Giải quyết việc hơn 60 giáo viên mầm non có nguy cơ bị dừng hợp đồng
(Dân trí) - Liên quan đến 67 giáo viên mầm non phải chấm dứt hợp đồng khi hết năm 2021, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành chức năng nắm bắt và xử lý vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên.
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), địa phương này hiện có 30 trường mầm non với 3.213 học sinh; nhu cầu số lượng người làm việc năm 2021-2022 là 457 người; số lượng người làm việc được giao năm 2022 là 390. Số lượng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06/NĐ-CP (NĐ 06) đến ngày 31/12/2021 còn 67 người. Tuy nhiên, theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với giáo viên mầm non theo NĐ 06 được thực hiện đến hết năm 2021.
Đối với 67 giáo viên mầm non nêu trên chưa được giao chỉ tiêu biên chế, kinh phí trong năm 2022. Theo Nghị định 105 thì số giáo viên này có thể phải chấm dứt hợp đồng sau khi hết năm 2021, trong khi đó nhu cầu của huyện Quan Sơn rất cần tiếp tục hợp đồng để duy trì số trẻ ra lớp hiện nay.
Điều này khiến 67 giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo NĐ 06 đang công tác tại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện này lo lắng về tương lai của mình. Trong số đó, nhiều giáo viên đã có hàng chục năm gắn bó với ngành giáo dục.
Theo quy định tại NĐ 06 thì 67 giáo viên mầm non hợp đồng nêu trên được hưởng quyền lợi, chính sách như biên chế. Tuy nhiên, nếu theo quy định tại Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ thì đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế)…
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, liên quan đến trường hợp 67 giáo viên mầm non tại huyện Quan Sơn, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ nắm bắt tình hình, phối hợp với UBND huyện Quan Sơn có ý kiến đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Sở GD&ĐT đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn báo cáo. Về phía huyện cũng đã có báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa thực trạng và khó khăn thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng theo NĐ 06 năm học 2021-2022.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, một thực tế đặt ra đối với ngành giáo dục của địa phương này là tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện miền núi còn lớn. Và Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu giáo viên ở các bậc học thuộc diện lớn nhất cả nước. Ở bậc học mầm non, số lượng giáo viên được giao còn thiếu so với định mức là gần 1.700 người.
Ông Trần Văn Thức thông tin, đối với chỉ tiêu biên chế năm 2022 đang chờ cấp có thẩm quyền trình bổ sung cho các địa phương. Trước mắt, công việc của 67 giáo viên mầm non tại huyện Quan Sơn vẫn tiến hành bình thường. Sở GD&ĐT đã yêu cầu Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện khắc phục tình trạng này. Cần cân đối ngân sách giải quyết tiền lương và các chế độ ở mức tối thiểu để giáo viên không thiệt thòi, yên tâm công tác.
Được biết, ngày 19/1 tới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức họp nghe báo cáo về việc giao số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh này theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ.