Thanh Hóa:

Giải quyết “bài toán khó” về giáo viên, nhân viên hợp đồng

(Dân trí) - Việc ký hợp đồng lao động trái quy định dẫn đến hậu quả khiến hàng ngàn giáo viên, nhân viên hành chính bị mất việc. Tuy nhiên đến nay việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vấn đề này vẫn chưa được làm rõ. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo sau khi rà soát, sắp xếp lại, nếu còn nhu cầu sẽ ưu tiên tuyển dụng hoặc hợp đồng lại những giáo viên bị cắt hợp đồng...

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Liên quan đến tình trạng giáo viên (GV), nhân viên hành chính tại nhiều địa phương bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian qua, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII cũng đã chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa.

Đại biểu Lê Thị Như Hoa đặt câu hỏi về trách nhiệm người đứng đầu
Đại biểu Lê Thị Như Hoa đặt câu hỏi về trách nhiệm người đứng đầu

Theo đại biểu Lê Thị Như Hoa, trong báo cáo của Sở Nội vụ đã nêu những hạn chế, vi phạm tuyển dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động (HĐLĐ) và nguyên nhân trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, tình trạng này đã xảy ra và kéo dài trong nhiều năm liền, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được các cá nhân, tập thể nào. Đại biểu lưu ý, đây là nội dung mà cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm.

“Trách nhiệm xử lý những người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đẩy 700 người lao động hợp đồng mất việc và nguy cơ sắp tới nếu thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo sẽ có hàng nghìn lao động phải chấm dứt hợp đồng. Đây là nỗi đau và day dứt của những người đứng đầu của tỉnh khi chứng kiến con em, người dân của mình bị mất việc làm trong ngơ ngác, trong nước mắt. Là cơ quan tham mưu cho tỉnh, Sở đã và sẽ có giải pháp gì để xứ lý hậu quả của tình trạng trên”, đại biểu Hoa trăn trở.

Trả lời ý kiến đại biểu, ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, việc để xảy ra các vi phạm, đặc biệt là việc thực hiện HĐLĐ đã tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên về việc này, trách nhiệm của Sở Nội vụ, các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động quản lý đối tượng này và trong thời gian gần đây, do số lượng hợp đồng lớn cùng với việc thực hiện tinh giản biên chế, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu tạm dừng để rà soát, chấn chỉnh lại. Tỉnh đã giao kiểm tra tại một số đơn vị có số lượng tuyển dụng và HĐLĐ lớn và cũng đã có kết luận thanh tra, công khai tại các đơn vị.

Đối với trường hợp này, trong các kiến nghị thanh tra và tinh thần chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy là yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu của các tập thể, cá nhân mà trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng, cũng như ký các hợp đồng này.

Ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa trả lời chất vấn
Ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa trả lời chất vấn

“Hiện nay trên cơ sở kết luận thanh tra các tổ chức, cá nhân có liên quan, các bộ phận tham mưu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có các sai phạm này đã tổ chức kiểm điểm, có những đánh giá bước đầu. Tuy nhiên, đối với người đứng đầu thuộc đối tượng Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có những người hiện đã về hưu. Hiện nay ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đang tiến hành kiểm tra các dấu hiệu vi phạm của các trường hợp sai phạm đã được các kết luận thanh tra chỉ ra. Theo tinh thần chỉ đạo kể cả những người nghỉ hưu, hoặc đang đương chức đều phải chịu trách nhiệm phù hợp với các vi phạm đã gây ra”, ông Tùng phân trần.

Chậm sửa đổi quyết định cũ

Đại biểu Lê Thị Hương cho rằng, những tồn lại trong tuyển dụng, hợp đồng lao động thời gian qua có nguyên nhân từ việc thực hiện quyết định 685 của UBND tỉnh về phân cấp công tác quản lý công chức, được ban hành từ năm 2007. Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, đã có các luật, nghị định, thông tư quy định rõ công tác quản lý sử dụng hợp đồng lao động, công chức, viên chức. “Trách nhiệm của ngành trong việc chậm trễ tham mưu cho UBND tỉnh để sửa đổi, bổ sung, thay thế quyết định này”, đại biểu nêu câu hỏi.

Về vấn đề này, ông Đầu Thanh Tùng thừa nhận, việc chậm tham mưu quyết định 685, từ năm 2007, hầu hết tất cả các căn cứ để ban hành quyết định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tổ chức bộ máy cán bộ công chức, viên chức đã thay đổi theo luật mới. Sở Nội vụ đã đề xuất, báo cáo UBND tỉnh và đã xây dựng dự thảo quyết định thay thế quyết định 685, UBND tỉnh đã nghe và đồng ý thống nhất báo cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Đại biểu Lê Thị Hương đặt câu hỏi về việc chậm sửa đổi quyết định 685 của UBND tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Lê Thị Hương đặt câu hỏi về việc chậm sửa đổi quyết định 685 của UBND tỉnh Thanh Hóa

“Tuy nhiên, dự thảo thay thế quyết định 685 có một số yếu tố khách quan dẫn đến việc chưa trình được, tiếp tục rà soát lại để đảm bảo các nội dung trong quy chế mới ban hành và phù hợp với luật tổ chức chính quyền địa phương”, ông Tùng thông tin.

Còn theo đại biểu Ngô Tôn Tẫn, hiện nay có 3 huyện đã có kết luận thanh tra về việc ký hợp đồng GV là Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa. Riêng Yên Định đã có rất nhiều đơn gửi cho Liên đoàn lao động. “Số GV ký vượt quá quy định của pháp luật, cũng như UBND tỉnh cho phép thì thời gian để giải quyết các trường hợp này của 3 huyện, đề nghị Giám đốc Sở cho biết giới hạn thời gian nào giải quyết xong việc này”.

Đồng thời, đại biểu Ngô Tôn Tẫn băn khoăn, trong quá trình cấp huyện giải quyết quyền lợi cho người lao động, Sở Nội vụ có thể hỗ trợ, tư vấn giúp các huyện này giải quyết quyền lợi cho người lao động để đảm bảo rằng khi giải quyết quyền lợi cho từng GV ở đây thì họ hài lòng , bởi vì có những trường hợp GV ký hợp đồng tới 6, 7 năm.

Ông Đầu Thanh Tùng giải trình, sự việc tại 3 huyện nêu trên, việc giải quyết đối với số GV hợp đồng bị chấm dứt hợp đồng với số lượng lớn. Trong các cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp theo quy định của Chính phủ chỉ có đối tượng công chức, viên chức phải được tuyển dụng qua các kỳ thi tuyển, xét tuyển trong chỉ tiêu biên chế được giao, chứ không có quy định HĐLĐ. Tuy nhiên trong thực tế thì một số các cơ quan đơn vị do nhu cầu, khối lượng công việc nên có nhu cầu sử dụng một nguồn nhân lực trong khi chưa được giao biên chế. Do vậy, việc sử dụng LĐHĐ phải vận dụng các quy định của Luật lao động.

Là trách nhiệm cơ quan tham mưu trong lĩnh vực này, Sở Nội vụ cũng chưa có hướng dẫn, chưa có sự thống nhất thực hiện dẫn đến sự vận dụng của các đơn vị không thống nhất và thiếu sự nhất quán đối với đối tượng này. Xung quanh nội dụng HĐLĐ này xảy ra rất nhiều sai sót, từ vấn đề số lượng, chất lượng cho đến vấn đề chi trả lương. Ngay cả khi thực hiện chấm dứt HĐLĐ cũng xảy ra rất nhiều sai sót. Với số lượng lớn GV chấm dứt HĐLĐ thì việc giải quyết cũng cần có lộ trình.

Sẽ ưu tiên những người bị dừng hợp đồng

Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, số GV hợp đồng này là hợp đồng trái quy định, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép và việc dừng hợp đồng là cần thiết, cụ thể là 3 huyện. Nhưng việc dừng hợp đồng này tạo ra một tác động xã hội không nhỏ và người lao động có những phản ứng nhất định.


Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giải trình tại phiên chất vấn

Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giải trình tại phiên chất vấn

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chỉ đạo giải quyết, tuy nhiên, do hợp đồng không đúng với quy định pháp luật nên việc giải quyết các chế độ chính sách cho những người lao động là rất khó. UBND tỉnh Thanh Hóa đã mời các ngành có liên quan họp để tìm cách giải quyết, trên cơ sở vừa thực hiện được việc ngừng hợp đồng trái quy định, vừa đảm bảo chế độ, chính sách cho những người bị dừng hợp đồng.

“Việc ký hợp đồng, bản thân những người sử dụng lao động làm trái pháp luật rồi, nhưng những người lao động không nắm rõ pháp luật, cho nên khi ký không đúng. Trên cơ sở đơn vị nào sai, xử lý ở cấp huyện, nếu có gì khó khăn, tỉnh sẽ có hỗ trợ, giải quyết. Cho đến bây giờ cũng đã nhận được sự đồng thuận của những người bị ngừng hợp đồng. Trong số ngừng hợp đồng này cũng có một số lao động phù hợp với chuyên môn cần phải được tuyển dụng lại hoặc hợp đồng lại để thực hiện các nhiệm vụ. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng, sắp xếp lại các định mức về GV/lớp, học sinh/lớp, nếu còn thiếu có hợp đồng hoặc tuyển dụng thêm thì ưu tiên những đối tượng này phù hợp với chuyên môn đào tạo”.

“Mấy năm gần đây, sau khi rà soát lại thì thấy rằng vừa thừa, vừa thiếu GV. Nên đưa ra định mức sắp xếp lại lớp học, hiện nay GV THCS thừa, GV Tiểu học thừa ít hơn. Hướng giải quyết là GV THCS, Tiểu học những người chuyển được, dạy được là chuyển về dạy Mầm non, trước khi chuyển đi phải được đào tạo bồi dưỡng, nhưng xuống làm GV phụ”, ông Quyền cho biết thêm.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm