Giám đốc nghiên cứu FETP: “Bob Kerrey đã không trốn tránh quá khứ”

(Dân trí) - “Động lực nào khiến ông nhận lời mời làm Chủ tịch FUV, nhất là ở cái tuổi ngoài 70 này? Vì danh ư? Chắc chắn là không vì danh vọng ông không thiếu. Vì lợi ư? Lại càng không vì ông không nhận một đồng lương bổng nào từ FUV”, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc FETP lên tiếng.

Liên quan đến cuộc tranh cãi “nảy lửa” về việc Bob Kerrey – cựu chiến binh Mỹ từng gây tội ác kinh khủng trong cuộc tàn sát ở Thạnh Phong, Việt Nam năm 1969 giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam, những dòng chia sẻ của TS Vũ Thành Tự Anh, hiện là giám đốc nghiên cứu FETP (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) đang nhận được hưởng ứng mạnh mẽ.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, đối với Bob Kerrey, việc trở về Việt Nam trong dự án FUV hẳn là một quyết định khó khăn. Bởi lẽ, chắc chắn ông biết rằng mình sẽ lại phải đối diện với quá khứ đầy đau đớn.

Một lần nữa, ông phải gánh chịu những lời kết án cho những tội ác của mình gây ra gần nửa thế kỷ trước… Kerrey dũng cảm chấp nhận đối diện với nỗi đau của mình; vượt qua nó bằng sự nhẫn nhịn, bền bỉ, và hơn hết, bằng những hành động thiết thực hướng tới tương lai.


Tác giả TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (Ảnh: Nguyễn Trung Kiên)

Tác giả TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (Ảnh: Nguyễn Trung Kiên)

Báo Dân trí xin đăng nguyên văn quan điểm của TS Vũ Thành Tự Anh:

Mấy ngày nay, nhiều người hỏi tôi ủng hộ hay phản đối việc Bob Kerrey – cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam – giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ kể lại hành trình nhận thức của mình về Bob Kerrey.

Hơn nửa năm trước, khi biết Bob Kerrey được mời làm Chủ tịch HĐQT của FUV, phản ứng đầu tiên của tôi là phản đối. Lý do rất đơn giản và hiển nhiên: Tội ác kinh khủng ông gây ra trong cuộc tàn sát ở Thạnh Phong năm 1969 tương phản và làm vấy bẩn sứ mệnh cao đẹp của Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Nhưng khi hiểu thêm về Bob Kerrey, những điều ông nói và những việc ông làm, đồng thời được nghe kể nhiều câu chuyện đầy éo le và bi kịch từ cựu chiến binh ở cả hai phía, tôi đã nhận ra ở Kerrey một con người khác, thoát xác từ chính đại úy biệt kích SEAL trước đây.

Trong suốt hơn một phần tư thế kỷ trở lại đây, “bộ ba thượng nghị sỹ” John Kerry, John McCain và Bob Kerrey cũng như nhiều cựu chiến binh khác đã nỗ lực không mệt mỏi và trở thành những nhân vật chủ chốt vận động cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, cho việc phát triển giáo dục ở Việt Nam mà Chương trình Học bổng Fulbright và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright là hai thành quả cụ thể.

Trong thời gian là Thượng nghị sỹ, Bob Kerrey cũng là người bảo trợ cho đạo luật hình thành nên Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), tạo cơ hội cho khoảng 500 nghiên cứu sinh Việt Nam sang Mỹ du học trong các ngành khoa học, toán học, y học, công nghệ và kỹ thuật.

Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey vừa được lựa chọn làm chủ tịch ĐH Fulbright ở Việt Nam. Ông từng là thượng nghị sĩ của bang Nebraska và là ứng viên chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ năm 1992.

Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là một đại uý hải quân và từng liên quan một trong những vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001.

Trong bài phỏng vấn với chương trình “60 Minutes II” của CBS, Kerrey nhận trách nhiệm về toàn bộ vụ việc dù nói rằng không trực tiếp giết người nào.

Trong “bộ ba” này, người Việt Nam chủ yếu chỉ biết đến “hai ông John”. Chẳng mấy ai, kể cả nhiều người được nhận học bổng do Bob Kerrey góp phần tạo ra, biết đến ông cho đến khi ông được Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) mời làm Chủ tịch HĐQT FUV. Người đàn ông này lặng lẽ cống hiến cho sự hàn gắn vết thương chiến tranh trong quá khứ và xây dựng nền tảng cho tương lai ở đất nước ông từng gây đau thương chết hoc.

Động lực nào khiến ông nhận lời mời làm Chủ tịch FUV, nhất là ở cái tuổi ngoài 70 này? Vì danh ư? Chắc chắn là không vì danh vọng ông không thiếu. Vì lợi ư? Lại càng không vì ông không nhận một đồng lương bổng nào từ FUV. Dần dần, tôi hiểu ra rằng với ông, đây là dự án lớn cuối cùng mà ông có thể cống hiến cho Việt Nam, là nỗ lực sám hối tha thiết cuối cùng cho những vết thương ông đã để lại ở Việt Nam.

Đối với Kerrey, việc trở về Việt Nam trong dự án FUV hẳn là một quyết định khó khăn. Lần cuối cùng Kerrey trở lại Việt Nam là cuối thập niên 1990, khi sứ mệnh bình thường hóa quan hệ đã hoàn thành. Khi quyết định trở lại một lần nữa, chắc chắn ông biết rằng mình sẽ lại phải đối diện với quá khứ đầy đau đớn. Một lần nữa, ông phải gánh chịu những lời kết án cho những tội ác của mình gây ra gần nửa thế kỷ trước.

Nhưng với ông, việc chịu đựng những lời kết án hay thậm chí là cái chết có khi còn nhẹ nhàng hơn việc phải đối diện với những ký ức đầy ám ảnh, dày vò tâm khảm ông vĩnh viễn kể từ cái đêm ở Thạnh Phong năm 1969.

Với tâm thế ấy, cũng như trước đây, ông luôn nhẫn nhịn chịu đựng, không một lời thanh minh, không một lời bào chữa, mà chỉ kiên trì theo đuổi tâm nguyện của mình. Bởi vì ông hiểu rằng mặc dù không ai có thể sửa được quá khứ, nhưng với sự lựa chọn của mình, chúng ta có thể thay đổi tương lai.

Có thể có người cho rằng sự trở lại của Kerrey trong Dự án FUV đã khơi lại vết thương quá khứ của nhiều người Việt Nam. Nhưng cũng nên thấy rằng, với quyết định của mình, Kerrey là người đầu tiên phải chịu đựng những đớn đau, dằn vặt tinh thần.

Ông đã không chọn con đường trốn tránh quá khứ, vốn dễ dàng hơn cho ông rất nhiều. Trái lại, ông dũng cảm chấp nhận đối diện với nỗi đau của mình, và vượt qua nó bằng sự nhẫn nhịn, bền bỉ, và hơn hết, bằng những hành động thiết thực hướng tới tương lai.

Sự sám hối của Kerrey là chân thành, khát khao cống hiến của Kerrey cho giáo dục Việt Nam là chân thực. Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng với tấm lòng thành thực và sự cảm thông, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

TS Vũ Thành Tự Anh

Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm