Giáo dục công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để đạt tới cái gì ?

(Dân trí) - Muốn có chất lượng giáo dục thì phải tôn trọng, "cởi trói" và trả lại cho giáo dục những đặc trưng, thuộc tính vốn có của nó, những quy luật vận động để phát triển, nhà nước không thể áp đặt...

Trong bài viết về: "Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong Quản trị Nhà nước về Giáo dục" gửi tới Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề "Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) - từ chính sách đến thực tiễn", NGƯT.PGS.TS Chu Hồng Thanh đã có những phân tích cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục.

Giáo dục công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để đạt tới cái gì ? - 1

Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề "Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) - từ chính sách đến thực tiễn" đã được nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học quan tâm và gửi bài tham luận.

Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước về giáo dục… để đạt tới cái gì?

 PGS.TS. Chu Hồng Thanh cho rằng, Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học và Luật giáo dục nghề nghiệp đều xác định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và phân công cho nhiều Bộ, ngành cùng Bộ Giáo dục quản lý lĩnh vực giáo dục, vì vậy các Bộ, ngành "chủ quản" cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý trực tiếp trong quản trị nhà nước về giáo dục.

Đồng thời trách nhiệm quản trị giáo dục ở nước ta cũng phải thuộc về cả hệ thống chính trị. Nếu không thể hiện rõ tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong cơ chế quản trị nhà nước như hiện nay thì không thể đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục như mong muốn.

Quản trị nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước về giáo dục… để đạt tới cái gì? Có thể có câu trả lời đơn giản là: chất lượng giáo dục. Nhưng câu trả lời đó hoàn toàn chưa thỏa đáng vì quản trị nhà nước không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chất lượng giáo dục.

 Muốn có chất lượng giáo dục thì phải tôn trọng, "cởi trói" và trả lại cho giáo dục những đặc trưng, thuộc tính vốn có của nó, những quy luật vận động để phát triển, nhà nước không thể áp đặt hoặc can thiệp, làm thay.

Kinh nghiệm từ nhiều nước có mô hình giáo dục tiên tiến ở Châu âu, Nhật, Hàn Quốc , Xingapor, Israel.. cho thấy lao động trong lĩnh vực giáo dục, trong nhà trường, của thầy và của trò, là lao động trí tuệ, lao động sáng tạo, đòi hỏi tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự do học thuật rất cao (Academy freedom).

Theo  PGS.TS. Chu Hồng Thanh, do cơ chế quản trị giáo dục chưa phù hợp, chưa đi thẳng vào đặc điểm và yêu cầu thực chất của phát triển giáo dục là "academy freedom" nên qua nhiều lần cải cách giáo dục và áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, nhưng càng cải cách và áp dụng nhiều mô hình, càng làm cho nền giáo dục rối rắm, phức tạp hơn, dường không có đường ra. 

Trong khi đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia khác lại nhanh chóng áp dụng thành công các mô hình giáo dục tiên tiến, vì trong cơ chế quản trị nhà nước nói chung và quản trị nhà nước về giáo dục nói riêng, các quốc gia đó chỉ tập trung quản lý vĩ mô, đường hướng chiến lược, hệ thống pháp luật, thực hiện vai trò kiến tạo cho phát triển giáo dục. 

Họ tạo cơ chế mở và quyền tự chủ, độc lập, thông thoáng cho các nhà trường, phát huy được tối đa tính chủ động, tự do học tập và nghiên cứu, kích thích năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục, không chỉ về tự do học thuật mà cả trong xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, trong xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy, học và nghiên cứu sáng tạo của thầy và trò. 

Với cơ chế quản trị nhà nước thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình như thế, nền giáo dục không bị xơ cứng, thoái hóa, lạc hậu với thời gian mà ngược lại luôn sống động, luôn tự làm mới và sinh động trong quá trình vận hành, tạo ra các sản phẩm là những con người có tư tưởng khai phóng, có tư duy độc lập, có năng lực phản biện và bảo vệ chân lý, luôn chủ động, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày của bản thân và trong đời sống xã hội.

"Sản phẩm của giáo dục là những con người không chỉ giỏi về chuyên môn, thuần thục về kỹ năng mà còn chuẩn mực về tính kỷ luật và đạo đức, nhân cách và thái độ.  Tất cả các quốc gia thịnh vượng, cất cánh bay cao về kinh tế - xã hội đều có nền giáo dục thành công, đều dựa trên quan điểm giáo dục không những là truyền thụ kiến thức, mà còn là trang bị cho người học phương pháp, phát huy sáng tạo, khả năng độc lập tư duy, năng lực phản biện và tinh thần phản biện khoa học" - PGS.TS. Chu Hồng Thanh nhấn mạnh.

Giáo dục công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để đạt tới cái gì ? - 2

Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình không chỉ để phòng chống tham nhũng mà quan trọng hơn, là cách thức để có một nhà nước liêm khiết, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân.

Công khai minh bạch và giải trình là trách nhiệm xã hội

PGS.TS. Chu Hồng Thanh phân tích, quan điểm "Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực của quá trình phát triển" trong thực tiễn chưa được quán triệt đúng mức và triển khai hiệu quả ở mọi lĩnh vực.

Quản trị nhà nước về giáo dục hiện tại còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy tính tích cực và trách nhiệm của các đơn vị cơ sở. Hệ thống luật pháp và các chính sách về giáo dục chưa hoàn chỉnh. Sự không thống nhất, chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành đã làm giảm  hiệu quả của công tác này.

Theo ông Thanh, vẫn còn lãng phí trong một số hạng mục đầu tư của Nhà nước cho GD&ĐT, chẳng hạn không ít đề án cải cách giáo dục không mang lại hiệu quả đích thực. Cơ sở vật chất thiếu thốn, chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo trình còn nhiều hạn chế là những vấn đề không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được. Tâm lý khoa cử, bằng cấp vẫn chi phối mạnh việc dạy, học và thi cử.

Là một hoạt động dịch vụ công cung cấp dịch vụ giáo dục, các chủ thể sử dụng dịch vụ giáo dục phải được cung cấp đầy đủ thông tin, họ phải nhận được những bản cam kết mang tính thực tiễn rằng chất lượng dịch vụ đảm bảo đúng với "nhãn mác".

Nhằm giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa lợi ích của cả xã hội, cần phải thực hiện nghiêm túc kiểm định chất lượng, tạo điều kiện vận hành hiệu quả hệ thống các cơ sở giáo dục.

PGS.TS. Chu Hồng Thanh cho rằng, chính sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước và quản trị các dịch vụ công không những đảm bảo chất lượng cho chủ thể sử dụng dịch vụ giáo dục, mà còn tạo ra một cơ chế cạnh tranh công bằng, buộc các cơ sở giáo dục không thể không tự mình hoàn thiện nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn các nhu cầu xã hội. 

Quá trình hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ đã mang tới những cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức cho phát triển giáo dục. Mặt trái của kinh tế thị trường có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục. Nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của ngành giáo dục còn nhiều hạn chế.

Theo PGS.TS. Chu Hồng Thanh, Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp cận với nền kinh tế thị trường, các ngành, nghề chưa được chuyên môn hóa sâu sắc, tất yếu tác động trở lại, tạo sức ép đối với hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng cũng chính vì vậy yêu cầu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước về giáo dục càng cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Để  thực hiện yêu cầu này, PGS.TS. Chu Hồng Thanh đề xuất, trong pháp luật Việt Nam và một số nước hiện nay, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình được nhận thức gắn trực tiếp với phòng và chống tham nhũng coi đó là công cụ hàng đầu và hữu hiệu để kiểm soát và giảm thiểu tham nhũng, nhận thức đó là đúng nhưng chưa đầy đủ và chưa phải là căn bản.

Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình không chỉ để phòng chống tham nhũng mà quan trọng hơn, là cách thức để có một nhà nước liêm khiết, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân.

Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học quy định về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục phải đi liền với công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng nếu quản trị nhà nước không thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình thì cũng không thể nào có được đối với cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó,  công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước về giáo dục không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là trách nhiệm xã hội, là văn hóa và bản chất dân chủ trong quản lý nhà nước.

Quản trị nhà nước về giáo dục càng cần coi trọng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xem đó là trách nhiệm pháp lý đồng thời là văn hóa, lý do đơn giản: đây là lĩnh vực phát triển giáo dục.

PGS.TS. Chu Hồng Thanh nhấn mạnh, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước về giáo dục đòi hỏi phải minh bạch và rõ ràng ngay trong hoạt động lập pháp và thực hiện pháp luật, phải làm rõ ngay từ trong nhận thức và triển khai thực hiện một số quan điểm đã được hiến định và pháp điển hóa: " Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", " Hệ thống giáo dục quốc dân", "Quản lý nhà nước về giáo dục", "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển"…

Đặc biệt, cần hình thành chế độ công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước về giáo dục. Muốn vậy, phải thiết lập được chế độ trách nhiệm giải trình của cá nhân và tổ chức trong nền hành chính công và trong quản trị nhà nước về giáo dục.

Nhà nước sẽ đảm nhận ngày càng nhiều chức năng điều tiết với quy mô gia tăng trong một nền giáo dục phát triển ở Việt Nam trong 10 năm, 20 năm tới và tầm nhìn đến 2050.

Ủy ban quốc tế về giáo dục của UNESCO cũng đã đưa ra sáu nguyên tắc cơ bản cho công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước về giáo dục:

- Giáo dục là quyền cơ bản của con người và cũng là giá trị chung nhất của nhân loại

- Giáo dục chính quy và không chính quy đều phải phục vụ xã hội, giáo dục là công cụ để sáng tạo, tăng tiến và phổ biến tri thức khoa học, đưa tri thức khoa học đến với mọi người.

- Các chính sách giáo dục phải chú ý phối hợp phài hòa cả ba mục đích là: công bằng, thích hợp và chất lượng.

- Muốn tiến hành cải cách giáo dục cần phải xem xét kỹ lưỡng và hiểu biết sâu sắc về thực tiễn, chính sách và các điều kiện cũng như những yêu cầu của từng vùng.

- Cần có cách tiếp cận phát triển giáo dục thích hợp với từng vùng, tuy nhiên cần phải chú ý đến các giá trị chung, các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế như: quyền con người, sự khoan dung, hiểu biết lẫn nhau, dân chủ, trách nhiệm, bản sắc dân tộc, môi trường, chia sẽ tri thức, giảm đói nghèo, dân số, sức khỏe…

- Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả mọi người.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm