Giảng viên trẻ dân tộc Sán Dìu: 1 năm công bố 7 bài báo quốc tế ISI

(Dân trí) - Đó là Nguyễn Văn Thìn sinh năm 1988, dân tộc Sán Dìu, giảng viên toán trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Đến thời điểm này, Thìn đã có 15 bài báo quốc tế trong danh mục ISI.


Nguyễn Văn Thìn, giảng viên trẻ ngành Toán học của trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên

Nguyễn Văn Thìn, giảng viên trẻ ngành Toán học của trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên

Nghiên cứu trong nước, công bố quốc tế

Nguyễn Văn Thìn (dân tộc Sán Dìu), tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm Toán trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên năm 2010 và được giữ lại trường làm giảng viên. Sau đó, Thìn tiếp tục học Thạc sĩ và bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán học chuyên ngành Giải tích tại Trường.

Trong thời gian giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, giảng viên trẻ Nguyễn Văn Thìn đã công bố 15 bài báo quốc tế (trong danh mục ISI và Q1, Q2, Q3 theo phân loại tạp chí ISI uy tín của quỹ Nafosted). Riêng năm 2017, Thìn có 7 bài báo công bố quốc tế ISI và đầu năm 2018 có 3 bài công bố quốc tế trong danh mục ISI.

Đối với Toán cơ bản, hướng nghiên cứu chính của Thìn là “Lý thuyết Nevanlinna và ứng dụng”. Thìn đã cống bố 14 công trình theo hướng nghiên cứu này. Về nghiên cứu ứng dụng của Lý thuyết Nevanlinna trong vấn đề duy nhất hàm phân hình và phân bố giá trị của đa thức đạo hàm, sai phân, Thìn đã công bố 3 công trình theo hướng nghiên cứu này.

Còn trong nghiên cứu ứng dụng của Lý thuyết Nevanlinna trong Lý thuyết họ chuẩn tắc, Thìn đã công bố 6 công trình theo hướng nghiên cứu này. Ngoài ra, Thìn cũng đã nhận được 3 giải thưởng công trình toán học trong “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020”.

Hướng nghiên cứu của Thìn trong Toán ứng dụng là “Phương trình đạo hàm riêng và ứng dụng”. Theo hướng nghiên cứu này, Thìn đã có 2 công trình trong danh mục ISI, trong đó một tạp chí trong danh mục Q1 các tạp chí ISI uy tín của quỹ Nafosted.

Nguyễn Văn Thìn hiện nay đang làm posdoc tại trường ĐH Shandong - Trung Quốc.

Chia sẻ với PVDân trí, Thìn khiêm tốn cho biết, “Toán học là niềm đam mê với em từ nhỏ, sau khi học đại học em đã xác định đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy Toán. Tuy nhiên, các bài báo công bố quốc tế đó chưa phải nhiều và phải cố gắng hơn nữa trong thời gian tới để có thêm nhiều bài báo đăng ở tốp đầu”.

Thìn chia sẻ thêm, thuận lợi nhất trong nghiên cứu của em là được nhà trường tạo mọi điều kiện cả về vật chất và tinh thần cho giảng viên trẻ cũng như sinh viên phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trong nghiên cứu khoa học.

Khuyến khích, tạo thuận lợi để giảng viên trẻ tập trung nghiên cứu khoa học

GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các giảng viên trẻ trong trường nghiên cứu và tham gia công bố quốc tế bởi đây là yếu tố sống còn để nâng cao chất lượng đào tạo của một trường đại học.

Chính vì vậy, số lượng bài báo báo khoa học của giảng viên trong trường được đăng tải trong 5 năm gần đây có xu hướng tăng nhanh với tổng số gần 1500 bài báo, trong đó có gần 200 bài báo quốc tế.

Số lượng bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus cũng tăng với tổng số gần 100 bài (trung bình 20 bài/năm). Điển hình nhất, có giảng viên trẻ Nguyễn Văn Thìn, dân tộc Sán Dìu, một năm có 7 bài báo công bố quốc tế thuộc danh mục ISI.

Trong giai đoạn 5 năm gần đây, giảng viên đã được xuất bản thành 85 đầu sách và giáo trình phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, năm 2013 giảng viên của Trường Sư phạm Thái Nguyên đã viết chung 01 cuốn sách được xuất bản tại Nhật Bản về kết quả nghiên cứu chung với các nhà khoa học của Trường Đại học Ryukyus.

Được biết, trong số 363 giảng viên của trường Sư phạm Thái Nguyên có 164 tiến sĩ (chiếm 45,2%), 2 giáo sư và 43 PGS (chiếm 12%)… các PGS dưới 40 tuổi có 11 người chiếm 24,4%.

GS Quang cho hay, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên rất quan tâm đến vấn đề phát triển đội ngũ giảng viên, nhà trường đặt ra chỉ tiêu là có 50% trong tổng số cán bộ giảng viên sẽ được cử đi học tập ở nước ngoài.

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục