Giải Nhất HSG quốc gia môn Địa lý: Vượt qua bản thân là thành công lớn nhất

(Dân trí) - Từ học lực loại khá, Tôn Lương Bảo đặt mục tiêu vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) quốc gia. Vào đội tuyển, Bảo đặt mục tiêu đoạt giải cao để tìm kiếm lợi thế ở cuộc chạy đua 1 suất vào đại học. Chàng trai này vừa xuất sắc đoạt giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi HSG quốc gia năm 2019.

bao 2.jpg
Tôn Lương Bảo (hàng trên, ngoài cùng bên phải) cùng giáo viên bồi dưỡng và các bạn trong đội tuyển dự thi HSG quốc gia môn Địa lý.

Kỳ thi HSG quốc gia năm nay, đội tuyển Địa lý của tỉnh Nghệ An có 10 thí sinh tham dự thì cả 10 em giành được giải thưởng, trong đó có 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Giải Nhất duy nhất của đoàn thuộc về nam sinh Tôn Lương Bảo (lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)

Niềm vui giành giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi HSG quốc gia đến với Tôn Lương Bảo vào những ngày áp Tết khiến cái Tết của Bảo và gia đình thêm ý nghĩa hơn bao giờ hết.

“Làm bài xong, em và các bạn cùng cô giáo chấm điểm bài làm thì được khoảng 16 - 16,5 điểm. Số điểm này em cũng hi vọng đoạt giải cao nhưng khi công bố kết quả, em được 17 điểm, giành giải Nhất. Thực sự là em rất bất ngờ và vui sướng. Vui sướng hơn là em đã vượt qua được chính bản thân mình”, Bảo tâm sự.

Những năm cấp 2, theo định hướng của bố mẹ, Bảo có ý định theo đuổi khối A hoặc khối B. Tuy nhiên, năm học lớp 8, Bảo được gọi vào đội tuyển thi HSG môn Địa lý của TP Vinh. Từ chỗ “thi để tăng thêm sự hiểu biết”, Bảo bị môn học này cuốn hút. Kết thúc chương trình THCS, Bảo đăng kí thi vào lớn chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và trúng tuyển

Nhiều người nghĩ khối C là học thuộc nhưng Bảo không nghĩ như thế, đặc biệt là đối với môn Địa lý.

bao 1.jpg

Tôn Lương Bảo - chàng trai giành giải Nhất duy nhất của đội tuyển Nghệ An tại kỳ thi HSG quốc gia 2019 với môn Địa lý.

“Đây là môn học thuộc cả tự nhiên lẫn xã hội. Trong đó, có một số kiến thức của Toán, Vật lý, phân tích, đánh giá số liệu một cách khoa học, chính xác. Hơn nữa, môn học này là tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao, không chỉ đơn thuần là kiến thức sách vở. Đơn giản như tại sao lại có nắng, có mưa? Tại sao mùa này mưa ít, mùa kia mưa nhiều… Cao hơn nữa là những hiểu biết khá sát từ điều kiện tự nhiên, khí hậu đến đặc điểm kinh tế, xã hội trong nước, quốc tế. Chính vì vậy, càng học, em càng đam mê hơn với môn học này”, Bảo chia sẻ.

Vào lớp chuyên Địa lý, Bảo chỉ nằm trong top học sinh khá của lớp. Đầu năm lớp 11, Bảo đặt mục tiêu vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia của trường. Vượt qua 2 vòng thi với gần 50 đối thủ của hai khối 11 và 12, Bảo và 9 bạn khác chính thức có 1 suất trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi. Cũng trong năm lớp 11, Tôn Lương Bảo giành được giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi HSG tỉnh Nghệ An.

Lọt vào đội tuyển dự thi HSG quốc gia, Bảo có chưa đầy 4 tháng để ôn tập. Trong thời gian này, toàn bộ thời gian sẽ được đồn cho việc ôn tập, mở rộng kiến thức của môn học. Nếu đạt giải thì ngoài thành tích cá nhân, niềm tự hào của bố mẹ, nhà trường thì còn có cả quyền lợi khi xét tuyển vào đại học. Nhưng nếu không đạt như kỳ vọng, sẽ có rất ít thời gian để ôn thi vào đại học.

Bởi vậy, không chỉ Bảo mà các thành viên khác của đội tuyển đều phải cố gắng, nỗ lực bằng 200% ý chí của mình. Ngoài việc lắng nghe, ghi chép kiến thức cô giáo giảng trên lớp, chàng trai này còn lập sơ đồ tư duy cho từng vấn đề để giải quyết, trả lời rõ ràng, đầy đủ nhất yêu cầu của mỗi câu hỏi đề ra.

bao.jpg
Theo Bảo, Địa lý không phải là môn học thuộc mà là môn học đòi hỏi những kiến thức về cả tự nhiên và xã hội, là môn học có tính ứng dụng thực tiễn cao chứ không đơn thuần là kiến thức sách vở.

“Điểm mới của đề thi HSG quốc gia môn Địa lý là câu hỏi phân tích đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, đất, sinh vật… các vùng biên giới Việt - Trung. Đây là câu hỏi mà 3-4 năm trở lại đây không được đưa vào đề thi HSG quốc gia. Câu hỏi không khó nhưng lại dễ đánh mất điểm nếu không có sự phân tích, tổng hợp, khái quát một cách đầy đủ, hệ thống”, Tôn Lương Bảo cho biết.

Cô Lê Thị Kim Ngân - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, người theo sát Tôn Lương Bảo trong suốt 3 năm và cũng là giáo viên bồi dưỡng chính của đội tuyển Địa lý đánh giá: Bảo là một học sinh ngoan, có tố chất và đam mê đối với môn Địa lý. Bảo có tinh thần cầu thị cao, các điểm yếu được giáo viên chỉ ra đều được em lắng nghe và khắc phục. Đức tính nổi trội thứ hai của Bảo là tinh thần chịu khó, ý thức tự học cao và không ngừng hoàn thiện bản thân. Sự tiến bộ của em được thể hiện từng ngày, các bài kiểm tra, thi thử đều cho thấy sự chỉn chu trong làm bài.

Với việc Tôn Lương Bảo giành giải Nhất HSG môn Địa lý, cô Ngân cũng có chút bất ngờ, vượt mong đợi nhưng với giáo viên này, kết quả trên là hoàn toàn xứng đáng với đam mê, khát vọng của Bảo.

Hoàng Lam

Ảnh: NVCC