tình trạng nhà trường có những sản phẩm khoa học rất tốt nhưng không biết bán thế nào. Thêm nữa, PGS.TS Nguyễn Quang Linh mong rằng, Nhà nước sẽ có chính sách “cởi trói” cho nhà khoa học để họ có thể làm chủ, tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh khoa học song song với công tác nghiên cứu, giảng dạy như giáo sư ở các trường ĐH phương Tây.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM kiến nghị Bộ nên có cơ chế để hình thành viện nghiên cứu đa ngành. Bởi lẽ, hiện tại các trường đại học Việt Nam tồn tại với lịch sử lâu đời theo mô hình Châu Âu cũ (đơn ngành): như ĐH Kinh tế, ĐH Y, ĐH Dược…

Ông Hoài cũng phân tích khó khăn về ngân sách đầu tư nghiên cứu, đặc biệt là huy động ngân sách cho nghiên cứu cơ bản. “Ngân sách dành cho nghiên cứu của các trường đại học rất hạn hẹp. Chúng ta nên có chính sách Ngân sách nhà nước tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản”, vị này kiến nghị.

Lãnh đạo nhiều trường đại học dân lập cho biết, trường công lập đã khó thì trường dân lập càng khó khăn hơn trong việc có được nguồn vốn cho hoạt động NCKH.

Đại diện Trường Đại học Duy Tân tâm sự: “Biết rằng nghiên cứu KH&CN sẽ nâng chất lượng giảng dạy đại học vì giáo dục đại học là phải tạo ra tri thức mới, mà muốn như vậy bắt buộc phải nghiên cứu nhưng khi bắt tay vào các trường, đặc biệt là trường đại học dân lập gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nguồn vốn, cơ sở phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu”. Vị này đề xuất, Bộ nên chăng có chính sách cho các trường đại học sử dụng chung phòng thí nghiệm.

Xây dựng văn hóa nghiên cứu trong các trường đại học

Phản hồi kiến nghị của các trường ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ: việc lựa chọn định hướng nghiên cứu trọng tâm, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh và tìm thị trường cho sản phẩm nghiên cứu là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục chỉ đứng ra đặt hàng các mặt hàng nhà nước cần chứ không đứng ra đặt hàng tất cả. Cơ chế ưu tiên, đãi ngộ các nhà khoa học cũng phải là chính sách chiến lược của nhà trường. Theo ông, phải hình thành nhận thức trong lãnh đạo, trong nhà khoa học, trong giảng viên thì hoạt động NCKH mới có bước tiến vượt bậc được.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, sắp tới sẽ hướng đến thành lập quỹ phát triển KH&CN của ngành. Ngoài ngân sách nhà nước thì huy động nguồn lực xã hội để cấp cho các nghiên cứu KH&CN thực sự chất lượng. Trong lúc cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu còn khó khăn, người đứng đầu ngành Giáo dục đề nghị các nhà trường cần chủ động, linh hoạt tìm hướng chia sẻ vật lực và nghiên cứu chung. Đẩy mạnh sử dụng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu chung thông qua hợp tác trong các dự án nghiên cứu chứ không phải qua con đường hành chính.

Bộ trưởng cũng lưu ý các trường ĐH cần dành thời gian, công sức xây dựng chiến lược KH&CN bài bản, có thể thuê nhóm nghiên cứ thực hiện cho công việc này.

“Không phải trường nào cũng cần có chiến lược đỉnh cao mà tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của trường mà xây dựng chiến lược sao cho sát với thực tế. Nghiên cứu không cần đặt ra to tát mà trước hết để chuyển giao công nghệ đào tạo và tùy lộ trình. Mấu chốt là phải đưa được văn hóa nghiên cứu vào trường đại học”.

Theo Bộ trưởng, các nhiệm vụ nghiên cứu cần gắn với quy hoạch công tác đào tạo, tránh tình trạng nghiên cứu một đằng đào tạo chất lượng cao một nẻo, gây lãng phí nguồn lực. Từng bước đưa hoạt động nghiên cứu khoa học một cách có chiến lược và thiết thực, đưa ra được cơ chế tạo nguồn lực và động lực cho người thực hiện.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, thời gian tới, các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ phải tiếp tục rà soát, có hướng dẫn khả thi, vận dụng thống nhất thực hiện, đề xuất nhiệm vụ, chương trình dự án riêng, chung theo chuỗi để có được ngân hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ, trước hết cho năm 2018 để kịp dự toán ngân sách. Những nhiệm vụ thực sự khả thi trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét triển khai.

Lệ Thu (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm