Gian lận thi cử vẫn là vấn đề “nóng” nhất trong giải trình của Bộ GD&ĐT

(Dân trí) - Trong các báo cáo giải trình của Bộ GD&ĐT gửi tới đại biểu Quốc hội trong kỳ họp lần này, gian lận thi THPT quốc gia 2018 vẫn là vấn đề “nóng” nhất khiến Bộ GD&ĐT phải báo cáo chi tiết.

Bộ GD&ĐT gửi báo cáo giải trình tới các đại biểu Quốc hội 6 nhóm vấn đề chính là: chính sách đối với các đối tượng ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; giáo dục đại học; chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; giáo dục mầm non; tiêu chuẩn giáo viên; thanh tra, kiểm tra… Tuy nhiên, vấn đề gian lận thi THPT quốc gia 2018 là vấn đề “nóng” nhất mà Bộ GD&ĐT phải thừa nhận và báo cáo chi tiết.


Gian lận thi cử 2018 khiến dư luận hoang mang lo lắng

Gian lận thi cử 2018 khiến dư luận hoang mang lo lắng

Gian lận làm vô hiệu hóa quy trình chấm thi

Theo báo cáo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ngoài các quy định đã được ban hành từ những năm trước, quy chế thi có một số điều chỉnh nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế về mặt kỹ thuật của các kỳ thi trước; khắc phục việc đề thi năm 2017 có phần dễ (nhiều học sinh được điểm 10), năm 2018 đề thi có sự phân hóa cao hơn, tuy nhiên xuất hiện tình trạng một số câu hỏi khó, chưa phù hợp với mục đích của kỳ thi THPT quốc gia.

Bên cạnh đó, phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy đã được cập nhật và hoàn chỉnh nhằm đảm bảo sự an toàn, chính xác, hiệu quả cho công tác chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người sử dụng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước. Đặc biệt, đã xảy ra tiêu cực và gian lận có tổ chức trong chấm thi tại Hội đồng thi của một số địa phương.

Tình trạng tiêu cực, gian lận có tổ chức tại một số Hội đồng thi (đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình), gây tâm lý lo ngại trong học sinh, giáo viên và dư luận xã hội.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, những sai phạm này xuất phát từ chủ đích của một số cá nhân cố tình làm sai, vô hiệu hóa quy trình chấm thi đã được quy định rất cụ thể, chi tiết trong quy chế. Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Công an kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, đồng thời đề ra giải pháp khắc phục cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, công tác giám sát của Bộ GDĐT ở một số khâu tổ chức thi tại địa phương chưa thật sự sâu sát, hiệu quả chưa cao.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho rằng, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của các địa phương để xảy ra sai phạm chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình; công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là ở các khâu trọng yếu, như coi thi, chấm thi còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực.

Việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu tổ chức thi; một số cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi chưa thực hiện đúng chức trách của mình. Cá biệt, một số cán bộ thoái hóa phẩm chất, có ý định gian lận từ trước đã cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định rất cụ thể, chi tiết để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.

Với những sai phạm trên, Bộ GDĐT đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan đến sai phạm trong khâu chấm thi ở một số địa phương.

Trong năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tiếp tục chỉ đạo và thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia Kỳ thi.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi.

"Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ tập trung nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các đối tượng tham gia Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi của quy trình tổ chức thi.

Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa

Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đang chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn sách giáo khoa.

Đồng thời, tổ chức thẩm định sách giáo khoa (gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GDĐT chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT thực hiện xây dựng và triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng và trực tiếp trên phạm vi cả nước bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Bộ trưởng Nhạ cho hay, trong thời gian chưa thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GDĐT tiếp tục hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Nhật Hồng