Gian lận “chạy trường” ở Mỹ: Chưa dừng ở 33 phụ huynh, một số bị cáo bào chữa
(Dân trí) - Sau khoảng 1 tháng đường dây gian lận chạy trường lớn tại Mỹ do Rick Singer cầm đầu bị phanh phui, vụ án đã chuyển sang phần xét xử, một số phụ huynh nhận tội, một số tiếp tục bào chữa. Trên thực tế, dù công tố viên chỉ làm hồ sơ vụ án với hơn 30 phụ huynh nhưng theo lời khai của Singer, khoảng 761 gia đình được chỉ dẫn “chạy tiền” nhằm giúp con họ vào được các trường đại học Mỹ.
Các công tố viên Mỹ đã buộc tội 50 người âm mưu dùng tiền để gian lận “chạy trường”, tuy nhiên con số thực tế chưa dừng lại ở đó.
"Mỗi năm có một nhóm các gia đình, đặc biệt khu vực Bay Area, Palo Alto (San Francisco) – cũng là nơi tôi đáng sống. Họ muốn đảm bảo con họ nhất định vào đại học, không muốn gặp phiền toái, vì thế muốn một số trường nhất định. Do đó, tôi đã thực hiện 761 trường hợp “chạy cửa sau" – tờ Recode dẫn lời ghi âm được nêu trong bản cáo trạng Rich Singer.
Hiện chưa rõ tất cả những gia đình mà Singer đề cập tới có phạm tội danh có thể bị truy tố không. Do đó, rất nhiều gia đình siêu giàu ở Bay Area dường như đang lo lắng.
Khách hàng của Singer là những phụ huynh giàu có làm việc ở nhiều lĩnh vực như CEO, thương gia, thiết kế thời trang, diễn viên... Sau khi nhận được tiền từ các gia đình này, Singer đã sắp xếp để người chấm thi của các trường can thiệp vào bài làm của thí sinh, nhắc bài hoặc sửa đáp án, làm đẹp hồ sơ…
Khoảng 700 gia đình khác mà Singer khai đã hỗ trợ có thể không chịu bất kỳ cáo buộc nào hoặc các trường hợp này có thể thiếu bằng chứng truy tố, như đoạn ghi âm các cuộc trao đổi, Recode cho hay.
Theo Recode, có dù các công tố viên có thể không đưa ra thêm các cáo buộc, nhưng các nhóm khách hàng của Singer vẫn tiếp tục phải đối mặt với những các cuộc điều tra khác.
Bộ Giáo dục Mỹ đã mở các cuộc điều tra liên quan tới vụ bê bối này, với các trường đại học nơi có các huấn luyện viên hoặc quản trị viên bị cáo buộc sai phạm và với các cơ quan, tổ chức được đề cập trong các cáo buộc.
Trong khi đó, một số phụ huynh trong tổng số 50 bị cáo chưa nhận tội có thể kéo dài tiến trình xét xử vụ án. 13 phụ huynh, trong đó có Felicity Huffman - nữ diễn viên phim "Những bà nội trợ kiểu Mỹ" đã nhận tội.
17 người khác, bao gồm nữ diễn viên Lori Loughlin cùng chồng, nhà thiết kế Mossimo Giannulli đang đối mặt với cáo buộc lừa đảo và âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền vẫn chưa nhận tội.
Danh sách 17 phụ huynh chưa nhận tội bao gồm: Gregory Colburn, Amy Colburn, David Sidoo, Robert Zangrillo, Elisabeth Kimmel, Homayoun Zadeh, John Wilson, I-Hsin "Joey" Chen, Gamal Abdelaziz, Diane Blake, Todd Blake, William McGlashan, Mossimo Giannulli, Lori Loughlin, Marci Palatella, Douglas Hodge, Michelle Janavs.
12 phụ huynh bị cáo buộc âm mưu lừa đảo, họ đã đồng ý nhận tội theo thỏa thuận bào chữa. Đó là: Gregory Abbott, Marcia Abbott, Jane Buckingham, Gordon Caplan, Robert Flaxman, Felicity Huffman, Agustin Huneeus Jr., Marjorie KlApper, Peter Jan Sartorio, Stephen Semprevivo, Devin Sloane, Davina Isackson.
Ngoài ra, một phụ huynh nữa là Bruce Isackson bị cáo buộc âm mưu lừa đảo và lừa gạt Sở thuế vụ. Ông này đã đồng ý nhận tội.
Còn lại 3 người không thừa nhận bất cứ cáo buộc nào là Manuel Henriquez, Elizabeth Henriquez và Toby MacFarlane.
Hiện các công tố viên đã yêu cầu gia hạn thời gian truy tố đến ngày 25/4 để các bên gặp gỡ, đàm phán trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Các phụ huynh nhà giàu đối mặt với hình phạt hành chính kèm mức án tù có thể lên đến 12 năm.
Trong khi đó, với các tội danh gian lận, rửa tiền, cản trở công lý, nếu bị kết án, Singer có thể phải ngồi tù tới 65 năm.
Một phân tích của tờ Bay Area News trên tài liệu từ Tòa án và các hồ sơ khác chỉ ra rằng: 16 trong số các sinh viên trong vụ gian lận theo học tại ĐH Nam California (USC), nhiều gấp 4 lần so với ĐH Georgetown - ngôi trường đứng thứ hai về số lượng sinh viên theo học trong vụ bê bối chạy trường này.
Ít nhất 12 sinh viên vẫn theo học bình thường tại các trường đại học trong khi cha mẹ của họ đang đối mặt với cáo buộc từ phía Tòa án. 6 sinh viên khác được cho là đã được cấp bằng đại học, trong khi đó 1 sinh viên đã bỏ học.
Ít nhất 10 sinh viên đã biết rõ những người có dính líu đến vụ chạy trường quy mô này với kẻ chủ mưu là William Singer. Ông ta cũng đã thừa nhận về hành vi phạm tội của mình.
Một bản cáo trạng của Tòa án đề cập đến 40 sinh viên với 33 phụ huynh bị cáo buộc về tội danh gian lận cùng với Singer để đưa con em vào các trường đại học danh giá, bằng cách mua chuộc các huấn luyện viên thể thao và thành viên của hội đồng tuyển sinh nhằm tăng khống điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, theo một báo cáo của tờ US Today, số người bị bắt dự kiến sẽ sớm gia tăng.
Ít nhất một trong số các sinh viên đã được thông báo rằng đang nằm trong diện bị điều tra. Nhưng một chuyên gia tin rằng các công tố viên liên bang sẽ không truy tố sinh viên và phó mặc cho các trường đại học liên quan giải quyết.
Manny Medrano, cựu công tố viên liên bang đang là luật sư ở Los Angeles nói rằng, những sinh viên này chắc chắn sẽ bị đuổi học, còn nếu đã tốt nghiệp thì sẽ bị tước bằng.
Theo ông, các trường đại học vướng vào vụ bê bối nói chung đã từ chối thảo luận thêm về trường hợp của từng sinh viên. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ trường hợp nộp đơn giả mạo đều có thể bị đuổi học hoặc thu hồi bằng cấp và chứng chỉ tham gia khóa học. Trong khi đó, các cuộc điều tra về tình hình hiện tại của các sinh viên này hiện vẫn đang diễn ra.
Vụ bê bối "tham nhũng tuyển sinh" vào đại học danh tiếng Mỹ dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 19/6.
Lệ Thu
(tổng hợp)